Góc nhìn chuyên gia: Hiện trạng giới trẻ dùng chatbot AI để giải tỏa tâm lý

'Tôi không biết chia sẻ với ai. Nói với bố mẹ thì bị cho là 'suy nghĩ vớ vẩn'. Bạn bè thì cũng có nỗi lo riêng. Nên tôi nói với... ChatGPT'.

Một khảo sát của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy, trong số 3.400 trẻ vị thành niên ở các đô thị phía nam có khoảng 37% (tương đương 1.289 em) có nguy cơ tự hủy hoại bản thân, trong đó 6,1% (213 em) từng cố ý tự gây thương tích từ 1 - 4 lần/năm. Gần đây nhất, 3 vụ việc thương tâm xảy ra liên tiếp tại một trung tâm thương mại ở TP.HCM khiến dư luận xã hội xôn xao.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu về hành vi sức khỏe tâm thần học sinh Việt Nam cho thấy gần 18% học sinh THPT từng có ý định tự tử và 16,31% thường xuyên cảm thấy cô đơn. Đáng chú ý, chỉ 8,4% trong số các em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần đã tiếp cận được dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn, và chỉ 5,1% phụ huynh nhận thấy con mình cần hỗ trợ về vấn đề cảm xúc và hành vi - mặc dù có đến 21,7% thanh thiếu niên đã trải qua vấn đề sức khỏe tâm thần trong cùng thời kỳ.

Tại Việt Nam, việc giới trẻ tìm đến chatbot AI để chia sẻ tâm sự đang trở thành một xu hướng đáng chú ý, phản ánh nhu cầu được lắng nghe và hỗ trợ trong bối cảnh thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

ThS Võ Thị Mỹ Duyên (bên trái) chia sẻ về ứng dụng của AI đối với giáo viên, giảng viên theo Nghị quyết 57-NQ/TW

ThS Võ Thị Mỹ Duyên (bên trái) chia sẻ về ứng dụng của AI đối với giáo viên, giảng viên theo Nghị quyết 57-NQ/TW

Là một trong những chuyên gia đào tạo ứng dụng AI tạo sinh và từng chia sẻ cho hơn 200.000 học sinh, sinh viên Việt Nam, đồng thời cũng là đại sứ Talent Generation thuộc UNESCO Văn hóa Giáo dục và Đào tạo (UNESCO-CEP), ThS Quản lý Giáo dục Võ Thị Mỹ Duyên đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Xu hướng tìm đến chatbot AI để giải tỏa tâm lý

Là người gần gũi và tiếp xúc nhiều với các bạn học sinh, sinh viên, đồng thời cũng là người chuyên đào tạo về ứng dụng AI tạo sinh, ThS Võ Thị Mỹ Duyên liệu có bất ngờ với những con số kết quả từ nghiên cứu trên? Chị đánh giá như thế nào về trào lưu sử dụng chatbot AI để giải quyết các vấn đề về tâm lý của giới trẻ hiện nay?

- ThS Võ Thị Mỹ Duyên: Những người làm công tác giáo dục, đào tạo và cập nhật những kỹ năng của thời đại như chúng tôi hoàn toàn không xa lạ gì với thực trạng này, bởi các dấu hiệu đã hiện diện rất rõ ràng trong suốt những năm gần đây. Có 3 vấn đề chính khi nói đến tâm lý của giới trẻ hiện nay.

Các vấn đề tâm lý không còn là “chuyện người lớn”: Trẻ em ngày nay chịu áp lực từ quá nhiều phía: thành tích học tập, kỳ vọng gia đình, mạng xã hội, so sánh bạn bè, và đặc biệt là nỗi cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Những căng thẳng âm thầm tích tụ mà không được giải tỏa trở thành mầm mống của trầm cảm, rối loạn lo âu, hoặc các hành vi tiêu cực.

Phụ huynh, giáo viên hay người lớn nói chung vẫn còn xem nhẹ yếu tố tâm lý hơn sinh lý trong sự phát triển của trẻ và đánh giá trẻ chỉ qua điểm số, hành vi, mà chưa quan tâm đủ đến cảm xúc, động lực nội tại hay trạng thái tâm lý sâu xa. Nhiều phụ huynh chưa từng tham gia một buổi tư vấn hoặc đào tạo nào liên quan đến tâm lý trẻ em, điều này cho thấy khoảng trống rất lớn trong nhận thức và hành động.

