Gỡ vướng nhiều dự án lớn tại TP HCM
Các cơ quan tham mưu dự kiến trình Chính phủ ban hành nghị quyết tháo gỡ vướng mắc cho 5 dự án lớn tại TP HCM trong đầu tháng 4 này
Vừa qua, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm đưa vào khai thác, sử dụng các dự án, trong đó có các dự án tại TP HCM.
Điều chỉnh mục tiêu, vốn
Dự án Saigon Centre tại số 92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) được cấp phép lần đầu năm 1993. Mục tiêu của dự án này là xây dựng khách sạn, văn phòng và kinh doanh các dịch vụ khách sạn, căn hộ và cho thuê văn phòng; tổng diện tích là 19.668 m2.
Đến tháng 12-1996, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyết định chuẩn y việc phân chia Saigon Centre làm 5 dự án thành phần, gồm các dự án Saigon Centre I, II, III, IV và V (dự án). Hiện 3 dự án I, II và III đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Còn dự án IV (3.376 m2) và V (5.247 m2) có mục tiêu xây dựng cao ốc văn phòng.
Trong đó, dự án IV bồi thường, giải phóng mặt bằng 76% tổng diện tích, còn dự án V cũng đang trong giai đoạn này. Quá trình triển khai, nhà đầu tư đã kiến nghị điều chỉnh 4 nội dung, trong đó thời hạn hoạt động dự án thành 50 năm kể từ ngày được giao đất.
Trên cơ sở đó, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, điều chỉnh thời gian hoạt động của 2 dự án; cho phép điều chỉnh mục tiêu hoạt động dự án IV, V bảo đảm quy hoạch toàn khu và khắc phục sai sót liên quan. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với TP HCM hoàn tất việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Khu đất xây dựng dự án Saigon Centre IV, V nằm bên cạnh Saigon Centre I, II, III đã được đưa vào sử dụng năm 2017
Một dự án quy mô khác tại TP HCM là Saigon Sports City quy mô 64 ha (TP Thủ Đức), tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Dự án bao gồm xây dựng, khai thác kinh doanh trung tâm huấn luyện, giải trí thể dục thể thao và trung tâm dịch vụ hỗ trợ cho Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc. Sau lễ động thổ cuối năm 2019, đến nay dự án vẫn khá ngổn ngang, phần lớn diện tích còn bỏ trống.
Doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh quy mô, tăng tổng vốn đầu tư và tiến độ triển khai dự án để phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, điều chỉnh điều kiện thực hiện dự án theo hướng cho phép chủ đầu tư được phép kinh doanh nhà ở thay vì chỉ được kinh doanh khu thương mại dịch vụ như trước đây.
UBND TP HCM cho rằng mục tiêu kinh doanh theo đề xuất của nhà đầu tư được cấp năm 2003 là kinh doanh nhà ở kết hợp khu liên hợp thể thao. Song, giấy phép đầu tư lại có điều kiện "đối với đất dùng xây dựng nhà ở để bán cần trả lại nhà nước". Do đó, mục tiêu dự án chưa thống nhất nên cơ quan chức năng chưa có cơ sở để xác định nghĩa vụ tài chính cũng như phạm vi kinh doanh của chủ đầu tư.
Gây lãng phí lớn
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 TP HCM, đoạn Phạm Văn Đồng - Gò Dưa (TP Thủ Đức) được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đoạn đường dài 2,7 km, được thi công từ năm 2017, đến năm 2020 thì tạm ngưng. Dự án đã triển khai khoảng 44% khối lượng công việc nhưng tạm ngưng do còn vướng một số vấn đề pháp lý trong điều chỉnh dự án.
Tháng 12-2024, UBND TP HCM đã có công văn xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố thực hiện thủ tục, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi. Điều chỉnh này là cơ sở điều chỉnh lại nội dung hợp đồng BT, tái khởi động dự án sẽ làm giảm các chi phí phát sinh trong thời gian chờ thi công, đẩy nhanh khép kín Vành đai 2 cũng như tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác bàn giao mặt bằng dự án.
