Góc khuất nồng đượm tình mẫu tử của hai mẹ con ăn xin trên cầu Thanh Trì gần 10 năm

Câu chuyện thương tâm của hai mẹ con dắt nhau đi bộ trên cầu Thanh Trì để ăn xin và đi nhờ xe đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng trong suốt nhiều ngày qua. Bên cạnh phần lớn lời chỉ trích nặng nề dành cho người phụ nữ này, vẫn có những sẻ chia chân tình khi chứng kiến phút giây nồng đượm tình mẫu tử mà chị dành cho con.

Trước đó, khoảng 22h ngày 15/2, một vụ tai nạn xảy ra trên cầu Thanh Trì khiến chị Nguyễn Bích Th. (34 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tử vong tại chỗ. Chị Th. chính là người đã dẫn con gái ăn xin và đi nhờ xe trên cầu Thanh Trì suốt nhiều năm qua. Mặc dù được nhiều người khuyên ngăn nhưng người phụ nữ này đều “bỏ ngoài tai”.

Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, nhiều người tỏ ra thương xót cho cô con gái 7 tuổi, không quên kèm những lời chỉ trích đối với mẹ cô bé (mọi người thường gọi là Thị).

Trong khi mạng xã hội đang nhìn thấy “phần tối” của câu chuyện, vẫn có những người muốn chia sẻ với hai mẹ con chị vì đã được chứng kiến phút ấm áp của tình mẹ mà chị dành cho con.

Mới đây, anh Phạm Duy Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) đã chia sẻ một mảnh ghép vô cùng cảm động về câu chuyện của hai mẹ con chị qua một bài viết trên Facebook:

Hai mẹ con ăn xin trên cầu Thanh Trì - Hành trình đã kết thúc!

Hình ảnh người phụ nữ dắt con ăn xin trên cầu Thanh Trì ròng rã gần 10 năm đã khép lại bằng vụ tai nạn thương tâm vào 22h đêm 15/2.

Bao trùm trên khắp các diễn đàn là những lời chửi bới, thóa mạ dành cho người mẹ đáng nguyền rủa ấy.

Anh Phạm Duy Nam chia sẻ những mảnh ghép chưa từng được tiết lộ về người mẹ nhiều năm dẫn con đi ăn xin trên cầu Thanh Trì.

Anh Phạm Duy Nam chia sẻ những mảnh ghép chưa từng được tiết lộ về người mẹ nhiều năm dẫn con đi ăn xin trên cầu Thanh Trì.

Đêm nay là đêm thứ hai chị nằm một mình lạnh lẽo ở nhà xác, không có nổi cái bát nhang, không một bát cơm quả trứng... Góc khuất của mảnh đời rách nát này cũng cám cảnh lắm các bác ạ!

Cộng đồng bức xúc vì chị không thương con, đêm hôm mưa dầm gió bấc mà vẫn tha lôi con đi kiếm ăn. Nhưng ít ai biết rằng, một mình chị đi làm” để nuôi 4 đứa con; 3 đứa ở Bắc Ninh hình như vẫn đi học, còn cô con gái út này mà đi học thì chị lấy đâu ra đạo cụ để kiếm tiền nuôi 3 đứa kia.

Tại sao chị ta lành lặn mà không tự lao động?

Thị 34 tuổi mà vướng vào “những góc khuất” từ thời thanh niên, nên giờ này cơ thể gầy gò ốm yếu, làm gì còn sức mà lao động!

Lần đầu tôi bị chị lừa cách đây 8 năm, ban đầu tôi cũng cay lắm. Nhưng khi cất công tìm hiểu thì tôi lại có suy nghĩ khác...

Thỉnh thoảng thương quá, tôi lại tấp xe cho bé con mấy đồng, vài lần tôi hỏi chuyện thì chị kể đại ý là: Thị chấp nhận cuộc sống dối lừa như thế cũng vì con thôi, chứ có mỗi một mình chắc Thị gieo mình xuống sông Hồng lâu rồi.

