Gỡ thẻ vàng thủy sản: 180 ngày hành động trước khi EC vào thanh tra lần 4

Chiều 20/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến công bố, triển khai 'Kế hoạch hành động chống hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4'.

Không quản lý được đội tàu sẽ khó gỡ thẻ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra thẻ vàng cảnh báo với thủy sản khai thác Việt Nam. Cùng với đó, EC đã tiến hành ba đợt thanh tra.Để gỡ thẻ vàng, Thủ tướng Chính phủ đã có ít nhất hai lần chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương.

EC đánh giá các giải pháp của Việt Nam đi đúng hướng, có chuyển biến tích cực.

EC đánh giá các giải pháp của Việt Nam đi đúng hướng, có chuyển biến tích cực.

Gần đây nhất, ngày 13/2, Thủ tướng ra Quyết định về Kế hoạch triển khai 180 ngày hành động trước khi EC vào thanh tra lần 4. Về các giải pháp mà Việt Nam triển khai từ khi bị EU áp thẻ vàng đến nay, Thứ trưởng Tiến cho hay, qua ba lần thanh tra trước, EC đánh giá các giải pháp của Việt Nam đi đúng hướng, có chuyển biến tích cực, nhưng chưa đạt yêu cầu để gỡ thẻ vàng, thậm chí có giai đoạn “nguy cơ thẻ đỏ cận kề”.

Khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện như: Sửa đổi bổ sung cơ chế quản lý chuyển đổi hạng ngạch khai thác, quản lý hệ thống giám sát hành trình tàu cá, thực hiện Hiệp định PSMA, chương trình giám sát viên trên tàu cá… Đến nay, các giải pháp trên đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương...

Qua thanh tra, EC đưa ra 4 nội dung quan trọng mà Việt Nam cần phải đáp ứng. Thứ nhất, khung pháp lý. Việt Nam nhận thức rõ vấn đề này, đã ban hành Luật Thủy sản 2017 cùng một loạt nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật, hình thành khung pháp lý cho yêu cầu tháo gỡ thẻ vàng. Thứ hai, quản lý, giám sát đội tàu. Thứ trưởng Tiến thông tin số lượng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn. Từ đầu năm đến nay đã có 6 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, chủ yếu ở Malaysia, trong đó Bình Định 3 tàu, Khánh Hòa 1 tàu, Bình Thuận 2 tàu.

“Nếu không quản lý được đội tàu, còn vi phạm vùng biển nước ngoài thì không gỡ được thẻ vàng. Đây là vấn đề mấu chốt phải giải quyết”, ông Tiến nhấn mạnh. Thứ ba, truy xuất nguồn gốc, quản lý cả sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm đánh bắt trên biển. Thứ tư là việc thực thi pháp luật chưa đồng đều, chưa hiệu lực hiệu quả. Rất nhiều thông tin tàu vi phạm gửi các địa phương, nhưng chỉ yêu cầu các chủ tàu ký cam kết, nhiều tỉnh chỉ lập biên bản, không xử lý hành chính.

Ngoài ra, hạ tầng nghề cá vẫn còn rất yếu kém, chỉ mới đáp ứng 15-18%. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế. “Thẻ vàng ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản. Trước đây, khi xuất khẩu thủy sản sang châu Âu, thủ tục chỉ mất 1-3 ngày, bây giờ 2-3 tuần. Không những thế còn ảnh hưởng đến vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu không gỡ được thẻ vàng sẽ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, ảnh hưởng ngành thủy sản, vị thế của đất nước”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói.

Đến tháng 5/2023, chấm dứt khai thác hải sản bất hợp pháp

Mới đây, ngày 13/2/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4".

Mục tiêu của Kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các bất cập, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2023.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ cho các bộ, ngành và các địa phương liên quan từ nay đến tháng 5/2023 rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định.Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương đã phát biểu làm rõ thực trạng, những nguyên nhân, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai chống khai thác IUU…

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đã công bố Quyết định 81/QĐ-TTg với các nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến tháng 5/2023.

Về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, Chính phủ đặt mục tiêu đến tháng 5/2023 chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Về hợp tác quốc tế: Đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện đường dây nóng giữa Việt Nam và Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc để trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc về tàu cá, ngư dân hai nước.

Quyết định 81 cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp lâu dài nhằm quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia, nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngọc Yến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/go-the-vang-thuy-san-180-ngay-hanh-dong-truoc-khi-ec-vao-thanh-tra-lan-4-i684157/