Gỡ vướng dự án cao tốc Bắc - Nam qua huyện Bắc Bình: Cần sự đồng thuận vì lợi ích chung
Tổ chức đối thoại, lập tổ đi tuyên truyền… với cách làm này từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn huyện Bắc Bình, cũng như tạo chuyển biến nhận thức người dân.
Gỡ vướng dự án cao tốc Bắc - Nam
Hiệu quả việc tuyên truyền
“Xác định tuyên truyền là việc làm rất quan trọng. Để người dân hiểu ý nghĩa dự án cao tốc Bắc - Nam và đồng thuận, các lãnh đạo chính quyền thường xuyên đối thoại với người dân. Không phải chỉ đạo suông mà phải đến khảo sát từng diện tích đất của từng hộ bị ảnh hưởng dự án, lắng nghe và đề xuất những kiến nghị của người dân chuyển đến các sở, ngành của tỉnh”, ông Tiêu Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy Bắc Bình cho biết.
Thời gian đầu, huyện Bắc Bình gặp rất nhiều khó khăn bởi tình trạng một số hộ dân ở một số xã Sông Bình, Bình Tân, Phan Hòa “thạo tin” tranh thủ đào ao, xây tường, trồng cây trái mật độ dày, dựng nhà để chờ đền bù. Nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc rốt ráo của huyện Bắc Bình tình trạng trên nhanh chóng được ngăn chặn kịp thời, triệt để. Đó chỉ là một số ít trường hợp trong tổng số 774 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ở Bắc Bình có nhiều hộ sau khi được cán bộ tuyên truyền, hiểu được ý nghĩa của tuyến đường này đi qua tỉnh, huyện nhất trí cao chính sách đền bù, giao mặt bằng. Có hộ dân phấn khởi, tin tưởng mai này, khi đường cao tốc hoàn thành quê hương mình sẽ khoác áo mới, khởi sắc đi lên. Như trường hợp bà Huỳnh Thị Khánh ở xã Hải Ninh, bà Khánh thuộc diện di dời nhà ở đến tái định cư Hải Thụy. “Ban đầu tôi cũng băn khoăn lắm vì căn nhà của mình đã gắn bó cả mấy chục năm nay, bao nhiêu kỷ niệm chưa kể tình nghĩa xóm làng gần gũi. Dù chưa biết nơi tái định cư mới như thế nào, nhưng vì lợi ích chung Nhà nước đã quan tâm bố trí chỗ ở khang trang, đền bù để xây lại nhà cửa nên tôi yên tâm bàn giao mặt bằng cho đặng kịp khởi công”, bà Khánh nói. Bà Khánh cũng như các hộ thuộc diện đã nhận bàn giao đất tái định cư, đến nay huyện đã giao đất 9/14 lô cho 9 hộ có đủ điều kiện tái định cư. Hay hàng trăm trường hợp khác ở 7 xã trên địa bàn huyện Bắc Bình vui vẻ bàn giao đất trồng lúa, trồng thanh long cho Nhà nước. Tất cả họ đều vui vẻ nhận số tiền đền bù diện tích đất bị ảnh hưởng làm số vốn để sửa sang nhà cửa, đầu tư canh tác cải thiện sinh kế.
Để tạo được sự chuyển biến trong nhận thức người dân thời gian qua, ngoài các buổi đối thoại, tại các xã có đường cao tốc đi qua đều thành lập các tổ đi tuyên truyền, vận động cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án. Nhất là trường hợp chưa nhận hỗ trợ, đền bù phải kiên trì “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” ghi lại những tâm tư, kiến nghị của hộ dân về mức bồi thường người dân tổng hợp gửi về huyện, về tỉnh xem xét tháo gỡ. Tất cả cho thấy, sự nỗ lực, quyết tâm của địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án cũng như phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân.
Đồng thuận vì chính sách chung
Ông Đào Công Danh – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bắc Bình cho biết: Đến nay huyện đã chi trả tiền bồi thường cho 723 hộ với số tiền 282,05 tỷ đồng; trong đó chi trả 719 hộ dân với số tiền 276,8 tỷ đồng và 3 tổ chức là 3,2 tỷ đồng. Bắc Bình vẫn còn 51 hộ chưa nhận tiền đền bù, nhiều nhất là ở xã Bình Tân 20 hộ, Sông Bình 11 hộ và Hải Ninh 20 hộ. Trong đó, khó khăn nhất có 22 hộ ở xã Bình Tân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, trong số đó có 11 hộ có đất chồng lấn với Công ty Suối Nho.
Để người dân có sự chia sẻ, đồng thuận cùng Nhà nước bàn giao mặt bằng, mới đây lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh cùng lãnh đạo chính quyền tổ chức đối thoại cùng lắng nghe ý kiến của người dân xã Bình Tân. Lý giải việc chồng lấn đất với Công ty Suối Nho, ông Huỳnh Quang Tình – Chủ tịch UBND xã Bình Tân phân tích: Thổ nhưỡng Bình Tân rất phù hợp với cây mì. Vì vậy, vào năm 2006, Công ty Suối Nho khảo sát ở Bình Tân xin ý kiến của tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu cây mì với diện tích 1.297 ha; trong đó, có hơn 1.000 ha do người dân quản lý, công ty làm việc với người dân làm vùng nguyên liệu. Sau khi cùng địa phương khảo sát, công ty trình tỉnh cấp 172 ha có thu tiền sử dụng đất. Cũng theo lý giải của ông Tình, sở dĩ Công ty Suối Nho có diện tích nhỏ lẻ này do nông dân thôn Bình Nghĩa đi khai phá diện tích từ 5 – 7 ha để sản xuất và chăn nuôi. Lúc ấy, kỹ thuật canh tác của bà con thô sơ nên phần đất tốt trồng trọt trước, đất xấu để lại và Nhà nước cấp phần đất này cho công ty. Do có sự nhầm lẫn quy chủ sai khi áp giá đền bù, cá biệt có 1 - 2 hộ có quy chủ cấp sổ cho dân chồng lấn diện tích đất dự án, ông Tình nhận trách nhiệm về địa phương. Ông Tình bày tỏ mong muốn người dân đồng thuận chia sẻ việc vướng đất của Công ty Suối Nho, vì việc cấp đất cho công ty là hợp pháp, đề nghị các ngành xem xét khi bồi thường diện tích đất này, Công ty Suối Nho nên chi trả lại tiền canh tác cho dân để họ không bị thiệt thòi. Đồng thời, đề xuất các ngành, các cấp nghiên cứu thu hồi diện tích nhỏ, lẻ còn lại bởi vì người dân và công ty đều không có đường sản xuất sau khi thu hồi. Ngoài ra, một số kiến nghị của người dân chính sách bồi thường vị trí đất, xác định độ phì, vật tư kiến trúc nhà ở, cây trồng được các sở, ngành của tỉnh và chính quyền địa phương thông tin, giải thích cặn kẽ. Từ đó, rà soát và có hướng giải quyết thỏa đáng cho người dân và sớm bàn giao mặt bằng còn lại theo đúng tiến độ.
Ông Tiêu Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy Bắc Bình cho biết: Những kiến nghị của người dân đều được chính quyền ghi nhận và đề xuất đến các ngành chức năng để giải quyết dựa trên chính sách chung và quy định của pháp luật. Song điều cần nhất vẫn là sự đồng thuận của mọi người vì lợi ích chung.
Thanh Duyên