Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Đánh giá các vùng kháng cự và nhóm cổ phiếu đáng lựa chọn
Bỏ qua việc đoán đáy, các chuyên gia sẽ chỉ ra nhóm cổ phiếu đáng lựa chọn vào thời điểm nhạy cảm này và đánh giá lại định giá của nhóm chứng khoán có mức P/B dưới trung bình 3 năm đã hấp dẫn chưa.
TTCK vừa đi qua một tuần giao dịch nhiều cảm xúc, từ hoảng loạn ở các phiên đầu tuần đến tràn đầy hy vọng các phiên thị trường hồi phục. Tính chung, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng nhẹ 1,5% so với tuần trước. Liệu đã có thể hy vọng thị trường tạm ngắt mạch giảm mạnh trong tuần tới chưa, theo các ông, bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Xu hướng giảm có thể vẫn còn nhưng sẽ có những phiên phục hồi. Nhiều khả năng tuần mới sẽ có các phiên tăng giảm xen kẽ nhưng chủ đạo vẫn phục hồi trong lúc này.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, chỉ số VN-Index đã xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn và rủi ro ngắn hạn đã giảm đáng kể. Đồng thời, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp rung lắc khi chỉ số VN-Index chạm vùng kháng cự 1.083 – 1.100 điểm.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường đã có nhịp giảm sâu trong 2 tháng, vì vậy nhịp hồi phục vừa qua cũng mang nhiều yếu tố kỹ thuật khi vùng hỗ trợ quanh 1.000 điểm luôn là hỗ trợ mạnh trong trung hạn.
Sau hai phiên tăng mạnh thì mức độ hưng phấn của nhà đầu tư sẽ có phần giảm bớt và thị trường sẽ phân hóa mạnh hơn trong tuần sau. Sẽ có nhiều nhóm cổ phiếu bị bán mạnh trong khi những nhóm khác vẫn kỳ vọng tăng trưởng tốt.
Thị trường có thể rung lắc nhẹ trong tuần sau tuy nhiên không quá đáng kể và theo tôi thị trường có thể tiếp tục duy trì mạch hồi phục hướng đến mốc 1.100.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo Hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Cá nhân tôi nhìn nhận đây chỉ là nhịp hồi phục thay vì thị trường bước vào một sóng tăng mới. Trước hết hãy nhìn lại vì sao thị trường lại giảm và cú tăng điểm vừa qua đến từ đâu sẽ nhận thấy thật khó để tạo ra cơn sóng tăng mới. Chúng ta đều tin rằng TTCK tăng mạnh từ tháng 5 đến đỉnh 1.250 điểm là bởi tiền rẻ, thế nhưng tiền rẻ này đã "hết phép" màu. Mọi thứ sẽ quay trở lại với thực tế là kết quả kinh doanh và nếu bóc tách từ quý III này thì nó lại có nhiều điều đáng bàn.
Thực tế, dòng tiền mua bắt đáy vẫn đang cho thấy khá yếu, thể hiện ở thanh khoản chưa tăng trở lại. Thanh khoản có thể vẫn là vấn đề cần chú ý khi lực cầu bắt đáy chưa được đánh giá đủ mạnh và cho thấy nền tảng tiết cung ngắn hạn vẫn là động lực chính giúp thị trường hồi phục trong tuần qua. Ông/bà đánh giá như thế nào về các ngưỡng kháng cự của thị trường trong ngắn hạn?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Thanh khoản là yếu tố quan trọng. Kháng cự trong ngắn hạn 1.050 đã được vượt qua dễ dàng một phần do thị trường giảm sâu trước đó nên bật lại cũng nhanh và mạnh hơn. Kháng cự quan trọng 1.100-1.120 được dự báo là quan trọng để có thể xem xu hướng tăng này là bền vững hay chỉ là phục hồi.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng thanh khoản thường ở mức thấp khi thị trường vẫn quanh vùng đáy, nhưng điểm tích cực là thanh khoản đã cải thiện dần, đặc biệt là thanh khoản đang gia tăng dần trên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa – Đây là nhóm cổ phiếu đóng góp đà tăng chính của thị trường.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng khi thị trường mới xác nhận xu hướng tăng cho nên thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh khi chỉ số VN-Index chạm các vùng kháng cự, nhưng tôi cho rằng nhịp điều chỉnh có thể sẽ nhanh chóng kết thúc. Vùng kháng cự 1.155 điểm được xem là vùng kháng cự mạnh trong ngắn hạn và cao hơn là 1.245 điểm.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Ở đợt hồi phục vừa qua dòng tiền mua bắt đáy chưa mạnh mẽ lắm một phần nhà đầu tư còn thận trọng do bị dính nhiều đợt bull trap trước đó. Ngoài ra, một lượng lớn hàng bị kẹp giá cao ở vùng giá cao hiện chưa thoát được, vì vậy thị trường cần một nhịp hồi tương đối dài để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, từ đó đẩy thanh khoản tăng trở lại.