Thôi thì cũng được cái là Thị chỉ xin đi nhờ xe để lên ngồi “sáng tác câu chuyện, chứ Thị không mở mồm xin tiền ai bao giờ, ai mủi lòng cho tiền thì lấy, không cho thì lại xuống để xin đi nhờ xe khác. Hàng chục năm hành nghề trên cầu nhưng chưa một ai kêu mất đồ trên xe cả. Nếu Thị trộm cắp thì công an đã bế đi lâu rồi.

Thị đáng lên án và nguyền rủa thật, nhưng suy cho cùng, cũng còn hơn chán những kẻ vì nghiện ngập phạm tội giết người cướp của, tước đoạt mạng sống đồng loại để thỏa mãn cơn nghiện.

Có những đêm về muộn, tôi dừng uống trà ở chân cầu, nhìn hai mẹ con nằm co ro trong mưa rét thấy tội lắm.

Hình ảnh người mẹ kéo manh áo mưa rách che cho con, hai mẹ con chắc mệt lả rồi nhưng người mẹ vẫn cố thức để đuổi muỗi cho con khiến tôi thấy ứa nước mắt. Không dám nhìn lâu cái cảnh đó, tôi vội cho bé con vài đồng rồi bỏ dở chén nước lên xe đi nhanh.

Bà bán nước chè kể, những ngày không xin được tiền, người mẹ vẫn mua nợ hộp mì rồi dỗ cho con bé ăn, đợi đến khi con không ăn được nữa thì mới ăn lại nốt chỗ mì đã trương.

Tết năm 2019, chỉ còn 20 phút nữa đến giao thừa, trời thì mưa mà tôi vẫn gặp hai mẹ con bắt đầu lên cầu, tôi dừng xe mừng tuổi cho bé con rồi chạy vội về. Hai mẹ con đi bộ lên đến đỉnh cầu chắc cũng kịp giờ sang canh.

Đêm giao thừa năm 2020 trời sấm chớp mưa bão ầm ầm thế mà hai mẹ con vẫn bám trụ trên cầu, tôi lại dừng để mừng tuổi con bé. Tôi cứ tấm tắc trong bụng khen con bé không được đi học, chỉ đếm bước chân thay cho học Toán mà ngoan thế, nhưng lúc đó tôi đâu biết, đấy là lần cuối tôi gặp người mẹ đó trên cây cầu này.

Biết tin Thị tử vong do bị tai nạn xe máy, tối nay, tôi chạy ra đầu cầu Thanh Trì gặp bà bán nước để gửi lễ viếng... Bà ấy kể: Sáng hôm qua, cô ấy ra đây, tôi thấy ăn mặc đẹp lắm, cô ấy mặc cái quần bó nhìn xinh hẳn, tôi còn khen mặc đẹp thì cô ấy đáp gở: “Kiếm được mấy đồng lại đi mua thuốc thà chết đi cho nhẹ nợ!”.

Tuần trước, cô ấy cũng phàn nàn với bà bán nước: “Năm nay khó khăn quá bà ạ, chả kiếm được đồng nào, Tết nhất cái bánh chưng không có, lại đang phải lo mấy triệu đóng học cho mấy đứa nhỏ”, khiến bà thương quá bảo xí xóa nợ năm cũ cho: “Tao cũng nghèo lắm nhưng tao cho mẹ con mày.

Sau khi Thị tai nạn thì bố ruột của cô con gái đã đến đón… Tôi thấy an ủi và hy vọng bé gái sẽ được bố đưa đi một con đường mới tươi đẹp hơn!.

Là người hay có việc phải di chuyển qua cầu Thanh Trì, anh Phạm Duy Nam thường xuyên gặp hai mẹ con Thị. Anh còn nhớ, lần đầu tiên gặp hai mẹ con Thị là vào năm 2013, trên đường đi Hải Phòng về.

