Góc hồn xứ Nẫu
Người thủ đô vốn có lắm thứ để tự hào, từ cảnh vật đến đồ ăn, thức uống. Thế nên, nghe chị bạn người Hà Nội điện thoại bảo vào Phú Yên du lịch, tôi chột dạ: Chà, quê mình có gì để chị thích hè?
Thôi, có gì giới thiệu nấy, chứ mình biết làm sao mà sửa sang, bày biện những thứ đã sẵn có của vùng Nam Trung Bộ…
Thế nhưng, gia đình chị hơi bị ngạc nhiên khi đến quê tôi và tôi cũng ngạc nhiên về sự "dễ tính" của họ. Ấy là chuyện dấn thân, sẵn sàng mở lòng với cảnh trí, cách nói năng, nết ăn uống… của cái xứ "thẳng ruột ngựa". Chị vẫn rất tự hào về nền ẩm thực của thủ đô nhưng sẵn sàng "làm tới" các sản vật đặc trưng, đơn sơ không bày biện ở quê tôi.
Xứ Nẫu vốn trọng nguyên liệu đầu vào tươi ngon, chất lượng, thế nên cách chế biến chẳng cầu kỳ. Ví như con gì bắt được trên núi hay dưới biển, cứ thế về rộng rồi bắt ra, vớt lên, đi thẳng vào vấn đề "nướng, hấp", đôi lúc chỉ trụng sơ là… thả cửa thưởng thức.
Bữa sáng, tôi ngẫu nhiên đưa gia đình chị đi ăn bánh hỏi cháo lòng. Đây là quán do một ông bạn vừa khởi sự. Ban đầu, gia đình chị tỏ ra không lạ gì với bánh hỏi, tô cháo, đĩa lòng và thịt luộc. Thế nhưng, sau khi nếm một miếng, tất cả đều tới tấp gắp, cuốn, xì xụp… toát mồ hôi.
Hôm sau, chị đề nghị đi cánh biển. Tôi tháp tùng chị hết vòng cung Tuy An. Sáng bánh hỏi cháo lòng Hòa Đa chấm nước mắm Yến rồi ghé nhà thờ Mằng Lăng.
Mang tiếng thổ địa mà tôi cũng chỉ biết nhà thờ Mằng Lăng trên sách báo. Nhờ làm "hướng dẫn viên", tôi mới biết nơi đây kiến trúc mê hồn, có lưu giữ cuốn sách in chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, lại còn có lặng lẽ một cô nhi viện…
Kết thúc một ngày, chúng tôi ghé gành Đá Dĩa, ăn hải sản đầm Ô Loan. Khi đến gành Đá Dĩa với những chồng chén dĩa của của thần tiên để lại bên bờ đại dương, chúng tôi ăn uống thỏa chí… "Ô Loan miếng hàu" là nơi thi sĩ Tản Đà từng ghé qua. Không biết ngày xưa, vị thi sĩ này có ăn sò huyết Ô Loan không, chứ ngày nay, món sò huyết trụng nước sôi ở đây là "số dzách". Nói chung, con gì đem nhúng nước đầm Ô Loan mà vớt lên thì ai cũng muốn cắn ngập răng!
Ngày về, chị gom đủ thứ món bình dị, chân quê Nẫu: nước mắm, mắm thu, mắm ruột, mắm cái, mắm ruốc; mấy súc cá ngừ đại dương ướp đá thùng xốp; bánh hỏi, lá hẹ và thậm chí cả cà phê…
Khệ nệ với đủ thứ hàng hóa ở sân bay, chị bảo: Nơi nào có cái ngon để cụng ly, ấy là quê hương. Rồi chị khoe đã học được vài "ngoại ngữ" xứ Nẫu, như: cà phơ (cà phê), âu cơ (ok), thâu rầu (thôi rồi)…
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/goc-hon-xu-nau-20201119225224723.htm