Gỡ 'thẻ vàng' IUU: Quảng Ngãi đầu tư đồng bộ hạ tầng cảng cá, Kiên Giang xử lý tàu vi phạm vùng biển nước ngoài
Các địa phương như Quảng Ngãi, Kiên Giang đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), nhằm gỡ 'thẻ vàng', tạo thuận lợi cho thủy hải sản Việt Nam rộng cửa hơn khi vào Liên minh châu Âu (EU).
Nâng cao cơ sở hạ tầng cảng cá
Hạ tầng cảng cá được xem là điểm tựa quan trọng của ngư dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguồn nguyên liệu... tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng kiểm soát, truy suất nguồn gốc thủy sản, làm cơ sở pháp lý cho việc xuất khẩu thủy sản, góp phần thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU). Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi, hạ tầng cảng cá lại chưa được đầu tư đồng bộ.
Theo đó, tại cảng cá Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi) và cảng cá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ), rác thải, nước thải, bốc mùi hôi thối. Dọc cầu cảng, nhiều tàu cá đang được ngư dân vệ sinh, bơm nước rửa hầm cá đen ngòm, rồi xả thẳng xuống biển.
Khu vực tập kết cá không đảm bảo vệ sinh do nước thải, chất thải. Trên cầu cảng, sau khi hoàn tất việc thu mua và vận chuyển cá, thì nước thải rửa cá, xác hải sản bị vứt xuống biển.
Nguyên nhân chính là tại các cảng này đang thi công hệ thống xử lý nước thải và phòng cháy chữa cháy. Ông Trần Lê Hồng Sơn, Giám đốc Ban quản lý Các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Các cảng cá này đầu tư từ năm 2008, nên hệ thống xử lý nước thải là thu gom đưa về khu vực lắng lọc.
Tuy nhiên, để đảm bảo các tiêu chí cảng cá loại II, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải vi sinh tự động và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Khi hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động sẽ giảm thiểu phần lớn ô nhiễm môi trường tại các cảng cá”.
Quảng Ngãi có 5 cảng cá kết hợp khu neo đậu là: Cảng Sa Huỳnh, cảng Mỹ Á (thuộc thị xã Đức Phổ), cảng Tịnh Kỳ, cảng Tịnh Hòa (thuộc thành phố Quảng Ngãi) và cảng Lý Sơn (huyện Lý Sơn). Theo thiết kế các cảng này chỉ đảm bảo cho 1.750 tàu thuyền neo đậu.
Để phát huy hiệu quả cũng như bảo vệ môi trường ở các cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ quan chức năng cần đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, nhất là phương tiện phục vụ việc bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm phục vụ nhu cầu của ngư dân.
Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh thừa nhận, hạ tầng các cảng cá trong tỉnh hiện nay chỉ đạt khoảng 70% các tiêu chí cảng cá loại II.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa để vừa nâng cao hiệu quả công trình, nâng cao giá trị cũng như chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân là rất cần thiết. Do đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cần quan tâm bố trí ngân sách.
Với hạ tầng cảng cá còn thiếu và yếu, những năm qua, rất nhiều tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi không về địa phương để xuống cá mà phải di chuyển đến các tỉnh lân cận.
Hiện nay, mỗi năm sản lượng hải sản thống kê được qua các cảng chỉ đạt khoảng 1/10 so với sản lượng hải sản khai thác của toàn tỉnh. Ngoài ra, một số cảng cá có luồng vào cảng và vũng neo đậu thường xuyên bị bồi lấp nên tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn.
Ngư dân Nguyễn Thành Chung, chủ 3 tàu đánh bắt xa bờ ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi cho biết, nguyên nhân khiến đội tàu của ông mỗi lần đánh bắt xong không về các cảng ở Quảng Ngãi vì đa phần các cảng ở đây khi tàu lớn cập vào rất khó khăn, dễ xảy ra va đập mạnh khiến tàu hư hỏng, luồng lạch để tàu vào cảng chật hẹp, lại quá cạn, dễ xảy ra tai nạn khi tàu cá đi vào. Hơn nữa, các cơ sở phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa tàu khá thô sơ, không bảo đảm.