Trong khi đó, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỉ đồng được khởi công hồi tháng 6-2016. Dự án được triển khai nhằm kiểm soát ngập cho khoảng 570 km2, với 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Tuy đã xong hơn 90% khối lượng thi công từ nhiều năm trước nhưng đến nay dự án chưa thể hoàn thành, đưa vào sử dụng. Thực trạng này gây lãng phí lớn.
Về vướng mắc, theo UBND TP HCM, phương án thanh toán hợp đồng BT, thành phố đã triển khai đàm phán ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng BT với nội dung thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất tương đương 16% giá trị quyết toán dự án (khoảng 1.588 tỉ đồng), phần thanh toán bằng tiền tương đương 84% giá trị quyết toán.
Tháng 12-2024, UBND thành phố đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án mà không thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái cấp vốn cho dự án và xem xét miễn giảm lãi suất vay phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện vì lý do khách quan; cho phép thanh toán hợp đồng BT bằng 3 quỹ đất đã xác định tương ứng với phần giá trị dự án hoàn thành. Phần còn lại sẽ được thanh toán bằng tiền từ nguồn đầu tư công.
Bên cạnh đó, ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP HCM thẩm quyền quyết định sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đối với 2 khu đất được thu hồi theo Luật Đất đai.
Tháo gỡ khó khăn
Nhằm giải quyết vướng mắc cho các dự án lớn cho TP HCM, tháng 1-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tại TP HCM.
Đối với các dự án thuộc thẩm quyền xử lý của Chính phủ có 5 dự án nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 1568 phối hợp với các bộ, ngành và UBND TP HCM xây dựng nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trình Chính phủ ban hành.
Trong đó, TP HCM căn cứ Nghị quyết 40/NQ-CP, ngày 1-4-2021 của Chính phủ về tiếp tục triển khai dự án giải quyết ngập do triều; Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, cùng các nghị quyết của Chính phủ, xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án theo thẩm quyền để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã yêu cầu các sở, ngành khẩn trương rà soát, điều chỉnh nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án; tham mưu, đề xuất, dự thảo quyết định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét đề nghị về việc lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra hồ sơ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Đồng thời, phối hợp với Sở Nội vụ trình ban hành Quyết định kiện toàn nhân sự tổ công tác dự án, làm cơ sở đàm phán, ký phụ lục hợp đồng BT và điều chỉnh phương thức thanh toán dự án. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm toán giá trị hoàn thành dự án; thẩm định giá các khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư…
Ngày 30-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án để nghe báo cáo về tình hình rà soát, đánh giá, tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đang tồn đọng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực ban chỉ đạo, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15 (có hiệu lực từ ngày 1-4-2025), về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Dự kiến, các cơ quan sẽ trình Chính phủ nghị quyết tháo gỡ cho 5 dự án tại TP HCM ngay đầu tháng 4 này.
Chuẩn bị mọi phương án để tiếp tục thi công
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 31-3, tại dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 (TP Thủ Đức) không còn dấu hiệu thi công. Trong khi đây là 1 trong 4 đoạn chưa khép kín của tổng dự án đường Vành đai 2 ở TP HCM, khiến giao thông khu vực TP Thủ Đức luôn trong tình trạng "kẹt cứng".
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái, cho biết nguyên nhân ngưng thi công nhiều năm nay là do vướng 3,84 ha mặt bằng chưa thể thu hồi, dẫn tới việc thành phố và nhà đầu tư chưa ký kết phụ lục điều chỉnh hợp đồng BT. Cuối năm 2023, UBND TP HCM đã chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến này đến năm 2026.
Ông Thắng cũng khẳng định công ty đang chuẩn bị mọi phương án tốt nhất để quay trở lại thi công sau khi được Chính phủ tháo gỡ.
G.Nam
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/go-vuong-nhieu-du-an-lon-tai-tp-hcm-1962504012033422.htm