Góc khuất ít người biết của 'nữ hoàng Wushu' Thúy Hiền
Từng đạt đỉnh vinh quang với 7 lần vô địch thế giới, 8 lần đoạt HCV Seagame thế nhưng cuộc đời của 'nữ hoàng Wushu' Nguyễn Thúy Hiền lại nhiều thăng trầm.
Clip 1: Thúy Hiền và những cột mốc đáng nhớ.
Clip 2: Thúy Hiền kể về sự nghiệt ngã của thể thao.
Xem toàn bộ phần trò chuyện của HLV Thúy Hiền.
Nhà báo Hà Sơn:Mỗi khi đến mùa Sea Games đến, chắc hẳn những ký ức ngày xưa, thời còn tập luyện gian khổ và thi đấu hết mình để giành huy chương cho nước nhà lại ùa về trong chị?
Cựu vận động viên wushu Thúy Hiền: Chắc chắn rồi. Mỗi mùa Sea Games đến, dù bận đến mấy, có nhiều chuyện phải lo nghĩ đến mấy, tâm trí tôi vẫn hướng về mùa giải. Người tôi nóng ran và trong đầu hiện lên rất nhiều hình ảnh thời còn thi đấu.
Để có thể giành huy chương trong những giải đấu lớn, chị đã phải trải qua nhiều khó khăn, có những lúc gặp phải vấn đề sức khỏe như đau dạ dày, thể lực suy yếu… Đến bây giờ chị có còn nhớ về thời gian khó khăn nhưng đầy vinh quang đó?
- Vận động viên cho dù ở bất cứ bộ môn thể thao nào cũng đều có nỗi vất vả và khó khăn riêng. Đối với vận động viên, thể lực vô cùng quan trọng. Những ai có nền tảng thể lực tốt luôn có lợi thế hơn hẳn. Thế nhưng ngay từ nhỏ, tôi đã là một người yếu về thể lực. Chính vì thế, bố tôi quyết định cho tôi tham gia vào các môn thể thao. Bố tôi nghĩ nếu chẳng may đi học bị bạn bè bắt nạt có thể tự vệ.
Ngày nhỏ, tôi rất hay nhìn trộm bố tập thể dục thể thao ngoài sân. Hơn thế tôi cũng rất thích xem những bộ phim về võ thuật và yêu thích võ. Thần tượng của tôi là Lý Liên Kiệt và tôi luôn mong muốn có thể giỏi võ như anh ấy để có thể tự vệ và giúp đỡ những người khác.
Được biết năm 13 tuổi, sau khi bố mẹ chia tay, chị ở cùng bà ngoại. Chị hẳn đã rất cô đơn khi không có một gia đình trọn vẹn?
- Chắc chắn là có cô đơn. Vì lúc đó tôi còn nhỏ, còn chưa vững vàng để đối mặt với chuyện đó. Nhưng cũng là cái duyên vì khi bố mẹ chia tay, tôi đã được làm vận động viên của Sở Thể dục Thể thao cũ, được tự lập và tự chăm sóc cho bản thân.
Ngày đó mẹ tôi đi nước ngoài, bố làm xa, bố mẹ tôi chia tay nên tôi chỉ còn bà ngoại bên cạnh. Nhưng may mắn tôi được sống cùng tập thể các anh chị vận động viên, hằng ngày gặp gỡ và tập luyện cùng nhau nên cũng bớt cô đơn phần nào.
Càng ngày tôi càng say mê và dùng hết thời gian của mình vào luyện tập. Bởi vậy tôi không còn thời gian để cô đơn nữa. Mỗi năm vào dịp lễ tết, tôi vẫn được gặp mẹ và chị gái, nhưng đa phần tôi phải ở một mình. Chính thể thao đã khiến tôi mạnh mẽ hơn nhưng cũng thiệt thòi ở chỗ tôi không có thời gian giao lưu gặp gỡ những người bạn bên ngoài và tìm hiểu, học tập những ngành nghề khác.
Quãng thời gian bố mẹ chia tay, chị đã gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng chỉ một năm sau, khi mới 14 tuổi, chị đã giành giải thưởng Wushu thế giới, một giải thưởng vô cùng lớn. Thời điểm đó chị đã nhận được rất nhiều sự chú ý, ngưỡng mộ từ phía mọi người. Đó hẳn là một tuổi 14 đáng nhớ của chị?
- Vâng. Ngày đó ngay cả ông Hoàng Vĩnh Giang – Chủ tịch Liên đoàn Wushu Việt Nam cũng không nghĩ tôi sẽ giành giải vô địch. Khi mà tôi đạt huy chương vàng tại giải Wushu quốc tế diễn ra tại Malaysia, ông đã không mang theo băng cát-sét và cả đoàn phải xếp hàng hát chay Quốc Ca. Đó là kỷ niệm không thể quên trong giải đấu đầu tiên tôi tham dự.