Đa số các hoạt động hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường ở nhiều trường học vẫn đang hoạt động ở mức độ hình thức. Trong khi đó, việc tiếp cận chuyên gia tâm lý bên ngoài lại gặp rào cản về chi phí (khoảng 700.000 - 1.500.000 đồng/buổi tư vấn), thời gian và cả sự e ngại.

Chính vì vậy, các bạn trẻ tìm đến chatbot AI như ChatGPT, Replika hay các AI tạo sinh khác để được lắng nghe. Dù chatbot không hoàn toàn thay thế được con người, nhưng ít nhất ở thời điểm sử dụng, nó biết lắng nghe và không phán xét. Thậm chí nhiều chatbot còn đưa ra những phản hồi vô cùng hữu ích, kịp thời. Điều quan trọng là việc sử dụng những công cụ này luôn tồn tại những rủi ro và vấn đề đặt ra là làm sao để kiểm soát chúng một cách hiệu quả.

Cảnh báo về vấn đề lạm dụng AI ở trẻ

Tại sao giới trẻ lại tin tưởng vào AI thay vì tìm kiếm sự hỗ trợ của bạn bè hay chuyên gia? Liệu đây có là giải pháp phù hợp? Và liệu có những rủi ro cụ thể gì cho giới trẻ khi sử dụng các ứng dụng này?

- Giới trẻ hiện nay có xu hướng tin tưởng vào AI vì các em cảm thấy an toàn, không bị phán xét và có thể trò chuyện bất cứ lúc nào; không có khoảng cách thế hệ, không lo ngại bị lộ thông tin cá nhân cho người quen. Đồng thời, AI phản hồi ngay lập tức, phù hợp với thói quen tương tác nhanh và liên tục của thế hệ trẻ, sẵn sàng trò chuyện 24/7 - điều mà ít chuyên gia nào làm được. Thêm vào đó, thế hệ Z và Alpha lớn lên cùng công nghệ, nên việc nói chuyện với chatbot trở nên rất tự nhiên, thậm chí dễ dàng hơn so với việc giao tiếp bằng lời nói hay chia sẻ với con người thật.

Tuy nhiên, AI chỉ nên được xem là công cụ hỗ trợ bước đầu. Trong những trường hợp căng thẳng học tập, lo âu nhẹ hay cần lời khuyên nhanh, AI có thể đóng vai trò tích cực. Nhưng với các vấn đề nghiêm trọng hơn như trầm cảm, sang chấn tâm lý hay ý nghĩ tự hại, AI hoàn toàn không thể thay thế vai trò của chuyên gia tâm lý. Các chatbot hiện nay vẫn còn hạn chế trong việc thấu hiểu ngữ cảnh sâu, sắc thái cảm xúc và đôi khi đưa ra phản hồi máy móc, thiếu tinh tế.

Rủi ro lớn nhất là trẻ có thể hiểu sai lời khuyên của chatbot, hoặc lệ thuộc vào nó thay vì học cách giao tiếp với người thật. Việc lạm dụng AI thay cho con người trong các vấn đề về cảm xúc có thể khiến giới trẻ ngày càng xa rời tương tác xã hội thực tế, làm mỏng đi kỹ năng kết nối và đồng cảm - những năng lực cốt lõi của một con người. Ngoài ra, một số nền tảng AI không đảm bảo kiểm duyệt nội dung kỹ lưỡng, dẫn đến việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc thậm chí nguy hiểm. Bảo mật dữ liệu cá nhân cũng là điều đáng lo ngại, khi trẻ có thể chia sẻ thông tin nhạy cảm mà không biết rõ ai đang lưu trữ và sử dụng những dữ liệu đó.

Theo chuyên gia, các vấn đề về tâm lý và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên hiện nay ở nước ta đã được quan tâm đúng mức chưa? Nên chăng chúng ta cần đưa tham vấn tâm lý trở thành một yêu cầu bắt buộc định kỳ trong học đường? Nếu như vậy thì chatbot AI sẽ hỗ trợ được gì?

- Thẳng thắn mà nói, vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên ở nước ta hiện vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ và hệ thống. Trong khi áp lực học tập, mối quan hệ xã hội, và các biến động gia đình ngày càng ảnh hưởng mạnh đến tâm lý các em, thì hệ thống hỗ trợ vẫn còn thiếu về nhân lực, chưa đồng bộ về cơ chế và còn khá nặng về hình thức. Nhiều trường học có phòng tư vấn tâm lý nhưng không có chuyên viên tâm lý chuyên nghiệp hoặc chỉ hoạt động mang tính đối phó. Ngân sách cho hoạt động tư vấn tâm lý học đường hiện nay mới chỉ ở mức thử nghiệm, nhỏ lẻ, nếu so với các khoản đầu tư cho cơ sở vật chất, thể thao hay thành tích học thuật thì còn rất khiêm tốn.

