GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: BỔ SUNG CĂN CỨ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CẤP THẺ CĂN CƯỚC CHO TRẺ DƯỚI 14 TUỔI

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm, góp ý kiến của đại biểu hoàn thiện Dự thảo Luật Căn cước là quy định về độ tuổi cấp thẻ căn cước. Nhiều đại biểu đồng tình với quy định về cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi như dự thảo luật; cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để có căn cứ thực tiễn và khoa học cấp thể; cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc cấp thẻ căn cước cho trẻ từ 6 tuổi.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước.

Khoản 2 Điều 20 về người được cấp thẻ căn cước quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”. Đa số đại biểu nhận thấy sự cần thiết cấp thẻ căn cước cho trẻ em, nhưng độ tuổi nào cấp thẻ nhận được nhiều ý kiến góp ý khác nhau.

Đồng tình bổ sung quy định này vào dự thảo luật, đại biểu Vũ Huy Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay nhu cầu đi máy bay, sinh hoạt trong nước, trại hè, du lịch… của người dưới 14 tuổi đều cần có giấy khai sinh. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, góp phần giảm việc cá nhân phải mang theo nhiều giấy tờ khi ra ngoài.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ của người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước công dân đã cấp cho họ, vì theo quy định của Bộ Luật dân sự, người dưới 14 tuổi chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa thể tự mình thực hiện một số giao dịch dân sự mà phải thông qua người giám hộ.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc tiếp thu giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân tích, đánh giá tác dụng của việc bổ sung quy định về cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi; tính toán chi phí, ngân sách nhà nước đảm bảo cho việc triển khai luật cho thấy: ước tính số tiền nhà nước bảo ra cho một số loại giấy tờ liên quan (sổ tiêm chủng, sổ khám chữa bệnh, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ học sinh…) đối với 19 triệu công dân dưới 14 tuổi là khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí sản xuất mỗi thẻ căn cước là 48.000; chi phí sản xuất thẻ căn cước cho các công dân dưới 14 tuổi (trường hợp tất cả 19 triệu người dưới 14 tuổi đều có nhu cầu cấp) là khoảng hơn 900 tỷ đồng. Chi phí cấp đổi, cấp lại cho người dưới 14 tuổi nếu bị mất, đổi theo nhu cầu do công dân thanh toán, không tốn ngân sách nhà nước.

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Có quan điểm khác với nội dung trình tại dự thảo luật, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lứa tuổi cấp căn cước, bởi trẻ em từ 0-1 tuổi, từ 1-13 tuổi thay đổi nhân dạng rất nhanh nên cần đánh giá tác động, giải trình cụ thể vì sao dưới 14 tuổi cấp thẻ theo yêu cầu. Đại biểu cho biết, qua nghiên cứu một số nước trên thế giới, mỗi nước có quy định khác nhau về độ tuổi bắt buộc phải có căn cước công dân đối với trẻ em, như tại Đức dưới 16 tuổi có thể làm CCCD nếu muốn; tại Singapore là đủ 15 tuổi; Trung Quốc đủ 16 tuổi; Malaysia trẻ em đủ 12 tuổi; Hà Lan Trẻ em từ đủ 12 tuổi (có giám hộ, có xác nhận của phụ huynh).

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Tráng A Dương, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, công dân dưới 14 tuổi không thể tự mình thực hiện giao dịch dân sự, vẫn phải thông qua cha mẹ, hoặc người giám hộ, trong quá trình giao dịch vẫn phải dùng giấy khai sinh.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, tại Điều 22 dự thảo Luật Căn cước về độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước, quy định: “Người đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Trường hợp thẻ căn cước được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước độ tuổi phải đổi thẻ căn cước theo quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo”.

Đại biểu đề nghị tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế cũng như các nghiên cứu khoa học về sinh học con người để có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn cho các quy định tại khoản 2, Điều 20 về độ tuổi cấp thẻ và khoản 1, Điều 22 về độ tuổi cấp đổi thẻ. Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, thông thường, một người sẽ có đầy đủ gương mặt của người trưởng thành ở 18 hoặc 20 tuổi. Nếu kéo dài đến 25 tuổi, thì trong khoảng thời gian học đại học, đi công tác… người đó vẫn sử dụng căn cước được cấp lần đầu với gương mặt rất trẻ (14 tuổi); có thể sẽ không chính xác.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu nêu kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới, trong đó Liên bang Nga cấp lần đầu ở tuổi đủ 14, lần 2 ở tuổi 20 và lần 3 ở 45 tuổi: Tại Venezuela cấp cho trẻ em từ đủ 10 tuổi, cấp lại mỗi 10 năm; Belarus cấp lần đầu khi đủ 14 tuổi; và cấp lại sau mỗi 10 năm; Brunei cấp bắt buộc cho trẻ em từ 12 tuổi; tại Bỉ, trẻ em từ 12 tuổi bắt đầu được cấp; bắt buộc từ 15 tuổi; Colombia, trẻ em được cấp khi đủ 14 tuổi nhưng không bắt buộc; đến 18 tuổi cấp bắt buộc, và có giá trị mỗi 10 năm…

Trên cơ sở kinh nghiệm của các nước, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định cấp lần đầu bắt buộc từ sau khi đủ 14 tuổi; cấp lại lần 2 ở 18 hoặc muộn nhất 20 tuổi; lần 3 ở 40 tuổi và lần 4 ở 60 tuổi.

Cùng quan điểm này, đại biểu Ngô Đông Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đồng tình với sự cần thiết cấp thẻ cho trẻ dưới 14 tuổi như dự thảo luật, nhưng cần đặt vấn đề xác định thời hạn bắt bộc phải cấp đổi cho phù hợp với sự thay đổi về hình dạng theo từng lứa tuổi.

Đề xuất cấp thẻ căn cước cho trẻ từ 6 tuổi theo nhu cầu, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, tại điểm a, khoản 1 Điều 24 dự thảo luật quy định trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước “đối với người dưới 6 tuổi không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học”. Trong khi đó tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật quy định: Căn cước công dân là thông tin về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của người”; khoản 2, điều 3 dự thảo luật về giải thích từ ngữ quy định "nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác". Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, mống mắt, vân tay, ADN, giọng nói theo điểm b, khoản 2, Điều 24 dự thảo luật. Như vậy, quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 24 "đối với người dưới 6 tuổi không thu nhận đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học". Đại biểu cho rằng, quy định như vậy tức là với người dưới 6 tuổi chỉ còn thông tin về nhân thân và lai lịch, không khác gì thông tin trên giấy khai sinh.

Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Bên cạnh đặc điểm nhân dạng chưa ổn định, trẻ em mới sinh, trong cùng một thời điểm phải cấp đồng thời nhiều loại giấy tờ khác nhau như: mã định danh cá nhân, giấy khai sinh, căn cước dẫn đến việc gây lãng phí nguồn lực thực hiện, tăng chi phí mỗi lần cấp, đổi thẻ, và tăng ngân sách nhà nước trong bộ máy tổ chức triển khai thực hiện việc cấp thẻ.

Theo đại biểu Vương Thị Hương, để đảm bảo tính khả thi, cũng như thống nhất với khoản 1 Điều 3 dự thảo luật quy định về căn cước công dân có thể xem xét quy định về độ tuổi cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 6 đến dưới 14 tuổi theo nhu cầu. Quy định như vậy. vừa đảm bảo tính khả thi, vừa đảm bảo quyền, lợi ích của công dân để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu thông qua cha mẹ, người giám hộ. Đồng thời, đề nghị quy định rõ trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi trong việc quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân của đối tượng này.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76969