GỠ VƯỚNG THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ tám, ngày hôm nay (23-10), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) (BLLĐSĐ).

Đây là một trong những đạo luật quan trọng được xã hội đặc biệt quan tâm. Cử tri cả nước đang kỳ vọng các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong BLLĐSĐ sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển phù hợp với bối cảnh mới về hội nhập; bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Trái cây xuất khẩu bao gồm tươi và đóng hộp là một trong những mặt hàng Việt Nam có thể xuất sang Romania. Ảnh: TTXVN

Trái cây xuất khẩu bao gồm tươi và đóng hộp là một trong những mặt hàng Việt Nam có thể xuất sang Romania. Ảnh: TTXVN

Dự thảo BLLĐSĐ trình Quốc hội lần này được chuẩn bị công phu, được các ĐBQH cho ý kiến từ kỳ họp trước và nhiều lần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Dự thảo cũng được đông đảo các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến. Thế nhưng, trước ngày trình Quốc hội vẫn còn những điểm có ý kiến khác nhau, như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa; tiền lương làm thêm giờ; tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thường; tiền lương và tổ chức đại diện cho NLĐ...

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo BLLĐSĐ cho biết: Bộ luật này được sửa đổi cơ bản, toàn diện nhằm góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, bộ luật sẽ giúp bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ và người sử dụng lao động để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Trưởng ban soạn thảo BLLĐSĐ từng khẳng định: “Quan điểm của ban soạn thảo là làm sao để tìm ra tiếng nói chung, BLLĐSĐ phải là bộ luật tiến bộ, hài hòa vì NLĐ nhưng phải quan tâm tới sự phát triển của đất nước, quan tâm tới doanh nhân, bởi có doanh nhân doanh nghiệp mới tạo ra việc làm, phát triển kinh tế xã hội”.

Thế nhưng trên thực tế, để đạt được mục tiêu nói trên rất khó, bởi lẽ Bộ luật Lao động liên quan tổng thể đến các vấn đề về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, việc làm, an sinh xã hội… Bộ luật Lao động có phạm vi đối tượng điều chỉnh rộng, liên quan đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Vì thế, không thể tìm ra sự thỏa mãn tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đạo luật này. Đơn cử, NLĐ muốn được trả lương cao, nhưng người sử dụng lao động lại không muốn vậy. Người này muốn kéo dài tuổi được lao động, người khác thì muốn về hưu sớm… Chính vì lẽ đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật, nếu không có phương án tối ưu thì nên tìm phương án phù hợp nhất, khả thi nhất, ưu tiên các quy định gỡ vướng thị trường lao động, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy thị trường lao động phát triển bền vững. Ví dụ, quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ cần có tầm nhìn dài hạn hơn và tính đến yếu tố già hóa dân số trong tương lai gần, tính đến yếu tố cân bằng giới, thị trường lao động quốc tế…

Cử tri cả nước đang hy vọng vào sự sáng suốt của các ĐBQH, những người được cử tri bầu ra và thay mặt họ ở cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/go-vuong-thi-truong-lao-dong-597961