Gỡ thẻ vàng IUU: Yêu cầu của EC là động lực để thực thi hiệu quả Luật Thủy sản
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, chúng ta cần thay đổi tư duy không xem những yêu cầu của EC về IUU là hàng rào cản trở mà phải xem đó là động lực để thực thi Luật Thủy sản một cách hiệu quả hơn…
Chiến dịch 180 ngày hành động
Thông tin tại Hội nghị báo cáo chi tiết về 180 ngày hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND 28 tỉnh, thành phố giáp biển tổ chức cuối tuần qua cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến ngày 1/12/2022, Bộ NN&PTNT đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC).
Mục tiêu của Kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023; Quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đã chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện đến tháng 4/2023 và lâu dài.
Theo đó, trước ngày 31/3/2023 hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL theo khuyến nghị của EC và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn; Hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định.
Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); Rà soát các bến cá, cảng cá…, tổ chức giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương; Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển, tàu cá ra vào tại cảng cá; Theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống VMS; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định, đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng và thực hiện thông báo trước 1 giờ, ghi nộp nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá.
Đối với việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, thực hiện kết nối phần mềm hệ thống kiểm soát thủy sản khai thác nhập khẩu với cổng thông tin một cửa quốc gia; kiểm soát 100% sản phẩm thủy sản khai thác được nhập khẩu từ nước ngoài tuân thủ đầy đủ theo quy định của Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng; có giải pháp kiểm soát chặt chẽ sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container.
Đối với việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; Điều tra, củng cố hồ sơ, truy tố xét xử các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Cập nhật 100% kết quả xử phạt hành vi khai thác IUU vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản…
Cần thay đổi cách truyền thông…
Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, thực chất EC không khó khăn mà do chính chúng ta đang dễ dãi trong công tác quản lý. Theo Bộ trưởng, hiện khâu tổ chức thực thi chống khai thác IUU vẫn còn khá yếu, một số địa phương vẫn chưa nhận thức thấu đáo về IUU, dẫn tới tâm lý triển khai công việc một cách đối phó, hiệu quả không cao.
“Chúng ta chưa truyền thông một cách chi tiết về IUU để tất cả người dân hiểu được và vận dụng cho đúng. Hiện tại, chưa thấy cảng cá nào treo biển giải thích cụ thể về IUU và việc vi phạm sẽ gây nên những hệ lụy gì cho ngư dân của Việt Nam, để ngư dân, chủ tàu ra vào cảng nhìn thấy hàng ngày, hàng giờ. Từ đó, thấm nhuần và tự chuyển biến để thay đổi” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho rằng chúng ta phải thay đổi tư duy không xem những yêu cầu của EC về IUU là hàng rào cản trở mà phải xem nó là động lực để thực thi Luật Thủy sản một cách hiệu quả hơn. Do đó, việc đầu tiên các địa phương cần làm là thay đổi kế hoạch, phương pháp truyền thông.
“Một lực lượng sát sao, có tiếng nói và sức chi phối với ngư dân nhất chính là các thương lái thu mua sản phẩm, đầu nậu cung cấp vật tư cho người dân đi biển... Tại sao chúng ta không nghiên cứu, tìm cách đưa lực lượng này vào đội ngũ tuyên truyền viên về chống khai thác IUU?” - Bộ trưởng gợi ý.
Bên cạnh đó, các địa phương phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, thanh niên, nông dân… đến từng nhà, từng thôn, xóm thông tin, tuyên truyền, động viên, hướng dẫn cho các hội viên của mình là ngư dân hiểu một cách sâu sắc được việc tại sao phải chống khai thác IUU; việc bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, thậm chí làm không tốt có thể bị “thẻ đỏ” sẽ dẫn tới những hệ lụy gì cho chính bản thân họ và cho cộng đồng ngư dân.
Ngoài ra, phải hình thành được các hội nghề cá, tổ hợp tác, chi hội, tổ, nhóm để đưa tất cả các ngư dân vào hoạt động chung. Thông qua những tổ chức này để quản lý, thông tin, tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở lẫn nhau thực hiện cho đúng các quy định.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý Tổng cục Thủy sản, các địa phương, kế hoạch hành động chống khai thác IUU đang trong thời gian trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Do đó, những công việc gì thuộc thẩm quyền mà có thể triển khai được thì bắt tay vào làm ngay, không ngồi đợi, không biện minh, kêu khó, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Bộ NN&PTNT để có phương án tháo gỡ.