GỠ VƯỚNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH; HỖ TRỢ HIỆU QUẢ DOANH NGHIỆP VƯỢT KHÓ
Trong phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát, tháo gỡ về cơ chế chính sách; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tại phiên họp, cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và ghi nhận những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Theo đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, giúp kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh, đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để lại dấu ấn nổi bật; an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, tình hình trong và ngoài nước hết sức khó khăn, nhưng nước ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định về tỷ giá và lạm phát, thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định là thành tựu nổi bật.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những điểm nghẽn, nút thắt gây khó khăn cho doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đề xuất/ kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những vướng mắc này.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải trọng tâm, thiết thực
Báo cáo đánh giá của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy hiện nay doanh nghiệp đứng trước nhiều khó khăn. Tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường, không chỉ đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa mà cả những doanh nghiệp lớn, đa ngành, đa lĩnh vực. Tình trạng thiếu đơn hàng, áp lực trả nợ lớn,… đang đè nặng lên doanh nghiệp.
Trước những vướng mắc này, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh các cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí, đất đai, đầu tư kinh doanh.
Trong đó, cần ưu tiên nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của doanh nghiệp gắn với chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra công vụ. Khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành trong thực thi công vụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành chính sách quy định mới làm phát sinh chi phí thủ tục, thời gian không cần thiết ở tất cả các lĩnh vực để doanh nghiệp có môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, có điều kiện phục hồi, phát triển và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Cũng kiến nghị về vấn đề này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, hoạt động doanh nghiệp, lao động, việc làm. Theo dõi sát tình hình thực tiễn, phân tích rõ hơn các nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra những giải pháp căn cơ, toàn diện, giải quyết hiệu quả tình hình lao động, việc làm, đảm bảo an sinh, trật tự xã hội,…
Theo đại biểu, một trong những giải pháp được cho là “gốc rễ” của vấn đề là có chính sách bồi dưỡng, tăng cường “sức khỏe” của doanh nghiệp. “Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp khả thi để kích cầu, tiếp thêm nguồn năng lượng, sức mạnh cho doanh nghiệp. Trước mắt, những gì có thể tháo gỡ bằng thông tư, nghị định, hướng dẫn thì Chính phủ, bộ, ngành sớm ban hành văn bản điều chỉnh và hướng dẫn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư, đầu tư công,…”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề xuất
Gỡ vướng mắc trong thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do phải tuân thủ các điều kiện phòng cháy, chữa cháy mới.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho biết, việc thực hiện Thông tư của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy chữa cháy cho công trình đã khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn, gây đình trệ trong sản xuất kinh doanh.
Trước ý kiến này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, nhưng việc triển khai trên thực tế vẫn chậm. Vì vậy, đại biểu tỉnh Phú Thọ, đề nghị các bộ, ngành rà soát thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động, việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Tuy nhiên, đến nay những quy định về phòng cháy, chữa cháy lại đang gây ra nhiều rào cản, khó khăn khiến các doanh nghiệp gặp vướng mắc chưa thể tháo gỡ.
Từ thực trạng này, đại biểu tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình phòng cháy chữa cháy, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và năng lực của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đại biểu, cần có sự phân loại cụ thể các đối tượng quản lý phòng cháy, chữa cháy theo mức độ, nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, xây dựng lộ trình hợp lý để các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt các yêu cầu về phòng cháy,..
Nêu quan điểm “Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa”, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị, cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc đối với quy định về phòng cháy, chữa cháy. Theo đại biểu, hiện nay tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, chưa tính đến khả năng khi áp dụng vào thực tiễn. Do đó, cần phải kịp thời nghiên cứu sửa đổi đảm bảo phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng.
Chính sách tài khóa cần linh hoạt
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp gặp phải là: tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, bao gồm cả tín dụng, nguồn vốn, lãi suất ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là một trong những yếu tố làm cho doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phá sản, giải thể, bán lại doanh nghiệp.
Để giải quyết thực trạng này, ĐBQH Lê Hữu Trí, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ.
Đại biểu tỉnh Khánh Hòa lưu ý, điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát. Đồng thời, cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, sử dụng vốn và hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Cùng với đó, đại biểu kiến nghị, khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật không rõ ràng, khó thực hiện trên thực tế, thiếu đồng bộ, xung đột pháp luật, nhằm tháo gỡ kịp thời các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật. Đây là yêu cầu rất quan trọng, không những cả trước mắt và cả lâu dài để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh.
Nêu quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về tiếp cận vốn của ngân hàng, vay vốn ưu đãi, vốn tín dụng, có ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, phí, lệ phí trước bạ nhằm thu hút doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và thành lập mới.
Về nội dung này, đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành. Đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với vốn vay.
Trên cơ sở lý giải nguyên nhân, đại biểu đề xuất, Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76501