GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: HIỆN THỰC HÓA KẾT QUẢ KỲ HỌP THÔNG QUA TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã quyết định và thông qua nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội cho thấy, đây là cơ sở quan trọng góp phần thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan có liên quan cần sớm triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết được ban hành nhằm hiện thực hóa kết quả kỳ họp
Quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Về xem xét các vấn đề quan trọng, sau khi xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Quốc hội khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành chủ động, tích cực, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và kết quả tốt đẹp của hội nhập quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu với kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; ước cả năm 2023 có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.
Trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó yêu cầu: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước.
Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm. Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; khai thác hiệu quả cơ hội từ các quan hệ đối tác, hiệp định thương mại tự do, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó đã quyết nghị: Đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành.
Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31/12/2024; bổ sung 966,749 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho Dự án.
Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a, mục 1.1, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội
Đánh giá cao kết quả kỳ họp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cho rằng, Quốc hội đã tiến hành thảo luận rất kỹ lưỡng các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Nhận định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức tuy nhiên đại biểu Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam bày tỏ kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi tình hình thế giới được cải thiện, thuận lợi hơn; nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung, nhất là các giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
“Đây là một trong những động lực quan trọng để tiếp tục phấn đấu nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tôi tin rằng Quốc hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển kinh tế, tạo nhiều chuyển biến tích cực góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2023 và năm 2024.”, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội….
Đồng thời, làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới. Từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời tạo tiền đề thực hiện tốt Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Theo đại biểu, với việc Quốc hội thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024. Đặc biệt, việc Quốc hội quyết định mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 sẽ là cơ sở quan trọng để Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra. "Để sớm hiện thực hóa kết quả kỳ họp, các nghị quyết được Quốc hội thông qua cần sớm được Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiêm túc triển khai, đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống", đại biểu Trần Thị Thu Đông lưu ý.
Bày tỏ vui mừng trước những kết quả toàn diện của kỳ họp, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, thành công và kết quả của Kỳ họp thứ sáu trên tất cả lĩnh vực, trong đó có việc xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay đặc biệt là năm 2024 – là năm bản lề, đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ tin tưởng, Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6; vượt qua các khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, hoàn thành cao nhất các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82814