Hiện tại vẫn còn nhiều biến số bất lợi với thị trường, bao gồm tình hình chính trị kinh tế quốc tế còn nhiều diễn biến khó lường, trong khi hoạt động doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tăng trưởng bền vững, vì vậy thị trường sẽ còn giằng co một thời gian ít nhất trong 3 tháng tới.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo Hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Tôi không quá quan tâm đến chỉ số VN-Index nhiều bởi nhiều lúc nó bị tác động ngoại biên quá lớn. Nhưng cá nhân tôi đang cho rằng, với áp lực đang xuất hiện như hiện nay thì có thể mốc 1.000 điểm khó lòng giữ được. Tuy nhiên, trước mắt với nhịp hồi phục này có thể tạo nhà đầu tư thời gian đủ dài để mua mua bán bán.
Thông tin mà giới đầu tư Việt Nam cũng như toàn cầu quan tâm nhất là kỳ họp của FED đã công bố tạm dừng nâng lãi suất để theo dõi thêm đã thúc đẩy sự hạ nhiệt của đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ. Cuối tuần qua, lợi suất TPCP Mỹ và chỉ số DXY quay đầu giảm mạnh và là yếu tố giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá trong nước. Điều này có thể cải thiện dư địa chính sách tiền tệ của NHNN trong những tháng cuối năm cũng như tâm lý của các nhà đầu tư không, theo các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
TTCK Mỹ tăng lại, lợi suất TPCP Mỹ và USDX giảm đã hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed vẫn còn duy trì và việc các Quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ vẫn đang có tỷ trọng tài sản lớn hàng đầu lịch sử cũng có thể thúc đẩy đồng đô la sớm tăng trở lại, nên ở một mặt nào đó vẫn góp phần ngăn cản đà tăng của TTCK trong lúc này.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Trong cuộc họp tháng 09, Fed cũng có đề cập sẽ có thêm 1 lần tăng lãi suất trong năm 2023, như vậy rất có khả năng Fed sẽ có đợt tăng thêm lãi suất trong cuộc họp tháng 12, cho nên NHNN có thể sẽ vẫn duy trì mức lãi suất hiện nay thay vì việc giảm lãi suất tiếp.
Tuy nhiên, nếu tình hình lạm phát tiếp tục giảm mạnh thì Fed có thể không tăng lãi suất. Nhìn chung, chỉ số USD và lợi suất trái phiếu giảm mạnh cũng đã làm giảm áp lực ngắn hạn cho chính sách tiền tệ hiện nay và giải tỏa tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Việc ổn định tỷ giá là một phần quan trọng trong ổn định vĩ mô. Việc FED dừng tăng lãi suất cũng phát tín hiệu căng thẳng tỷ giá tạm thời hạ nhiệt, vì vậy Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong chính sách điều hành tiền tệ các tháng cuối năm. Đây cũng là thông tin tích cực với hoạt động chứng khoán giúp thị trường có niềm tin nhiều hơn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo Hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Chính sách tiền tệ của Việt Nam thực tế đã hết, dư địa lớn nhất là chính sách tài khóa và chúng ta chỉ trông cậy vào nhóm này đến cuối năm. Mặc dù FED không tăng lãi suất nhưng họ vẫn giữ nó ở mức cao thì áp lực có thể chỉ là chững lại.
Vấn đề hiện tại tôi quan tâm không chỉ là FED tăng lãi suất nữa hay không mà còn đánh giá đến tình hình kinh tế thế giới và các nước lớn. Việt Nam mở cửa 100% với thế giới bên ngoài và đang chịu tác động rất lớn, do đó đây mới là điều nên quan tâm.
Về nhóm cổ phiếu, khá nhiều cổ phiếu đã có mức chiết khấu cao kể từ vùng đỉnh tháng 9, trong đó có nhóm chứng khoán. Định giá của nhóm ngành chứng khoán đã về vùng tương đối hấp dẫn khi có mức P/B dưới trung bình 3 năm. Việc thị giá đã giảm về vùng hỗ trợ trong khi triển vọng kinh doanh tích cực trong trung và dài hạn có giúp nhóm chứng khoán bật lên trong thời gian tới?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
TTCK phục hồi thì cổ phiếu ngành tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng sẽ được hỗ trợ nên xu hướng dần tích cực với nhóm này nhưng sẽ nghiêng về trung dài hạn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Về cơ bản thì nhiều cổ phiếu đã có mức định giá hấp dẫn trong bối cảnh kết quả kinh doanh đã có dấu hiệu khả quan hơn mặc dù đà hồi phục diễn ra chậm. Đồng thời, P/B của nhóm chứng khoán ở mức 1.3x cho thấy định giá của nhóm chứng khoán cũng đang hấp dẫn, trong bối cảnh thanh khoản thị trường được kỳ vọng sẽ cải thiện trong ngắn hạn cho nên tôi kỳ vọng nhóm chứng khoán cũng sẽ có nhịp sóng tăng trong giai đoạn này.
