Gỡ vướng trong giải ngân vốn hỗ trợ kích cầu đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh

Chương trình kích cầu đầu tư là một trong những chính sách đặc thù của TP. Hồ Chí Minh nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên. Với vai trò kiểm soát thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi vay các dự án thuộc chương trình, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn cần được tiếp tục tháo gỡ.

Nguồn: UBND TP. Hồ Chí Minh. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: UBND TP. Hồ Chí Minh. Đồ họa: Văn Chung

Doanh nghiệp đã mạnh dạn hơn trong đầu tư trọng điểm

Để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển đầu tư của thành phố, chủ yếu là y tế, giáo dục - đào tạo, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia vào chương trình xã hội hóa các dịch vụ công, UBND TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) đã triển khai chương trình kích cầu thông qua đầu tư nhằm hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay vốn để các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Trong chính sách hiện hành, UBND TP. HCM hỗ trợ theo tỷ lệ phần trăm lãi vay cho dự án của doanh nghiệp tùy theo lĩnh vực đầu tư. Dự kiến, ngân sách thành phố sẽ bù lãi vay cho tổng số vốn vay là 8.000 tỷ đồng, tối đa 100 tỷ đồng/dự án và thời gian bù lãi vay không quá 7 năm.

Theo tổng hợp từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP.HCM, từ năm 2015 đến nay, UBND TP.HCM đã phê duyệt 281 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 28.884 tỷ đồng, trong đó số vốn đầu tư được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 13.949 tỷ đồng (chiếm 48,29%). Tính từ năm 2015 đến thời điểm 30/6/2023, số tiền ngân sách thành phố đã giải ngân để hỗ trợ chi trả lãi cho các chủ đầu tư là 6.059,62 tỷ đồng.

Theo đại diện lãnh đạo KBNN TP.HCM, hiện KBNN thành phố đang kiểm soát thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi vay các dự án thuộc chương trình kích cầu đầu tư của thành phố theo nghị quyết của HĐND và các quyết định của UBND thành phố. Khi giải ngân vốn hỗ trợ lãi vay của dự án, KBNN TP.HCM căn cứ vào quyết định của UBND TP.HCM về phê duyệt danh mục dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư; hợp đồng tín dụng đã ký với tổ chức tín dụng cho vay kèm theo lịch trả nợ, bảng kê chi phí phát sinh và các giấy tờ khác theo quy định.

Mức lãi suất hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng bình quân (loại trả lãi cuối kỳ) cộng thêm phí quản lý 2%/năm của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn. Lãi suất này do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP. HCM thông báo hàng tháng theo quy định.

Bên cạnh đó, KBNN TP. HCM phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu, đóng góp ý kiến về trình tự, thủ tục kiểm soát tại KBNN để thực hiện giải ngân, thanh toán vốn hỗ trợ lãi vay cho các chủ đầu tư. UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về thành lập các tổ liên ngành để thực hiện công tác thẩm định, xét duyệt dự án tham gia chương trình và các quyết định về kiện toàn tổ công tác liên ngành theo từng thời kỳ.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, thời gian qua, với nỗ lực phối hợp của các cơ quan trên địa bàn thành phố, chương trình kích cầu đầu tư đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại thay thế hàng nhập khẩu; thúc đẩy xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực.

Gỡ vướng để tạo sự lan tỏa

Theo các chuyên gia, để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, đảm bảo việc thực hiện chương trình kích cầu đầu tư phù hợp với tình hình hiện nay, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh truyền thông, phổ biến các nội dung và thủ tục đăng ký tham gia chương trình; cải cách các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn.

TP.HCM cần xem xét mở rộng ngành nghề, nâng số vốn cho vay từ chương trình kích cầu đầu tư để chương trình có hiệu quả lan tỏa trên mọi lĩnh vực, tạo điều kiện đến các chủ đầu tư có vốn doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia, thu hút được nhiều dự án thuộc các thành phần kinh tế khác nhau; giúp doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, các sở, ngành có liên quan thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện dự án theo quy định đảm bảo các dự án sử dụng vốn vay đúng mục đích và được giải ngân hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Về phía KBNN TP.HCM hiện cũng đang đề xuất các phương án về quy trình và thủ tục giải ngân, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, tham mưu UBND TP.HCM để triển khai thực hiện theo chủ trương Quyết định 4718/QĐ-UBND về hỗ trợ lãi vay cho các chủ đầu tư là cá nhân, đảm bảo giải ngân theo đúng quy định, chế độ hiện hành.

Chương trình kích cầu đầu tư là một trong những đặc thù riêng của TP.HCM. Vì vậy, cần phải tính đến hoàn thiện và nhân rộng chương trình trong thời gian tới. Cụ thể, trước khi trở thành một chương trình được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc, KBNN TP.HCM kiến nghị KBNN trung ương xây dựng quy trình kiểm soát vốn kích cầu trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định, với cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng.

Đồng thời, KBNN cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành quy định cụ thể về trình tự, thủ tục trong việc giải ngân lãi vay được hỗ trợ, trong đó quy định cụ thể danh mục hồ sơ giải ngân, hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để đảm bảo việc hỗ trợ lãi suất đối với vốn vay tổ chức tín dụng được sử dụng đúng mục đích, góp phần kiểm soát các dự án thuộc nguồn vốn kích cầu của thành phố.

Theo đề xuất của các chuyên gia, để đạt hiệu quả tối ưu, trong thời gian tới chương trình cần hoàn thiện quy chế hoạt động của tổ công tác liên ngành về chương trình kích cầu đầu tư cũng như xây dựng các tiêu chí tiêu chuẩn rõ ràng, cần quy định rõ về quy trình thực hiện, giải ngân vốn kích cầu, có văn bản quy định cụ thể trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị có liên quan để hướng dẫn, kiểm tra và thống nhất tổ chức thực hiện.

Gia Cư - Tuyền Trang

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/go-vuong-trong-giai-ngan-von-ho-tro-kich-cau-dau-tu-tai-tp-ho-chi-minh-134320.html