Song song với việc nhấn mạnh vai trò của giáo dục cảm xúc xã hội (SEL) - một mô hình đang được OECD và UNESCO thúc đẩy, giúp học sinh nhận diện cảm xúc, xây dựng khả năng tự điều chỉnh và gắn kết xã hội, tôi cho rằng đã đến lúc cần xem việc tham vấn tâm lý không chỉ là một biện pháp hỗ trợ khi có sự cố, mà phải là một phần bắt buộc và định kỳ trong môi trường học đường - giống như khám sức khỏe thể chất vậy. Việc được tiếp cận với chuyên viên tâm lý theo chu kỳ rõ ràng sẽ giúp học sinh, sinh viên có cơ hội được lắng nghe, can thiệp sớm và hình thành kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe tinh thần, thay vì chỉ được xử lý khi tình huống đã trở nên nghiêm trọng.

Chatbot ngày càng được trở nên phổ biến với giới trẻ - Ảnh: The Verge

Chatbot ngày càng được trở nên phổ biến với giới trẻ - Ảnh: The Verge

Ở nhiều quốc gia như Phần Lan hay Canada, tham vấn tâm lý học đường và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên được xem là quy định bắt buộc, gắn liền với khung chương trình giáo dục quốc gia. So sánh với các thông số như tỷ lệ học sinh có dấu hiệu trầm cảm, hành vi tự hại, rối loạn cảm xúc… tại Việt Nam đang có xu hướng tăng ở lứa tuổi 13 - 18, hoàn toàn có cơ sở để nghiên cứu và từng bước đưa tham vấn tâm lý trở thành nội dung chính thức trong chương trình giáo dục.

Tuy nhiên, việc triển khai cần được làm bài bản, không thể nóng vội, bởi nếu không có đội ngũ chuyên gia tâm lý học đường được đào tạo chính quy, việc đưa vào chương trình có thể phản tác dụng.

Trong bối cảnh nguồn lực tư vấn tâm lý còn thiếu, chatbot AI có thể đóng vai trò như một “trạm dừng kỹ thuật số” - nơi học sinh có thể chia sẻ ban đầu, ghi nhận cảm xúc, và được hướng dẫn những bước cơ bản trước khi gặp chuyên viên thật sự. AI có thể hỗ trợ sàng lọc ban đầu, giúp nhận diện các dấu hiệu bất ổn tâm lý ở mức độ nhẹ đến trung bình, từ đó giúp nhà trường và chuyên viên chủ động hơn trong việc theo dõi và can thiệp.

Tuy nhiên, chatbot chỉ là công cụ hỗ trợ, chưa thể thay thế sự hiện diện và phán đoán tinh tế của con người. Nếu triển khai đồng bộ, với sự phối hợp giữa AI và chuyên gia tâm lý, chúng ta có thể xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ sức khỏe tinh thần học đường vừa linh hoạt, vừa hiệu quả, đảm bảo chi phí hợp lý và mang tính nhân văn hơn.

AI thiếu khả năng thấu cảm thực sự, không thể thay thế chuyên gia tâm lý

Liệu chatbot AI có thể thay thế vai trò của các chuyên gia tư vấn tâm lý hay không? Và làm thế nào để đảm bảo rằng thông tin mà chatbot AI cung cấp cho trẻ là chính xác, an toàn? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu trẻ em gặp phải vấn đề tâm lý nghiêm trọng sau khi sử dụng chatbot AI?

- Bản thân tôi cho rằng chatbot AI hiện nay chưa thể thay thế hoàn toàn vai trò của các chuyên gia tư vấn tâm lý - và cũng không nên kỳ vọng như vậy. AI hiện tại thiếu khả năng thấu cảm thực sự mà chỉ phản hồi dựa trên dữ liệu được huấn luyện, đồng nghĩa với việc AI không thể xử lý những tình huống khẩn cấp hoặc quá phức tạp. Quan trọng nhất là trách nhiệm nghề nghiệp, các chuẩn mực đạo đức, luật pháp là điều AI không thể gánh vác.

