Gỡ vướng cho ngư dân ra khơi
Ngư dân mong muốn các tàu cá được phép hoạt động trở lại để bảo đảm đời sống và sự hiện diện của các tàu cũng sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo
Thuyền trưởng Cao Văn Thơ hiện là ủy viên Ban Chấp hành Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Trường (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) với 55 tàu thành viên. Ông Thơ là thuyền trưởng tàu KH99789TS dài 33 m, chi phí đóng hơn 23 tỉ đồng, đồng thời là đội trưởng của nhóm tàu xa bờ với khoảng 10 tàu. Trong tâm thư gửi Chi cục Thủy sảnh tỉnh Khánh Hòa cùng các ban ngành trung ương và địa phương, thuyền trưởng Thơ cho biết ngành khai thác đánh bắt hải sản hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Tàu nằm bờ, ngư dân nóng ruột
Thuyền trưởng Cao Văn Thơ cho rằng ngư trường bị thu hẹp do quy định truy xuất nguồn gốc thủy sản (IUU) không cho các tàu công suất lớn vào vùng lộng khai thác.
Lý do, theo điều kiện tự nhiên của địa lý biển Việt Nam thì từ tháng 4 đến 8 âm lịch, luồng cá sẽ di cư vào vùng lộng để thích nghi với môi trường và sinh sản, sau đó theo dòng hải lưu di cư đến nơi khác. "Vài năm trở lại đây, áp dụng IUU, không cho các tàu lớn vào vùng lộng đánh bắt, vào lộng khai thác về đất liền sẽ bị phạt nặng, còn không khai thác thì lỗ nặng hơn vì chi phí của mỗi chuyến ra khơi khoảng 350 triệu đồng" - ông Thơ nói. Theo ông Võ Ngọc Tùng, chủ tàu cá thuộc Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phước Đồng, gần 3 tháng nay, do giãn cách xã hội nên tàu phải nằm bờ. Hiện ngư dân muốn đi biển phải tiêm đủ 2 liều vắc-xin hoặc phải test âm tính. Nhiều ngư dân mới tiêm mũi 1, thậm chí nhiều người chưa được tiêm.
Tại tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh Bình Thuận ngày 9-7 có công văn kiểm soát dịch từ các tàu thuyền khai thác thủy sản. Theo đó, tàu thuyền khi neo đậu, bốc dỡ sản phẩm, nhiên liệu… chỉ được cập 4 cảng cá Phan Rí, Phan Thiết, La Gi và cảng vận tải Phú Quý có chốt kiểm soát dịch Covid-19. Riêng tại thị xã La Gi, nơi vẫn đang áp dụng các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, những phương tiện dưới 15 m vẫn chưa được ra khơi. Ông Phạm Văn Long, ngư dân hành nghề lưới rê phường Tân An (thị xã La Gi), cho biết 2 tháng nay, thuyền ông phải nằm bờ đúng vào cao điểm vụ cá nam nên thiệt hại rất lớn. "Thuyền nằm ở nhà thì lao động không có thu nhập. Đó là chưa kể tài sản trên thuyền để lâu ngày dễ bị hư hỏng" - ông Long nói. Ông Nguyễn Văn Hà, ngư dân hành nghề mành chà tại phường Đức Long, cho biết chiếc tàu trị giá hơn 1 tỉ đồng của ông có 60% vốn phải vay từ ngân hàng nhưng hơn một tháng qua không hoạt động, không có thu nhập để trả nợ. Nhiều bạn thuyền theo ông cũng nằm trong khu phong tỏa, không có thu nhập.
Trong khi đó, ngày 15-9, UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết vừa có công văn khẩn triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo công văn, để phòng chống dịch, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương tạm dừng hoạt động tất cả cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi kể từ ngày 15-9. Việc tạm dừng hoạt động các cảng cá đang gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho ngư dân trong quá trình khai thác, đánh bắt. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, cho biết sau khi UBND tỉnh có công văn này, ngư dân rất lo lắng. "Những tàu đang đánh bắt trên biển có muốn cập cảng cũng không biết phải làm sao, còn ngư dân không ra khơi đánh bắt, ở nhà không có việc làm" - ông Hùng nói.
Thuyền trưởng Nguyễn Huy Hiền, tàu KH95139 (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo xem xét và nghiên cứu về tuyến lộng để cho các tàu cá được hoạt động như trước đây. Trước tiên là góp phần cho kinh tế biển, bảo đảm đời sống ngư dân. Ông Hiền cũng nói thêm sự hiện diện của các tàu ngư dân Việt Nam sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Nghĩ kế giúp ngư dân
Bà Nguyễn Thị Long, vợ ngư dân Trần Khắc Thạch, chủ tàu KH 95797 (TP Nha Trang) cho biết: "Đúng 2 ngày nữa là tròn 3 tháng anh Thạch ở trên biển không về đất liền. Lúc đầu muốn về nhưng về phải cách ly, phải xét nghiệm phải mất thời gian chờ đợi vì cảng Hòn Rớ ngừng hoạt động nên cả tàu quyết định ở lại bám biển, cá đánh được sẽ bán cho tàu thu mua". Theo bà Long, hiện nhiều ngư dân đã được tiêm vắc-xin, tuy nhiên nhiều người không được đi biển nên nguồn tiền ngày càng cạn kiệt.
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết đơn vị đã tổng hợp những khó khăn của ngư dân để báo cáo với Tổng cục Thủy sản để có hướng giải quyết. "Việc phân các vùng khai thác tuân theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc khai thác bền vững. Tuy nhiên, ý kiến về việc luồng cá vào vùng lộng của ngư dân cần được xem xét, nghiên cứu kỹ càng. Chi cục đã có văn bản phản ánh để xem xét, giải quyết khó khăn cho ngư dân khi phân lại vùng đánh bắt" - ông Chánh nói.
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, đến nay 100% tàu khai thác xa bờ của tỉnh đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản (KTTS). UBND tỉnh đã công bố hạn ngạch 1.909 giấy phép KTTS vùng ven bờ và 791 giấy phép KTTS vùng lộng. Đến nay, hơn 98% tàu cá hoạt động ở 2 vùng này đã được cấp giấy phép khai thác. "Trong các cuộc họp, giao ban, chi cục đã đề nghị các cơ quan chức năng như Tỉnh Đội, cảnh sát biển, biên phòng có kế hoạch tuần tra, kiểm soát vùng biển để kịp thời có biện pháp bảo vệ ngư dân" - ông Chánh cho biết. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Khánh Hòa, ngư dân thuộc nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin với phân bố hơn 10.000 người được tiêm đủ 2 liều; ngoài ra các ngư dân nếu ở trong "vùng đỏ" sẽ có các đợt tiêm để phòng ngừa đại dịch. Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết các địa phương đang xây dựng các tiêu chí về tiêm chủng vắc-xin, trong đó sẽ xem xét nới lỏng một số quy định cho các tiểu thương, công nhân, người lao động, người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin các loại.
Ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, cho rằng để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển thì cần có các thông tin về ngư trường thủy sản. Đây là một vấn đề rất cơ bản và cốt lõi cho ngành khai thác của nước ta như: dòng hải lưu và đàn cá di chuyển và sinh trưởng từ vùng nào? Nghề lưới vây khơi, câu cá ngừ đại dương, mành chụp đánh bắt vào thời vụ nào đạt sản lượng cao? Các thông tin về trữ lượng hải sản, định hướng cho vùng đánh bắt ở nước ta khác hoàn toàn với các nước xung quanh, lượng hải sản ở dưới biển nó cũng khác… "Nhà nước cần đầu tư trang thiết bị, tàu chuyên nghiên cứu trên biển… cho các cơ quan nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Hải dương học để có các công trình nghiên cứu, dữ liệu và căn cứ khoa học, có các chuyến khảo sát khoa học về nguồn lợi thủy sản để cập nhật dữ liệu hải sản hằng năm để hỗ trợ tốt hơn cho ngư dân" - ông Lăng đề xuất.
Ngày 15-9, đại diện Trạm Quản lý Bảo vệ nguồn lợi thủy sản La Gi cho biết hiện các tàu cá từ 15 m trở lên tại địa phương được phép ra khơi nếu đã gắn thiết bị giám sát hành trình và bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch, trong đó có việc xét nghiệm âm tính đối với tất cả thuyền viên. Riêng những phương tiện dưới 15 m thì vẫn chưa được phép hoạt động. Tại TP Phan Thiết, sau khi bắt đầu chuyển trạng thái giãn cách từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 (trừ một số khu vực phong tỏa), ngày 13-9, UBND thành phố đã nới lỏng quy định tham gia khai thác cho ngư dân. Theo đó, quy định cấm tàu thuyền dưới 6 m hoạt động đã bị bãi bỏ. Hiện chỉ còn những ngư dân tại các khu vực đang phong tỏa là chưa được ra khơi.
Ưu tiên tiêm vắc-xin cho ngư dân
Ngày 15-9, ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trung tâm đã có văn bản gửi các địa phương lên danh sách tổng hợp số lượng ngư dân để tổ chức tiêm vắc -xin phòng Covid-19.
Theo ông Cao Đình Hải - Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, phường đang triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân trong các khu chung cư, trong đó có ngư dân.
Ông Lê Văn Chơn, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, cho biết thành phố đang chỉ đạo các địa phương có nghề biển rà soát danh sách ngư dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, trong đó ưu tiên ngư dân trong khu vực phong tỏa. Việc hỗ trợ ngư dân sẽ giao cho các phường, xã chủ động rà soát, thực hiện. Nếu vượt quá thẩm quyền thì sẽ đề xuất lên thành phố phối hợp hỗ trợ cho ngư dân. Đại diện UBND TP Phan Thiết cho biết các đợt tiêm hiện nay và thời gian tới sẽ ưu tiên cho lao động nghề biển, các hộ tiểu thương ở chợ, cảng cá; phường, xã nào thực hiện không tốt, thành phố sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/go-vuong-cho-ngu-dan-ra-khoi-20210915212429928.htm