Góc khuất tâm hồn trong 'Tía ơi, má dìa!'

Vào các tối 9, 17, 23 và 31-8, Nhà hát Idecaf sáng đèn biểu diễn vở kịch 'Tía ơi, má dìa!' (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Vũ Minh; đạo diễn: Vũ Minh, tái dựng: Quốc Thịnh - Tuyết Mai). Vở có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Hoàng Trinh, Đại Nghĩa, Hồng Ánh, Quốc Thịnh, Phi Nga, Công Danh…

Vở kịch Tía ơi, má dìa! đưa khán giả đến với không gian cuộc sống đời thường mang đậm nét văn hóa Nam bộ ở miền quê nghèo Cù Lao Rén. Nơi đó có gia đình ông Tư Chơn, thầy đờn (Quốc Thịnh thủ vai) và bà Thắm (Hoàng Trinh thủ vai) vui sống cùng với hai đứa con thơ. Trên một chuyến đò từ Sài Gòn về nhà, đò bị lật, bà Thắm mất tích giữa dòng sông.

Từ đây, ngày ngày ông Tư Chơn phải sống trong bao nỗi niềm thương nhớ vợ, cố gắng vượt qua những gian khó cuộc sống, một mình nuôi hai con khôn lớn, gìn giữ niềm tin và niềm mong mỏi về một ngày được gặp lại người vợ mà ông vô cùng yêu thương. Mười năm qua đi, ông Tư vẫn luôn chờ đợi bà Thắm trở về.

Những ngày cô đơn, nhớ vợ, ông lại cất lên bao lời ca tiếng hát, những câu hò, điệu lý, bài bản cải lương, tự mình tâm sự với chính mình, nhắc nhớ bao kỷ niệm, hoài ức tình yêu đẹp với người ông luôn yêu thương, để khuây khỏa bao nỗi mong nhớ.

 Vở kịch có những cao trào tâm lý lấy đi nhiều nước mắt của người xem

Vở kịch có những cao trào tâm lý lấy đi nhiều nước mắt của người xem

Hết năm này sang năm khác, bất chấp ngày nắng hay ngày mưa, ông lại chăm chỉ chèo đò khắp con sông, tìm tung tích vợ. Bạn bè, con cái thuyết phục ông Tư chấp nhận cái chết của bà Thắm và làm giỗ cho bà, nhưng ông vẫn cố chấp với suy nghĩ của mình.

Một ngày, những người bạn thân ông Tư Chơn quyết định cùng nhau lên TPHCM, tìm đến gia đình bà Thắm để hỏi thăm tin tức. Chuyến đi tuy không thu về kết quả như mong muốn, nhưng cũng từ đây, sự thật về cuộc mất tích bí ẩn năm xưa của bà Thắm dần hé lộ…

Câu chuyện kịch xoáy sâu vào đời sống tình cảm, nghĩa vợ chồng sâu nặng, đậm chất đời, chất tình của ông Tư Chơn, khiến cho người xem tìm được sự đồng cảm, xúc động theo dòng chảy tâm lý của nhân vật. Vở cũng khai thác được những góc khuất tâm hồn, chiều sâu tâm lý con người giữa bao thăng trầm của cuộc sống, các góc nhìn đa chiều về tình yêu lứa đôi trong sáng, tình nghĩa vợ chồng sâu nặng.

Đón xem vở kịch, khán giả sẽ nhận được thật nhiều tiếng cười dí dỏm, thú vị qua các tình huống hài kịch tươi vui, có nhiều tình huống bất ngờ. Bên cạnh đó là những cung bậc cảm xúc, sự rung động và tôn vinh giá trị cao quý của tình cảm, hạnh phúc gia đình, tình yêu lứa đôi, sự chung thủy sâu sắc… của những người con miền Nam chân chất, trọng nghĩa, nặng tình, có phong cách sống hiền hòa, nhân ái.

Trong vở có sử dụng khá nhiều ca khúc nhạc dân ca, câu hò, điệu lý quen thuộc với khán giả yêu nhạc: Hồn quê, Gợi nhớ quê hương, Tình lúa duyên trăng, Về quê cắm câu, Hương tóc mạ non, Lý son sắc, Tiếng đàn kìm, Anh xin đưa em về, Đám cưới trên đường quê, Em đi trên cỏ non...

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/goc-khuat-tam-hon-trong-tia-oi-ma-dia-post752465.html