Góc nhìn chuyên gia: Ứng xử với thuế quan Mỹ, doanh nghiệp không 'đối kháng', chủ động 'đối ứng'
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị các nhà đầu tư cần thận trọng khi tiếp cận vàng, chứng khoán và bất động sản trong bối cảnh biến động. Thay vì đầu tư cảm tính, cần chú trọng chiến lược phòng thủ và đảm bảo thanh khoản.

Góc nhìn chuyên gia: Ứng xử với thuế quan Mỹ, doanh nghiệp không 'đối kháng', chủ động 'đối ứng'. (Nguồn: Bloomberg)
Đối ứng, không đối kháng
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tất Thịnh, Cố vấn Viện Doanh Trí chia sẻ: “Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp cần giữ tâm thế bình tĩnh, không “đối kháng” mà phải chủ động “đối ứng”. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại nội lực, tái cấu trúc lại thị trường và sản phẩm.”
Viện Doanh Trí phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) CEO 1983 và Công ty cổ phần Đào tạo nhân lực DGroup tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Mỹ áp thuế 46% - Góc nhìn chuyên gia”. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp, các chuyên gia và các cơ quan báo chí, truyền thông.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp tập trung phân tích tác động của chính sách thuế mới từ Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và gợi mở những giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả với những diễn biến “nhanh và khó lường” như hiện nay.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính & bất động sản toàn cầu cho rằng: “Mỹ áp thuế 46% là động thái chưa từng có tiền lệ. Nếu không đạt được thỏa thuận trong thời gian tới, Việt Nam có thể đối diện với nguy cơ dư thừa hàng hóa và tăng trưởng chững lại”.
Ông cũng giải thích về sự nhầm lẫn từ cựu Tổng thống Donald Trump về “thuế 90%”, thực chất là mức thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam trong năm 2024.
Về thị trường tài chính, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị các nhà đầu tư cần thận trọng khi tiếp cận vàng, chứng khoán và bất động sản trong bối cảnh biến động. Thay vì đầu tư cảm tính, cần chú trọng chiến lược phòng thủ và đảm bảo thanh khoản.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thích nghi hay bị “bỏ lại phía sau”?
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm phần lớn trong cơ cấu xuất khẩu, các chuyên gia nhấn mạnh việc đa dạng hóa thị trường, ứng dụng công nghệ số và kiểm soát chi phí là những yếu tố sống còn. Đặc biệt, nâng cao khả năng tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế sẽ là yếu tố quyết định khả năng tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ và EU.
CEO Lê Dung, Viện trưởng Viện Doanh Trí, Chủ tịch CLB CEO 1983 cho biết, “Việc liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, để cùng nhau vượt qua những thách thức tại thời điểm này, cũng như trong những năm tiếp theo. Các tổ chức như HanoiBA, Hanoisme, HNEW và các liên minh doanh nhân như CLB CEO 1983 sẽ tạo nền tảng phát triển bền vững”.
"Với vai trò và sứ mệnh của mình, Viện Doanh Trí sẽ tiếp tục có các chương trình hành động thiết thực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu các nguồn lực và ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường", CEO Lê Dung khẳng định.
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng mức thuế 46% mà Mỹ dự kiến áp lên hàng hóa Việt Nam là rất cao, đặt Việt Nam vào nhóm chịu tác động mạnh nhất bên cạnh Trung Quốc và một số quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng nói là thời gian áp dụng quá ngắn, khiến doanh nghiệp “không kịp trở tay”, thậm chí nhiều doanh nghiệp có nguy cơ “chết ngay”.
Từ góc độ chính trị và đối ngoại, ông Vinh nhìn nhận thuế quan đang được Mỹ sử dụng như một công cụ kinh tế, thương mại và chính trị tổng hợp, đặc biệt dưới thời ông Trump.
“Cuộc chơi thuế quan là do ông Trump cầm trịch”, ông nói và nhấn mạnh Việt Nam buộc phải chủ động thích ứng, tìm cách đàm phán và đưa ra “chào hàng” đủ sức nặng để Mỹ có thể xem xét lại quyết định.
Theo ông Vinh, Việt Nam nên đưa ra gói đề xuất tổng thể, mang tính biểu tượng, có thể bao gồm việc sẵn sàng đưa thuế nhập khẩu hàng Mỹ về 0%, xử lý một số rào cản phi thuế quan và tăng cường mua hàng hóa mang tính biểu tượng từ Mỹ.
“Thông điệp gửi đi phải đủ mạnh, cụ thể và đo đếm được”, ông Vinh nhấn mạnh.
Trưa 9/4 (giờ Mỹ), tức khoảng nửa ngày sau khi thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump khởi xướng áp với 180 đối tác thương mại có hiệu lực, ông Trump bất ngờ "quay xe" thông báo giảm thuế đối ứng còn 10%, hoãn thi hành 90 ngày nhưng chỉ với một số nước "không trả đũa", riêng Trung Quốc bị tăng thuế lên 125%.
Ông Vinh cũng phân tích ba khả năng có thể xảy ra trong tương lai gần: Mỹ giảm mức thuế, hoãn thời điểm áp dụng hoặc lùi thời hạn để có thêm thời gian thương lượng. Dù khả năng giảm thuế rất khó xảy ra trong vài ngày tới, ông kỳ vọng nếu thông điệp của Việt Nam đủ thiện chí và thuyết phục, Mỹ có thể cân nhắc lùi thời điểm áp dụng để tạo dư địa cho đối thoại.
Cuối cùng, ông Vinh nhấn mạnh vai trò của Chính phủ, các bộ ngành và hiệp hội doanh nghiệp trong việc chủ động đối thoại với phía Mỹ, nhất là khi cuộc điện đàm gần đây và các động thái từ phía Mỹ cũng hé lộ những tín hiệu tích cực ban đầu.
Ông kỳ vọng trong giai đoạn tới, đặc biệt trước kỳ bầu cử giữa kỳ 2026 tại Mỹ, sẽ có thêm cơ hội để Việt Nam và Mỹ tìm được tiếng nói chung, ông Phạm Quang Vinh chia sẻ thêm.