Góc khuất nghề truyền thông: Bề ngoài rực rỡ, vụn vỡ bên trong!

Một công việc trong mơ, lương cao là điều mà ai cũng mong muốn. Song để đạt được thành tựu đó thì chúng ta sẽ phải trả giá, đánh đổi rất nhiều.

Không thể phủ nhận MarCom (truyền thông - Marketing) là lĩnh vực ngày càng nhiều người theo đuổi. Từ các bạn sinh viên trẻ tới người đã đi làm hay muốn chuyển việc... thì Marcom là mảnh đất đầy hứa hẹn cho chúng ta thử sức. Công việc thú vị, môi trường thoải mái, nhiều thử thách hay ho và đôi khi không đặt nặng quá về bằng cấp... là số ít trong nhiều lý do để một ai đó lựa chọn MarCom.

Nhưng góc khuất của MarCom có không? Câu trả lời là có, thậm chí không đơn giản và vô cùng khắc nghiệt. Tháng 12/2019, một anh chàng có tiếng trong giới sản xuất TVC quảng cáo đã qua đời sau khi lao lực và làm việc quá sức. Còn rất nhiều những vụ đột tử khác cũng liên quan đến công việc này.

Mới đây, trên MXH Facebook, mọi người lại xôn xao với nhau câu chuyện của một nữ Art Director (Chuyên gia định hướng nghệ thuật/thị giác) từ bỏ nghề đúng thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp để làm một huấn luyện viên Yoga. Đó chính là trường hợp của Lê Nguyên Ly - một cô nàng trẻ trung, cá tính nhưng cũng có vô vàn nỗi niềm nhận được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng mạng.

Lê Nguyên Ly (Ly Sei) từng làm Art Director tại nhiều công ty truyền thông nổi tiếng. Không chỉ sở hữu 10 năm làm nghề, cô còn đạt Giải Vàng cuộc thi Vietnam Young Lions 2018 và tham gia với vai trò tư vấn của nhiều workshop về MarCom. Ấy vậy mà đùng một cái, Ly Sei nghỉ việc trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp. Đằng sau quyết định hết sức táo bạo ấy là cả câu chuyện dài về hành trình đấu tranh tư tưởng.

Cô nàng Lê Nguyên Ly chinh chiến 10 năm trong nghề truyền thông và đạt Giải Vàng cuộc thi Vietnam Young Lions 2018.

Cô nàng Lê Nguyên Ly chinh chiến 10 năm trong nghề truyền thông và đạt Giải Vàng cuộc thi Vietnam Young Lions 2018.

Môi trường truyền thông tôi luyện cho con người nhiều phẩm chất song cũng lấy đi sức khỏe lẫn một tinh thần mạnh mẽ

Ly Sei chia sẻ "10 năm chinh chiến với nghề truyền thông sáng tạo, mỗi nơi lại mang đặc điểm riêng nhưng có một yếu tố chung chẳng thay đổi, đó là áp lực công việc cực cao. Những mảng tối trong ngành chẳng bao giờ được đem ra thảo luận công khai để tìm giải pháp. Hệ quả là lúc nào cũng làm thêm đến mức không có thời gian dành cho bản thân hoặc là làm việc hết sức, tận hưởng hết mình, party thâu đêm chìm đắm trong chất gây nghiện đến sáng lại đi làm tiếp. Sau đó là những cái tặc lưỡi “tính chất ngành nó vậy phải chịu thôi”.

Với cá nhân Ly, mình coi "tính chất ngành" là đặc thù mang tính hệ thống mà ở vị thế của một người đi làm thuê, mình không thể làm gì để thay đổi ngoài việc học cách sống chung với nó. Mình vẫn mong trong tương lai, những người ở vị trí quản lý, lãnh đạo, có tiếng nói hơn, có khả năng thay đổi hơn, sẽ công khai thảo luận về vấn đề này.

Lúc ấy, mình tự đặt ra câu hỏi: Nếu vẫn tiếp tục làm công việc này (fulltime ở agency), có cách nào để cân bằng công việc và cuộc sống không? Tiếp đến, công tâm mà nói, "tính chất ngành" chỉ chiếm một phần nguyên do cho cái giá phải trả mà mình nói phía trên thôi, có những người vẫn có thể làm nghề một cách say mê, họ chấp nhận được những mặt trái, họ chấp nhận trả những cái giá đó, có thể bởi tính cách của họ, bởi bản chất mạnh mẽ hay môi trường tôi luyện, rất nhiều yếu tố.

