GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐỀ XUẤT CÓ CHẾ TÀI XỬ LÝ DOANH NGHIỆP VI PHẠM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI CHO LAO ĐỘNG BẰNG XỬ LÝ HÌNH SỰ
Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH và lao động rút BHXH 1 lần, nhiều ĐBQH đề xuất có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm đóng bảo hiểm cho lao động không chỉ thông qua xử phạt hành chính mà bằng xử lý hình sự; rà soát, sửa đổi quy định số năm đóng và thời hạn rút BHXH 1 lần…
Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 06/6, Quốc hội thực hiện phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là vấn đề số lượng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng như tình trạng lao động xin rút bảo hiểm xã hội 1 lần gia tăng.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng kéo theo doanh thu sụt giảm nên đã nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, thậm chí cá biệt có doanh nghiệp trốn đóng. Về phía cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng cũng như sử dụng thiếu hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu để biết được doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội và lao động rút bảo hiểm xã hội.
Về lâu dài, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội; các nội dung về nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng cần được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 tới. Trong đó, sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, do dịch COVID-19 lan rộng, tình trạng lao động mất việc làm và rút bảo hiểm xã hội 1 lần đã ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội. Vấn đề này cũng đặt ra khi xem xét lại việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Có thể xử lý doanh nghiệp vi phạm đóng bảo hiểm xã hội cho lao động bằng xử lý hình sự
Thực trạng nhiều doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và người lao động xin rút bảo hiểm xã hội 1 lần gia tăng thì nguy cơ người lao động khó đảm bảo an sinh sau khi về hưu và hệ thống chính sách an sinh xã hội của chúng ta khó đảm đương được tính bền vững.
Bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH đã cho ý kiến vào việc khắc phục tình trạng daonh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm: Khi người lao động làm việc cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho họ thông qua trích một khoản từ tiền lương. Do vậy, việc doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, quyền lợi của người lao động khi xin nghỉ việc.
Để khắc phục tình trên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tham mưu với Chính phủ phải có những động thái quyết liệt để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại sau tác động bởi dịch bệnh COVID-19 bằng cách cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nguồn vốn, tạo quỹ đất cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… Những việc làm này vừa góp phần để cho doanh nghiệp có thêm đơn hàng duy trì và phát triển sản xuất. Còn về phía người lao động sẽ có thêm việc làm để ổn định cuộc sống, góp phần giảm tải tỷ lệ lao động thất nghiệp.
Ngoài ra, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần tham mưu với Chính phủ đề xuất có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm việc đóng bảo hiểm cho lao động không chỉ thông qua xử phạt hành chính mà phải bằng xử lý hình sự. Cơ quan chức năng cần thực hiện việc làm này để lấy đó làm hình thức răn đe cho doanh nghiệp khác không vi phạm.
Để hạn chế lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần gia tăng, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần có sự hỗ trợ kịp thời với người lao động khi các doanh nghiệp đóng cửa hoặc đình trệ sản xuất, kinh doanh.
Rà soát, sửa đổi quy định nâng số năm đóng và thời hạn rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Xung quanh việc doanh nghiệp chậm đóng hay trốn đóng bảo hiểm xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, một số giải pháp để khắc phục đã được đưa ra là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, người lao động lại rất khó hoặc không thể thanh tra, giám sát được việc doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội cho họ hay không. Như vậy, trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng, trước tiên là thuộc về cơ quan bảo hiểm xã hội và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có thể đôn đốc, theo dõi các doanh nghiệp thực hiện việc đóng bảo hiểm cho lao động.
Theo Nguyễn Thị Việt Nga, trên thực tế, chúng ta đã có đủ các chế tài để xử lý doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội cho lao động. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra có một phần là do việc sản xuất, kinh doanh, thu nhập của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều giải pháp như cho doanh nghiệp hoãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc doanh nghiệp nợ đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội cho lao động chủ yếu là do họ vẫn chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động mà chỉ chú trọng đến lợi nhuận thu được. Nếu tình trạng này còn diễn ra và là vấn đề nhức nhối thì chúng ta phải có giải pháp quyết liệt, mạnh tay trong công tác thanh tra để nâng chế tài xử phạt doanh nghiệp không thực hiện đúng quyền lợi cho lao động.
Về việc hạn chế doanh nghiệp rút bảo hiểm xã hội 1 lần, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm: Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay, người lao động có quyền rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Thực tế cho thấy, những người rút bảo hiểm xã hội 1 lần thường là công nhân, người nghèo, bị mất việc làm. Khi họ không còn bất kỳ một nguồn thu nhập nào khác để lo cho cuộc sống thì đành rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Mặc dù họ có thể nhận thức là việc làm này sẽ rất thiệt thòi về lâu dài nhưng vì không còn cách nào khác để ổn định cuộc sống trước mắt nên mới chọn con đường rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Để khắc phục tình trạng trên, theo Nguyễn Thị Việt Nga, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác truyền thông; rà soát, sửa đổi quy định nâng số năm đóng và thời hạn rút bảo hiểm xã hội 1 lần lên cũng như đưa ra quy định nếu lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần thì sẽ bị thiệt thòi rất nhiều. Như vậy, người lao động sẽ phải suy nghĩ lại là không rút nữa và tính toán đóng tiếp bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm hơn đến đời sống hiện tại của người lao động để họ yên tâm ổn định cuộc sống, không nghĩ tới rút bảo hiểm xã hội nữa./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76677