Gỗ trắc chết khô trong rừng: Cả tỉnh Kon Tum chưa biết xử lý thế nào
Rừng đặc dụng Đăk Uy, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum là nơi duy nhất ở Tây Nguyên còn bảo tồn được quần thể cây gỗ trắc, nhóm IIA quý hiếm với khoảng 1.000 cây có đường kính trung bình từ 15 đến 20cm. Việc bảo vệ những cây trắc sống ở đây đã khó, bảo vệ những cây đã chết càng thách đố hơn vì thu gom để bảo quản thì trái luật mà để rải rác trong rừng thì nguy cơ mất trộm rất cao
Liên tục nhiều năm qua Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy có văn bản gửi cấp trên xin chủ trương cắt dọn 61 cây trắc ngã đổ, chết đứng và 100 gốc trắc cũ từ những vụ khai thác trái phép trước đây đem về kho quản lý, bảo quản. Tuy nhiên Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy không được phép làm việc này vì vướng luật. Do gỗ trắc ở Kon Tum có giá trị lớn, giá thị trường hiện tại tới hàng trăm nghìn đồng một kg nên lâm tặc thường xuyên nhòm ngó, khiến lực lượng bảo vệ rừng phải căng sức bảo vệ.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi Cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết: “Ba năm liền Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đều có văn bản xin khai thác tận thu. Chi Cục kiểm lâm cũng tham mưu cho sở xin Bộ NN-PTNT. Năm 2019 Tổng Cục lâm nghiệp vào thị sát về cũng không có văn bản trả lời. Chúng tôi rất khó khăn trong vấn đề canh giữ, bảo quản cây mà ngã đổ trong rừng đặc dụng Đăk Uy”.
Gỗ trắc quý chết trong rừng đặc dụng là tình trạng vẫn xảy ra trong nhiều năm qua. Năm 2016, 2017 để tránh thất thoát, hư hỏng đồng thời phòng ngừa trộm cắp, Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đã tự ý cưa khúc trên 2m3 đưa vào kho bảo quản. Việc làm này sau đó bị Tổng Cục lâm nghiệp “tuýt còi” vì vi phạm Điều 12, Điều 51 Luật bảo vệ và Phát triển rừng ngày 3/12/2004 và Nghị định số 32 ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Như vậy việc đem về kho quản lý, bảo quản đối với 61 cây trắc ngã đổ, chết đứng và 100 gốc trắc cũ từ những vụ khai thác trái phép trước đây đang hiện hữu trong rừng đặc dụng Đăk Uy là điều không thể.
Ông Phạm Xuân Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum cho rằng đây là bất cập và cần có sự điều chỉnh: “Bất cập là theo quy định của Luật không được tác động vào phải giữ nguyên tại hiện trường, nghĩa là cây ngã xuống nằm tại chỗ và bây giờ phải phân công các lực lượng trực ngày đêm kể cả thứ 7, chủ nhật. Đưa một số lực lượng ra để ngày đêm quản lý là vấn đề rất bất cập và rất khó khăn của ngành. Trong thời gian tới Luật có những tháo gỡ để giảm áp lực về công việc. Nếu được quy định đưa vào tài sản công, đưa vào kho để quản lý đảm bảo về chất lượng giảm lực lượng quản lý bảo vệ”./.