Năm 2001 đáng nhớ nhất đối với chị khi giành được nhiều giải thưởng cao quý, được Nhà nước tặng nhà và kết hôn khi mới 22 tuổi. Chị có thấy mình lập gia đình hơi sớm?
- Khi đó tôi cũng cảm thấy kết hôn như vậy hơi sớm vì còn đang thi đấu. Nhưng sau khi kết hôn tôi vẫn tiếp tục thi đấu và lùi lại kế hoạch có em bé nên việc thi đấu không bị ảnh hưởng gì.
Bố mẹ và người thân trong gia đình thực ra không muốn tôi kết hôn sớm vì khi đó còn ít tuổi, tương lai còn dài. Nhưng bản thân tôi có lý do riêng. Tôi được Nhà nước tặng thưởng một căn nhà. Nếu như chỉ ở một mình tôi sẽ cảm thấy cô đơn và tôi muốn lập gia đình để sau mỗi mùa thi đấu có thể trở về mái ấm nhỏ của riêng mình.
Năm 2003, chị trở thành HLV Wushu và bỏ dở ước mơ thi đấu Olympic. Chị có chia sẻ gì về điều này?
- Bất cứ vận động viên nào cũng nuôi ước mơ được tham dự đấu trường Olympic. Thế nhưng năm 2003 bộ môn Wushu chưa được đưa vào thi đấu tại Olympic và tôi lại đang bị chấn thương đầu gối. Sau đó tôi có tham gia thêm một kỳ Sea Games và đã phải cố gắng rất nhiều.
Tôi đã có ý định bỏ cuộc do chấn thương nhưng nghĩ đến sự ủng hộ của khán giả quê nhà, tôi quyết định tiếp tục thi đấu và cố gắng giành huy chương vàng trên đất nước mình. Cuối cùng tôi đã làm được điều đó.
Những năm gần đây, chị đã đào tạo ra nhiều lứa vận động viên Wushu. Chị cảm thấy thế hệ trẻ bây giờ so với thế hệ của chị ngày xưa có được đầu tư hơn nhiều và đam mê nhiệt huyết của các em có bằng thế hệ đi trước?
- Do kinh tế Việt Nam ngày càng đi lên nên các bạn vận động viên trẻ hiện nay đương nhiên được đầu tư nhiều hơn thế hệ chúng tôi. Thời chúng tôi ngoài ăn cơm tập thể ra không còn có chế độ nào khác. Còn các bạn vận động viên trẻ hiện nay có chế độ dinh dưỡng tốt hơn, được chú trọng chăm lo thể lực nhiều hơn. Ngày xưa, chúng tôi chỉ có điều kiện tốt khi được đi tập huấn tại Trung Quốc. Nhưng bây giờ dù ở Việt Nam, các bạn trẻ vẫn được đầu tư và quan tâm hơn nhiều.
Chị gái Thúy Vinh đã từng rất yêu thể thao và cũng tham gia thi đấu nhưng sau khi giải nghệ không còn liên quan gì đến thể thao nữa. Có rất nhiều người sau một thời gian theo đuổi thể thao phải từ bỏ vì không chịu đựng được sự khắc nghiệt và khó khăn. Chị nghĩ sao về những trường hợp này?
- Mọi người cũng đều hiểu về những khó khăn mà những vận động viên phải chịu đựng. Mức lương 6, 7 triệu một tháng với các vận động viên trẻ hiện nay không phải số tiền lớn. Ở thời của tôi, mỗi tháng nhận 250 ngàn đã thấy vô cùng tự hào. Các em trẻ bây giờ có nhiều thứ cần chi trả nhưng mức lương lại không dư giả để các em lo đầy đủ cho cuộc sống. Bởi vậy nếu không có đam mê, rất khó để các vận động viên trẻ tiếp tục theo nghề.
Ở Việt Nam, thu nhập ngoài thi đấu như quay quảng cáo không hề có và nước ta còn khá mông lung trong việc đưa ra phần thưởng cho vận động viên đạt thành tích cao. Bởi lẽ đó, nhiệt huyết của các em cũng phần nào đi xuống, không còn tập trung hoàn toàn vào thi đấu. Nếu như Việt Nam có nhiều sự khích lệ về kinh tế hơn cho các vận động viên trẻ, có lẽ các em sẽ có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thể thao.
Phần 2: Thực hư chuyện "nữ hoàng Wushu" Thúy Hiền yêu trai kém 10 tuổi
Sơn Hà - Huy Phúc - Xuân Quý - Bạt Tuấn
Ảnh: Tô Thanh Tân