"Đó là một buổi đêm, tôi bắt gặp cảnh một người phụ nữ bế một đứa nhỏ đứng trên cầu, thấy có dấu hiệu bất thường, tôi sợ cô ấy sẽ tự tử nên đã báo công an nhờ sự giúp đỡ.

Sau lần đó, tôi tiếp tục gặp hai mẹ con, nhưng không hề nghĩ là “người cũ”, tôi cho đi nhờ xe và nghe những câu chuyện mà chị ấy hay “bịa” ra để kể với mọi người, bị lái xe bỏ rơi giữa đường...

Đi hết cầu Thanh Trì, chị ấy bảo xuống xe, tôi cho bé con một chút tiền... Rồi sau đó mới biết câu chuyện của hai mẹ con được chia sẻ trên mạng xã hội. Biết mình bị lừa, nhưng tôi vẫn rất thương bé con nên mỗi lần gặp vẫn giúp đỡ”, anh Nam kể .

“Đến khoảng năm 2017, tôi vô tình bắt gặp những hình ảnh cảm động khi chị ấy chăm sóc con gái, những tình cảm ấy khiến tôi xúc động lắm, vì ít nhất, tôi biết được rằng chị ấy vẫn là một người mẹ thương con”, anh chia sẻ.

Năm trước, anh cũng chia sẻ: “Gần đến Giao thừa, nhiệt độ xuống thấp hơn, đường còn vài người đang cố gắng chạy nhanh về để đón Giao thừa cùng gia đình. Năm nay, Thị vẫn đón Giao thừa và cho con ăn Tết trên cầu như bao năm nay Thị vẫn làm.

Con bé con đứng sát cửa kính xin quà bằng hai tay rất lễ phép, hơi ấm trong xe thoát ra ngoài làm nó thích thú reo lên: “Ôi ấm thế...”. Có lẽ, nó thèm hơi ấm lắm, vì từ khi lọt lòng, dù có mưa rét đến đâu mẹ nó vẫn tha lôi nó trên cây cầu này kiếm ăn…”.

Hình ảnh hai mẹ con Thị trên cầu Thanh Trì trong một số cuộc gặp của anh Nam.

Hình ảnh hai mẹ con Thị trên cầu Thanh Trì trong một số cuộc gặp của anh Nam.

Đến khi đọc được thông tin hai mẹ con Thị gặp tai nạn trên cầu Thanh Trì, Thị mất mạng, anh Nam còn sững người, chưa tin vào những dòng chia sẻ trên mạng, chạy vội ra cây cầu, xem có bắt gặp hình bóng hai mẹ con không. Kết quả, Thị đã ra đi thật!

“Tôi cũng buồn lắm, dẫu sao, tôi cũng từng gặp Thị, giúp đỡ mẹ con Thị và khuyên Thị nên kiếm một công việc đàng hoàng tử tế mà làm. Thậm chí, tôi cũng từng ngỏ ý giới thiệu cho Thị đi làm công việc rửa bát thuê để kiếm sống, nhưng có lẽ Thị sợ không được gần con cả ngày...

Tôi cũng mừng vì sau khi mình chia sẻ câu chuyện được tận mắt chứng kiến về tình mẹ mà Thị dành cho con, trên mạng xã hội cũng đã giảm bớt những lời lẽ ác cảm, bày tỏ nhiều sự cảm thông hơn dành cho Thị.

Giờ Thị mất rồi, tôi cũng giống như bao người, chỉ thầm mong sao, con bé con có một cuộc sông tốt hơn, “đi dúng hướng” hơn và có ánh sáng nơi cuối con đường”, anh Nam bộc bạch.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/goc-khuat-nong-duom-tinh-mau-tu-cua-hai-me-con-an-xin-tren-cau-thanh-tri-gan-10-nam-a466286.html