Gỡ tình trạng 'tắc' kinh phí bảo trì
Trước việc Bộ GTVT muốn chuyển khoản bảo trì đường sắt sang cho Cục Đường sắt (khâu trung gian), thay vì duyệt chi trực tiếp như hằng năm, sau khi Tổng Cty đường sắt Việt Nam (VNR) và các cơ quan liên quan có văn bản 'kêu cứu' trong quý 1 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo giải quyết.
Hàng nghìn công nhân đường sắt bị nợ lương từ đầu năm đến nay. Ảnh: Anh Trọng
Cụ thể: Giao Bộ Tư pháp chủ trì, cùng Bộ Tài chính, GTVT chuẩn bị về mặt pháp lý để bố trí chi nguồn kinh phí cho bảo trì đường sắt.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về nội dung trên, Bộ Tư pháp khẳng định, việc Bộ GTVT muốn chuyển khoản kinh phí trên qua Cục Đường sắt để VNR ký hợp đồng với đơn vị này (theo phương án 2 của Bộ GTVT) là không phù hợp với quy định về Luật Đấu thầu, Luật Đường sắt và Nghị định 46. Bộ Tư pháp khẳng định: “Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt cho VNR (duyệt chi trực tiếp như các năm trước: phương án 1) là không trái với các quy định hiện hành”.
Văn bản của Bộ Tư pháp cũng đưa ra đánh giá: Việc Bộ GTVT muốn giao nguồn dự toán trên qua các khâu trung gian là không cần thiết. Việc này làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu.
Thực tế hơn 1.800 cầu yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam và hạ tầng đảm bảo chạy tàu an toàn đã không được chi kinh phí bảo trì gần 4 tháng qua. Phản ánh với PV Tiền Phong, nhiều công nhân ngành đường sắt còn cho biết, từ đầu năm đến nay, họ đang bị nợ lương. Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, công việc hằng ngày của người lao động. “Do không có tiền trang trải các khoản chi tiêu hằng tháng, nên ngoài thời gian đi làm ca, tôi phải đi làm thêm việc khác để kiếm thu nhập trang trải cho gia đình”, anh Nguyễn Duy Cường, công nhân tuần đường ray Công ty CP đường sắt Hà Thái (VNR) nói.
Tại đoạn đường sắt chạy qua cầu Thăng Long hiện có gần chục vị trí thanh tà vẹt hư hỏng. Riêng tại các vị trí đánh số từ 10 đến 15 và từ 17 đến 21, có nhiều thanh tà vẹt gỗ đã mục, ruỗng giữa. Tại vị trí tuần đường là đoạn dẫn lên cầu Thăng Long, anh Cường cho chúng tôi biết, chỉ cần một vị trí có 2 thanh tà vẹt cùng mục ruỗng, không bị phát hiện và thay thế sẽ rất nguy hiểm cho chạy tàu. Thực trạng này cũng đang xảy ra với các cầu đường sắt có tuổi thọ lâu năm, trong đó có cầu Long Biên, cầu Đuống, cầu Hàm Rồng, cầu Việt Trì…
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Cty CP đường sắt Hà Thái cho biết, theo định mức về tuổi thọ khai thác, mỗi năm, 1 km đường tàu chạy qua cầu Thăng Long sẽ có khoảng 50 thanh tà vẹt cần thay mới, cả 5,5 km đường sắt chạy qua cầu có khoảng 270 thanh tà vẹt cần thay mới từ đầu năm. Thế nhưng, đến nay do chưa nhận được nguồn kinh phí bảo trì năm 2021 nên đơn vị chưa thể thay, với các thanh hư hỏng phải tạm đảo vị trí cho nhau.
Cũng theo ông Tâm đơn vị có 500 cán bộ, nhân viên, chủ yếu công nhân tuần đường, gác chắn, duy tu nhưng 4 tháng nay vẫn chưa nhận được lương. Để hỗ trợ, công ty đã phải đi vay ngân hàng để công nhân tạm ứng một phần. Do công việc vất vả, lại không được trả lương đầy đủ hằng tháng, hiện tại, nhiều nhân viên, trong đó có cả công nhân trực gác chắn đã xin nghỉ việc, bỏ vị trí.
Tin tài trợ
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/go-tinh-trang-tac-kinh-phi-bao-tri-post1328543.tpo