Về trung hạn, nhóm chứng khoán sẽ không có quá nhiều dư địa khi rủi ro địa chính trị cùng với áp lực tăng lãi suất từ Fed vẫn còn. Về dài hạn, nhóm cổ phiếu này được kỳ vọng với sự tăng trưởng từ câu chuyện KRX và nâng hạng thị trường trong năm 2024-2025.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Nhóm chứng khoán vẫn nhạy nhất so với thị trường. Vừa qua nhóm cổ phiếu chứng khoán đã điều chỉnh tương đối sâu từ 2 - 30% so với đỉnh trong bối cảnh hoạt động kinh doanh 9 tháng đã có nhiều điểm sáng so với cùng kỳ. Hiện tại, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không quá rẻ nhưng ở vùng giá hiện tại đã cân bằng hơn và có thể tạo thêm các đợt sóng mới trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo Hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Tôi lại nhìn ngược lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng quá nóng và quá đắt so với thực tế. Do đó, dù có chiết khấu thì giá này vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Đặc biệt, trong quý iV thanh khoản sụt giảm tác động đáng kể đến doanh thu.
Một yếu tố nhà đầu tư kỳ vọng là hệ thống KRX hoạt động nhưng trong báo cáo gần đây tổ chức FTSE cho rằng KRX chỉ là 1 cấu phần và nó chưa phải là yếu tố quyết định nâng hạng. Có thể KRX tạo thêm sân chơi cho nhà đầu tư nhưng việc nhà đầu tư cứ Trading liên tục và doanh thu các CTCK tăng cao thì nhà đầu tư ngày càng cạn vốn. Chưa nói đến mảng tự doanh vốn phụ thuộc nhiều vào TTCK và có thể có công ty chịu lỗ lớn nếu không thoát kịp hàng.
Thực tế việc chọn cổ phiếu nào luôn quan trọng hơn việc đoán kịch bản đáy sẽ ra sao, vậy đâu là nhóm cổ phiếu đáng lựa chọn lúc này?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Không thể có công thức làm giàu chung cho tất cả mọi người. Vì thế, không thể có lời khuyên chung cho tất cả nhà đầu tư được trừ khi đó là lừa đảo.
Do mỗi nhà đầu tư có vị thế, độ chịu đựng rủi ro, nhu cầu hay vốn đều rất khác nhau, nên với nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền cao, không margin có ý định đầu tư trung hạn trở lên có thể tích lũy những cổ phiếu nền tảng và hạn chế đầu tư những cổ phiếu có yếu tố đầu cơ. Còn nhà đầu tư thích lướt sóng ngắn hạn, còn tiền và không margin có thể ưu tiên hàng có sẵn để lướt sóng với tỷ trọng vừa phải nhưng phải có khả năng kiểm soát rủi ro tốt. Những nhà đầu tư full margin, full hàng thì nên tranh thủ tái cơ cấu khi thị trường tăng điểm.
Những nhóm cổ phiếu tiềm năng (chỉ phù hợp có nhà đầu tư trung hạn trở lên): năng lượng (trừ nhiên liệu hóa thạch) tập trung nhóm năng lượng xanh, vận tải tập trung nhóm vận tải hàng không, hàng tiêu dùng, công nghệ và bất động sản.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi ưa thích nhóm cổ phiếu bất động sản với định giá thấp và kỳ vọng thanh khoản thị trường bất động sản sẽ hồi phục. Đồng thời, nhóm chứng khoán và dầu khí với đà tăng trưởng thật.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Tôi cho rằng nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn hấp dẫn nhất hiện tại nhờ cổ phiếu chạy theo sự hồi phục thị trường và nhóm ngành chứng khoán cũng tăng trưởng tốt trong năm nay. Bên cạnh đó một số nhóm cổ phiếu các ngành khác như ngân hàng, bất động sản, thép, hóa chất cũng đáng quan tâm trong giai đoạn hiện tại. Sẽ có ít ngành chọn lựa trong giai đoạn hiện tại vì vậy việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư cũng là bài toán khó với nhà đầu tư.