Gỡ vướng cho nước sạch vùng nông thôn
(ĐN) - Hiện nay, nhiều khu vực dân cư tại các huyện, thành phố trong tỉnh đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Việc khai thác nước giếng khoan quá mức đang ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước ngầm và sức khỏe của người dân.
Theo Sở TN-MT, trữ lượng nước ngầm của Đồng Nai có khoảng 24 tỷ m3. Trong đó, trữ lượng nước thường trực khoảng 6 tỷ m3, còn lại là nước quá cảnh hằng năm. Hiện tổng trữ lượng nước khai thác trung bình toàn tỉnh ở mức 1,4 triệu m3/ngày, là mức khai thác nằm trong ngưỡng an toàn. Nhưng do trữ lượng khai thác không đồng đều, cung cấp nước sạch chưa đồng bộ, hiện có 4 địa phương khai thác nước ngầm vượt ngưỡng an toàn là: H.Nhơn Trạch, H.Long Thành, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh. Riêng một số nơi ở H.Cẩm Mỹ, trữ lượng nước ngầm gần như bằng 0.
Trước tình trạng khai thác quá mức, tác động tiêu cực đến trữ lượng và chất lượng nước ngầm, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm. Trong đó, H.Cẩm Mỹ có 13 khu vực cấm khai thác và 6 khu vực hạn chế khai thác nước ngầm; H.Nhơn Trạch có 1 khu vực bị cấm và 20 khu vực hạn chế; TP.Biên Hòa có 14 khu vực bị cấm và 35 khu vực hạn chế...
Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công năm 2020, trong đó, tỉnh dành 239 tỷ đồng để triển khai 7 dự án nước sạch cho vùng nông thôn thuộc các huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Định Quán, Vĩnh Cửu và TP.Long Khánh. Các dự án này được thực hiện từ nay đến năm 2025. Tại các địa phương, nhiều công trình nước sạch được đưa vào danh mục dự án đầu tư công. Đây là các giải pháp nhằm gỡ vướng cho nước sạch vùng nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm.