'Gốc' có vững, Đảng mới mạnh (Bài 2)

>>> Bài 2: Đừng để những rào cản 'ngáng chân' cán bộ

>>> Bài 1: Cán bộ là gốc của mọi công việc

Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực của Đồng Nai những năm qua đã minh chứng, đội ngũ cán bộ thực sự nỗ lực cho địa phương phát triển, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân.

Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: P.Hằng

Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: P.Hằng

Tuy nhiên, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đồng Nai còn một số hạn chế nhất định. Điều này có nguyên nhân cả khách quan và chủ quan; trong đó vướng mắc nhất hiện nay là nhiều quy định còn chồng chéo, chưa rõ ràng, cụ thể nên đã đẩy cán bộ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Vừa khen, vừa phê bình

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, quá trình xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thiếu vật liệu san lấp, nếu thực hiện đúng quy trình thủ tục của khai thác khoáng sản thì rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ công trình trọng điểm quốc gia. Vì thế, Đồng Nai đã vận dụng Điều 9 của Luật Đất đai năm 2013, thực hiện phương án hạ các cốt nền đất nông nghiệp đã bạc màu để lấy vật liệu san lấp cho Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kết luận Đồng Nai làm việc này là có sự vận dụng sáng tạo và cần được cấp có thẩm quyền nghiên cứu xem xét như là một cơ chế đặc thù trong thời gian tới. Nhưng đồng thời Thanh tra Chính phủ cũng kiểm điểm Đồng Nai trong việc chưa thực hiện đúng thủ tục thu hồi đất làm vật liệu san lấp. Song, thủ tục này như thế nào thì các văn bản chưa hướng dẫn.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG, cán bộ mà đổi mới, sáng tạo thành công, tất nhiên phải tuyên dương, khen thưởng, cất nhắc một cách tương xứng; ngược lại, chưa thành công thì cũng cần động viên, khích lệ một cách phù hợp.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, để kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong nghị định nêu, khi cán bộ có đề xuất đổi mới sáng tạo, cơ quan sử dụng cán bộ báo cáo xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng cùng cấp trước khi phê duyệt và đánh giá kết quả thực hiện. Tuy nhiên, do đang vướng về các quy định pháp luật khiến cấp thẩm quyền ở cơ sở không thể phê duyệt được, mà phải Quốc hội xem xét sửa luật.

Chẳng hạn, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị việc ban hành hướng dẫn thu hồi đất làm vật liệu san lấp nhưng cấp thẩm quyền chưa chấp thuận để địa phương làm những thí điểm như vậy.

Một khó khăn nữa khiến cán bộ không quyết tâm đổi mới sáng tạo, đó là chưa có cơ chế khích lệ tương xứng, chưa tạo động lực bảo vệ cán bộ và thu hút trọng dụng nhân tài. Việc trả lương cán bộ, công chức, viên chức còn theo hệ số, mang tính chất cào bằng, những nơi áp lực công việc lớn nhưng thu nhập không cao hơn, khiến công chức, viên chức chưa có động lực phấn đấu.

Phải nhận diện được đội ngũ cán bộ

Trong nhiều hội nghị, cuộc họp ở tỉnh với các đơn vị, địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH luôn nhấn mạnh, mọi nhiệm vụ được thực hiện thành công hay chưa thành công đến từ bài học trong bố trí cán bộ, làm sao để cho đội ngũ cán bộ phát huy hết năng lực, trình độ; không để xảy ra tình trạng cán bộ ngồi sai vị trí là rất quan trọng. Khi cán bộ ngồi đúng vị trí sẽ đặt hết tâm huyết, trí tuệ của mình vào nhiệm vụ được giao. Bởi thực tế cho thấy, giao nhiệm vụ quá sức cán bộ không làm nổi, nên làm sao bố trí đúng cán bộ để làm việc một cách hiệu quả nhất.

Thời gian từ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, với những kết quả đạt được của tỉnh và những hạn chế, khuyết điểm đủ để đánh giá cán bộ ngồi đúng vị trí hay không. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên phải thực hiện công tác cán bộ.

Mục tiêu, lý tưởng của Đảng bao giờ cũng phụng sự, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, không làm được thì Đảng không có ý nghĩa, chính quyền không có giá trị trong lòng dân. Do đó, lúc này, chúng ta rất cần những cán bộ, đảng viên thật sự tận tâm với dân.

“Những cán bộ không trăn trở, mà vô cảm với dân, chúng ta phải nhận diện, thay thế bằng đội ngũ tốt hơn. Làm được việc đó thì Đảng ta mới mạnh và hợp lòng dân” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học Giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày 10-9 vừa qua.

Quy định phải rõ ràng

Một lãnh đạo Sở Tài chính chia sẻ, tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay cơ bản xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc do chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện. Một số quy định pháp luật còn tồn tại nhiều bất cập, thiếu tính thống nhất, thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp... khiến đội ngũ cán bộ, công chức khó có thể phát huy hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo. Thậm chí, còn phát sinh tâm lý e ngại, sợ bị xem xét trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật trong thực thi công vụ hoặc thực hiện những thay đổi, đột phá. Do đó, có những cán bộ đã xin chuyển công tác.

PGS-TS Lê Kim Việt, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ, giảng viên cao cấp Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết từ khi thành lập đến nay, nhất là trong giai đoạn tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng đã ban hành, sửa đổi, bổ sung rất nhiều nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận, chỉ thị về công tác cán bộ. Nhờ đó, công tác cán bộ có những chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp, khoa học hơn; quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ hơn, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ các cấp, các ngành.

Tuy nhiên, chất lượng cán bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Vấn đề đặt ra là tại sao có tình trạng đó? Đó là có những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện các nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận... về công tác cán bộ. Ví dụ, Đảng ta chủ trương “kiên quyết không để lọt” cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, giàu lên bất thường, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vướng vào tham nhũng, tiêu cực.... vào trong bộ máy lãnh đạo. Đảng cũng có những quy định, quy chế, quy trình lựa chọn, giới thiệu cán bộ ứng cử, bầu cử. Thế nhưng, sau mỗi kỳ đại hội, tình trạng “để lọt” không ít kẻ thoái hóa, biến chất, cơ hội vào bộ máy vẫn cứ diễn ra.

Hay Đảng có quy định cấm chạy chức, chạy quyền nhưng trong dư luận xã hội vẫn nói nhiều đến tình trạng “mua quan, bán chức”, “lót tay, móc ngoặc”, “đôi bên cùng có lợi”. Đặc biệt, Điều lệ Đảng quy định “nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng, thế nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có hơn 45 tỉnh, thành, tập thể lãnh đạo của tỉnh, thành đó bị kỷ luật vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Rồi mới đây, Đảng ta có chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tại sao lại phải có chủ trương này? Theo PGS-TS Lê Kim Việt, trong cơ chế và thể chế hiện nay thì cán bộ không dám nói, không dám làm vẫn cứ tồn tại.

Cốt yếu của vấn đề hiện nay, quá trình thực hiện các văn bản về công tác cán bộ, địa phương, đơn vị thấy bất cập, vướng mắc ở đâu thì tổng kết, lý giải vì sao lại như thế để có giải pháp. Đồng thời, Trung ương cũng cần đánh giá tổng kết thực tiễn để lý giải nguyên nhân và có giải pháp để “vá” những “lỗ hổng” và loại bỏ những cái bất hợp lý.

Phương Hằng

Bài 3: Nâng tầm đội ngũ cán bộ

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202410/goc-co-vung-dang-moi-manh-bai-2-8607b8c/