“Sau những ngày khai thác trên biển, anh em chúng tôi cũng muốn cập về cảng trong tỉnh để thuận lợi về nhà thăm vợ, con. Nhưng khi xét về kinh tế, việc cập vào các cảng Quảng Ngãi không đem lại hiệu quả so với cập cảng ở Đà Nẵng, Bình Định nên mấy năm qua tàu tôi đánh bắt trở về đều cập cảng ở các tỉnh khác”, anh Chung cho hay.
Với những thực tế đang tồn tại về hạ tầng cảng cá ở tỉnh Quảng Ngãi hiện nay, việc sớm đầu tư, nâng cấp các cảng để đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy hoạch là vô cùng cấp thiết.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, cho rằng, các cảng cá cũng như khu neo đậu tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi ít được đầu tư về hạ tầng. Do vậy, số lượng tàu thuyền công suất lớn sau khi vươn khơi không về cảng trong tỉnh để xuống cá mà tập trung ở cảng cá các tỉnh lân cận.
Từ đó, dịch vụ hậu cần cảng cá trong tỉnh không phát triển. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng cảng cá của tỉnh.
Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, trong 9 tháng năm nay, các lực lượng chức năng phát hiện 33 tàu cá ngư dân Kiên Giang sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, giảm 11 tàu so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, thành phố Rạch Giá là địa phương còn số tàu cá vi phạm nhiều.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đang điều tra, xác minh và làm việc với chủ tàu, thuyền trưởng của những tàu này để xử lý theo quy định pháp luật.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang cho biết, trong tháng 9/2022, không có tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.
Lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát, xử lý đối với tổ chức, cá nhân có tàu vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tại Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành) với 1.818 lượt tàu cập cảng, rời cảng và qua thanh tra, kiểm tra không có phương tiện nào vi phạm.
Các lực lượng chức năng tăng cường giải pháp phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn. Đơn vị chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác thủy sản.
Theo đó, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng thực hiện nghiêm công tác kiểm tra 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ngư dân ra, vào các cửa biển, cửa sông lớn, kiên quyết không cho ra khơi những trường hợp tàu cá mà thủ tục giấy tờ không đầy đủ, không hợp lệ, thiếu trang thiết bị hàng hải, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu…
Qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá, từ đầu năm đến nay, đơn vị chuyên môn nhận 55 thông báo với 112 tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển hơn 10 ngày, tiến hành làm việc 54 tàu, lập biên bản vi phạm hành chính xử lý 3 trường hợp số tiền nộp ngân sách nhà nước 75 triệu đồng.
Đơn vị chuyên môn giải tỏa 22 tàu cá do chủ tàu, thuyền trưởng chứng minh thời gian mất tín hiệu kết nối tàu đã về bờ hoặc báo cáo vị trí đầy đủ, đúng quy định.
Tiếp đến, đơn vị chuyên môn nhận 12 văn bản cảnh báo với 12 tàu cá vượt ranh giới trên biển, tiến hành làm việc 10/12 chủ tàu cá này, qua đó, giải tỏa 5 tàu cá do tàu hoạt động gần ranh giới, sóng to dẫn đến trôi dạt, thuyền trưởng không có chủ ý đưa tàu vượt ranh giới trên biển…
Đồng thời, đơn vị chuyên môn nhận 4 công văn đối với 4 chủ tàu/13 tàu cá đề nghị phối hợp giám sát đặc biệt tàu cá có dấu hiệu khai thác IUU.
Qua làm việc với các chủ tàu này, đơn vị chức năng ghi nhận có 5 tàu bị bắt, 1 tàu chìm, 1 tàu nằm bờ, 1 tàu thuộc diện xóa đăng ký, 1 tàu không có thiết bị giám sát hành trình và 4 tàu hoạt động khai thác đang xác minh xử lý.
Tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy sản, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản kết hợp tập trung quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU, quản lý, tuần tra, kiểm soát ngư trường.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Thông báo số 245/TB-VPCP, ngày 14/9/2021 của Văn phòng Chính phủ, kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng của EC", kiên quyết không để xảy ra tàu cá vi phạm khai thác IUU.
Cùng với đó, tỉnh chuẩn bị chu đáo nội dung đón tiếp, làm việc với Đoàn kiểm tra về công tác chống khai thác IUU của EC dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10/2022.