Để đảm bảo thông tin chatbot cung cấp là chính xác và an toàn, cần có một quy trình kiểm duyệt chặt chẽ từ các chuyên gia tâm lý trong khâu xây dựng kịch bản và huấn luyện mô hình riêng biệt. Ngoài ra, việc huấn luyện cho các chatbot trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần phải tuân thủ các chuẩn đạo đức và pháp lý rõ ràng. Một số quốc gia đang thí điểm cấp phép cho chatbot AI trong tư vấn tâm lý như một “công cụ y tế” với cơ chế kiểm định tương tự như phần mềm y tế, điều này có thể là gợi ý cho Việt Nam trong thời gian tới.

Về trách nhiệm, nếu trẻ gặp phải vấn đề tâm lý nghiêm trọng sau khi sử dụng chatbot AI, thì cần xem xét rõ ràng vai trò của các bên: đơn vị phát triển AI, đơn vị triển khai (trường học, tổ chức xã hội…) và người giám hộ. Trong bối cảnh hiện tại, AI chỉ nên được sử dụng như một công cụ bổ trợ dưới sự giám sát của con người. Do đó, trách nhiệm chính vẫn thuộc về đơn vị triển khai và quản lý, chứ không thể đổ hoàn toàn cho công nghệ. Quan trọng nhất là xây dựng được một hành lang pháp lý đầy đủ để bảo vệ trẻ em trong môi trường số, đặc biệt khi AI ngày càng can thiệp sâu vào đời sống tinh thần của các em.

Có thể thấy vấn đề tâm lý luôn xuất hiện ở nhiều độ tuổi, vậy làm thế nào để đảm bảo rằng chatbot AI phù hợp với các đặc điểm tâm lý và độ tuổi của trẻ khi sử dụng? Liệu việc sử dụng chatbot AI có thể làm giảm sự kỳ thị về việc tìm kiếm sự giúp đỡ tâm lý đối với trẻ em không? Đâu là tương lai của việc sử dụng chatbot AI trong lĩnh vực tư vấn tâm lý cho trẻ em?

Việc đảm bảo rằng chatbot AI phù hợp với đặc điểm tâm lý và độ tuổi của trẻ đòi hỏi một quá trình phát triển công nghệ rất cẩn trọng, dựa trên nghiên cứu liên ngành giữa tâm lý học phát triển, giáo dục và công nghệ. Các nhà phát triển cần tích hợp nguyên tắc phân tầng nội dung theo độ tuổi, sử dụng ngôn ngữ đơn giản, thân thiện và tạo ra các kịch bản tương tác phù hợp với mức độ nhận thức, cảm xúc và kỹ năng giao tiếp của từng nhóm tuổi.

Ngoài ra, hệ thống nên được hiệu chỉnh dựa trên dữ liệu thật từ chuyên gia tâm lý trẻ em, được kiểm định bởi hội đồng đạo đức và các cơ quan chuyên môn. Một số chatbot tiên tiến đã bắt đầu áp dụng kỹ thuật học sâu có hướng dẫn từ chuyên gia để mô phỏng phản hồi gần giống chuyên gia trị liệu trong một số tình huống thông thường, nhưng vẫn cần có giới hạn sử dụng rõ ràng, đặc biệt với trẻ dưới 13 tuổi.

Về mặt xã hội, chatbot AI hoàn toàn có tiềm năng làm giảm sự kỳ thị quanh việc tìm kiếm hỗ trợ tâm lý. Nhiều trẻ em e ngại bị đánh giá hoặc không muốn chia sẻ với người lớn. Chatbot có thể trở thành “kênh an toàn” để trẻ bắt đầu nói ra suy nghĩ của mình mà không lo bị phán xét. Đó là một bước đệm quan trọng để trẻ có thể chuyển tiếp dần sang sự trợ giúp từ con người khi cần.

Tương lai của chatbot AI trong tư vấn tâm lý cho trẻ em nằm ở việc đồng hành chứ không thay thế. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cảm xúc (Affective AI), công nghệ có thể nhận biết giọng điệu, biểu cảm và cảm xúc qua văn bản hoặc âm thanh, từ đó phản hồi tinh tế hơn. AI có thể được dùng như một “bộ lọc ban đầu”, giúp sàng lọc và xác định sớm các nguy cơ rối loạn, sau đó chuyển tiếp trẻ đến chuyên gia phù hợp. Điều quan trọng là, công nghệ này phải đi kèm với giám sát chuyên môn, quy định đạo đức rõ ràng và sự đồng thuận của phụ huynh.

Cảm ơn những chia sẻ hữu ích từ chị!

Bùi Thu Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/goc-nhin-chuyen-gia-hien-trang-gioi-tre-dung-chatbot-ai-de-giai-toa-tam-ly-232064.html