Lúc ấy, mình tự đặt ra câu hỏi: Nếu vẫn tiếp tục làm công việc này (fulltime ở agency), có cách nào để cân bằng công việc và cuộc sống không? Tiếp đến, công tâm mà nói, "tính chất ngành" chỉ chiếm một phần nguyên do cho cái giá phải trả mà mình nói phía trên thôi, có những người vẫn có thể làm nghề một cách say mê, họ chấp nhận được những mặt trái, họ chấp nhận trả những cái giá đó, có thể bởi tính cách của họ, bởi bản chất mạnh mẽ hay môi trường tôi luyện, rất nhiều yếu tố.

Còn về phía mình, sức khỏe tinh thần của mình cực kì yếu ớt. Đến bây giờ khi đã đi qua được những biến cố tâm lý và nhìn lại, mình mới hiểu là mình đã xây dựng đời sống, sự nghiệp, tình cảm của bản thân trên một nền tảng tuổi thơ nhiều tổn thương, đứt gãy. Không nhận ra sớm và chữa lành sớm nên mình đã trưởng thành một cách run rẩy, đầy nhiễu động. Giống như ta xây một căn nhà không có móng trên một nền đất lún mềm vậy.

Môi trường làm việc ngành truyền thông sáng tạo dần dần khiến Ly Sei kiệt quệ về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Nền tảng tâm lý yếu ớt cộng thêm những “tính chất ngành” thì sau 10 năm, mình đã bị quật ngã, mình là một kẻ thành công bên ngoài, nhưng vụn vỡ bên trong! Mình đạt giải thưởng mà không thấy hạnh phúc, mình được lên chức, lương cao mà chỉ thấy bất an vì sợ không đáp ứng được kì vọng. Dần dần, căn nhà đầy những vết nứt của mình đã sụp đổ.

Cuối năm 2018, mỗi ngày đi làm là một cực hình với mình. Mình bị đau đầu kinh niên, đau đại tràng, lưng cổ vai gáy của mình luôn nhức mỏi. Mỗi tối về nhà mình vật lộn đấu tranh với trầm cảm và khóc không ngừng."

Quyết định chuyển nghề đầy rủi ro nhưng được lên kế hoạch tỉ mỉ, rõ ràng

Mặc dù Ly Sei đã xin nghỉ công việc ở chỗ làm cũ nhưng cô cho biết khi nào ổn định và cân bằng, Ly sẽ đảm nhiệm song song cả dạy yoga lẫn làm truyền thông. Tất nhiên, Ly sẽ không làm full time mảng sáng tạo mà chỉ nhận vài job tự do, số lượng ít để đảm bảo “chất”.

Một số người khi nghe tin Ly đổi nghề đã tò mò về thu nhập của huấn luyện viên Yoga so với công việc truyền thông. Ly Sei chia sẻ tình hình hiện tại của mình:

"Thời điểm này tất nhiên chênh lệch lớn vì mình mới bước vào nghề Yoga và còn nhiều thứ phải học. Một khóa đào tạo HLV Yoga cũng rất đắt đỏ, ít nhất từ 40-50 triệu trở lên. Ly đã chuẩn bị tâm lý trong gần 2 năm và 1 năm chuẩn bị tài chính bao gồm tiền học trở thành HLV cũng như chi phí sinh hoạt cơ bản trong ít nhất nửa năm, tiền dự phòng, đầu tư... Mục tiêu tương lai của mình là có nhiều nguồn thu nhập, hướng đến tự do tài chính. Nói chung chuyển việc với mình điều quan trọng là tâm lý chứ không phải là về tiền bạc."

Hi vọng, sau câu chuyện của Ly Sei, chị em công sở cũng sẽ có một động lực để tự nhìn về chính bản thân mình. Hãy dành chút thời gian để trả lời câu hỏi liệu bạn có đang đánh đổi đúng đắn hay không. Nếu cảm thấy quá tải và mệt mỏi, xin đừng “cố đấm ăn xôi” để rồi phải tiếc nuối. Đồng thời chúc chị em cũng sẽ tìm được lối ra để bản thân vui vẻ mà vẫn đảm bảo được vấn đề tài chính nhé!

Minh Bùi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/goc-khuat-nghe-truyen-thong-be-ngoai-ruc-ro-vun-vo-ben-trong-22202024775827915.htm