Gỡ vướng cho các dự án hạ tầng giao thông
Từ nay đến năm 2023, nhiều dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội sẽ cán đích, giúp cải thiện hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số dự án đang gặp vướng mắc, đòi hỏi các cấp, các ngành phải vào cuộc quyết liệt hơn.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, ngay sau khi khởi công (ngày 9/1/2021), Ban đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công 3 ca liên tục và đến nay khối lượng trên công trường ước đạt 70%. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành hợp long các nhịp chính trước ngày 30/6/2023, khánh thành dịp 10/10/2023.
Trong khi đó, dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3, đến nay, khối lượng thi công trên công trường ước đạt 85%. Dự kiến, trước ngày 20/9/2022, các nhà thầu sẽ hoàn thành lắp đặt bó hè, lát hè 2 bên đường Tố Hữu, Lê Văn Lương và trước ngày 5/10/2022 hoàn thành thảm lớp bê-tông nhựa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh, dịch chuyển cụm đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ, tổ chức giao thông toàn bộ nút giao.
Giám đốc Nguyễn Chí Cường cho biết, bên cạnh 2 công trình quan trọng này, đơn vị đang triển khai khoảng 60 dự án đầu tư công; 9 dự án đầu tư theo hình thức PPP, trong đó 4 dự án đang thực hiện. Tổng số vốn được giao năm 2022 là 1.900,48 tỷ đồng, gồm 1.727,572 tỷ đồng vốn trong nước và 162,908 tỷ đồng vốn ODA.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị chủ lực của Thủ đô trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm nhiệm nhiều dự án rất quan trọng như: Vành đai 4-Vùng Thủ đô; cầu Vĩnh Tuy-giai đoạn 2; Quốc lộ 6, đoạn Ba La-Xuân Mai; đường nối Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ với Vành đai 3; hầm chui Lê Văn Lương; hầm chui nút giao Vành đai 2,5-Giải Phóng…
Đến tháng 8/2022, Ban đã giải ngân được 883,2 tỷ đồng, đạt 46,5% kế hoạch vốn cả năm. “Ban cam kết sẽ giải ngân đạt hơn 90% kế hoạch vốn được giao, phấn đấu đạt đến 95,0%. Tuy nhiên, muốn đạt mục tiêu đó, ban rất cần được UBND thành phố, các sở, ngành, địa phương liên quan quan tâm, phối hợp, tạo điều tối đa để giải quyết những vướng mắc trong nhiều dự án”, ông Nguyễn Chí Cường nói.
Như dự án dự án đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở, đã cơ bản hoàn thành, nhưng chưa triển khai thẩm tra an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mục tiêu thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay.
Còn dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ, từ khi nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nảy sinh tranh chấp đã rơi vào bế tắc, không thi công.
Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A sau nhiều năm vướng mắc, nay đã giải phóng mặt bằng được khoảng 95% khối lượng, nhưng do chưa gia hạn hợp đồng dự án, nên nhà đầu tư không thể thi công. Sự chậm trễ này còn ảnh hưởng cả tới việc triển khai kết nối đồng bộ với dự án xây dựng hầm chui tại nút giao giữa Vành đai 2,5-đường Giải Phóng dự kiến khởi công tháng 10 tới.
Tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố ngày 7/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị, các sở, ngành, đơn vị liên quan phải chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, đề xuất danh mục các dự án đầu tư trong các giai đoạn tiếp theo; đi trước một bước trong công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng nhằm tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các dự án sau này.
Chỉ đạo cụ thể với các dự án PPP còn vướng mắc như đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, Vành đai 2, Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng- Quốc lộ 1A... Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu Ban phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng rà soát, tham mưu cho thành phố phương hướng giải quyết dứt điểm những tồn tại, khúc mắc. Đối với dự án Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng-Quốc lộ 1A, cần gia hạn hợp đồng PPP đến khi hoàn tất điều chỉnh để nhà thầu có thể tranh thủ thi công ngay.
Với dự án Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan phải nhanh chóng triển khai thẩm tra, thẩm định, đảm bảo đạt mục tiêu thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến. Liên quan đến dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ, nếu nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về tiến độ cần rà soát, đánh giá lại, có thể chuyển phần còn lại sang thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/go-vuong-cho-cac-du-an-ha-tang-giao-thong-post714164.html