GÓC NHÌN: DẤU ẤN TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS. Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp về 'Dấu ấn trong hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội'.

Giám sát là việc Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội theo dõi, xem xét đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức cá nhân chịu sự giám sát trong việc thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Giám sát là một chức năng cơ bản, quyền đặc biệt của Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Hoạt động giám sát của Quốc hội xuất phát từ yêu cầu đảm bảo cho Hiến pháp, luật, Nghị quyết do Quốc hội ban hành được thực hiện trên thực tế, đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Quyền giám sát của Quốc hội mang tính quyền lực Nhà nước cao nhất. Quốc hội có thể tiến hành giám sát ở mức cao nhất hoạt động quản lý Nhà nước, đối với các đối tượng kể cả đối với những người giữ chức vụ cao nhất trong bộ máy Nhà nước. Hoạt động giám sát của Quốc hội mang tính tổng quát, bao trùm, mang tính định hướng nhất định đối với những vấn đề thuộc tầm vĩ mô, những vấn đề mà Nhân dân cả nước quan tâm. Khi tiến hành hoạt động giám sát Quốc hội có thể áp dụng những biện pháp mang tính quyền lực Nhà nước cao nhất để xử lý những vấn đề nảy sinh trong giám sát và trách nhiệm pháp lý đối với những người bị giám sát (kể cả việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hoặc miễn nhiệm, bãi nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm… đối với những người giữ chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước. Theo đó, thực hiện chức năng giám sát có quan hệ chặt chẽ, có vai trò đặc biệt đối với chức năng lập pháp và chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước được trao cho Quốc hội nói chung và từng đại biểu Quốc hội nói riêng.

Các hoạt động giám sát của Quốc hội.

Các hoạt động giám sát của Quốc hội.

Để thực hiện quyền giám sát một cách có hiệu quả, Quốc hội có thể thông qua nhiều phương thức thực hiện khác nhau trong đó có hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội. Có thể nói chất vấn là một hình thức giám sát có hiệu quả cao, để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động của đại biểu Quốc hội cũng như trong lòng cử tri và Nhân dân cả nước. Bài viết này đề cập đến hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó tập trung đi sâu giới thiệu về sự kế thừa, đổi mới và phát triển hoạt động giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu Quốc hội trong thời gian qua để ghi nhận kết quả nổi bật đã để lại dấu ấn trong hoạt động của người đại biểu dân cử, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm cho quá trình hoạt động tiếp theo của Quốc hội Việt Nam.

Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri của mình, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền.

Trên thế giới, các nước quan niệm chung về chất vấn như sau: chất vấn là yêu cầu của nghị sỹ đối với Thủ tướng hay các thành viên của Chính phủ ra trước phiên họp toàn thể để trả lời về việc thi hành chính sách quốc gia, hay một vấn đề hiện thời nào đó của quốc gia. Đây là hoạt động quyền lực mang tính giám sát, là quyền hiến định của đại biểu Quốc hội. Quyền chất vấn là quyền năng của nghị sỹ được sinh ra từ chức năng giám sát của Nghị viện. Cơ sở lý luận của quyền giám sát của Nghị viện chỉ có được trong chế độ đại nghị - Chế độ mà ở đó giám sát được sinh ra từ tính phải chịu trách nhiệm của hành pháp trước lập pháp. Chất vấn là một hình thức cơ bản của giám sát. So với các hình thức giám sát khác, thì chất vấn có nhiều ưu điểm hơn, cụ thể hơn, ngắn gọn hơn và chỉ rõ trách nhiệm của người bị chất vấn hơn.

Khác với quan niệm chung trên thế giới, ở nước ta, Hiến pháp và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ghi nhận Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, ở cả ba nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp. “Chất vấn là việc đại biểu Quốc hội nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước”. Cốt lõi của hoạt động chất vấn là việc đại biểu Quốc hội yêu cầu các quan chức cao cấp của Nhà nước trả lời (thường là trước phiên họp toàn thể) về trách nhiệm của mình trong việc thi hành chính sách quốc gia, hay về một vấn đề thời sự nào đó mà xã hội quan tâm. Được coi là một hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội, chất vấn là hoạt động bảo đảm chế độ trách nhiệm ở tầm cao nhất, đó là tầm thực hiện chính sách. Khi quyền hoạch định và thi hành chính sách được trao vào tay của các quan chức cao cấp, thì điều quan trọng là phải có sự kiểm tra, nhắc nhở và cảnh báo kịp thời. Và chất vấn là cách thức ưu việt nhất mà một thiết chế hoạt động theo chế độ hội nghị như Quốc hội mới có đủ quyền năng thực hiện.

Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp và quan trọng của Quốc hội, đồng thời là quyền quan trọng của đại biểu Quốc hội được Hiến pháp quy định. Chất vấn tuy là quyền cá nhân của đại biểu Quốc hội nhưng khi thực hiện quyền này thì nó được coi là một trong những hoạt động giám sát của Quốc hội.

Chất vấn của Đại biểu Quốc hội là yêu cầu của Đại biểu đó với tư cách là người đại diện có thẩm quyền của Nhân dân đối với người bị chất vấn theo quy định của pháp luật, buộc người bị chất vấn phải giải thích trước cơ quan quyền lực Nhà nước về những khuyết điểm, những tồn tại trong hoạt động, công tác của cơ quan mà cá nhân đó phụ trách, trả lời về trách nhiệm, về nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Chất vấn, với tư cách là một hình thức giám sát của Quốc hội, được phân biệt với các hình thức khác chủ yếu ở bản chất, mục đích, thủ tục và hậu quả của nó. Về bản chất, chất vấn là một hình thức được Quốc hội áp dụng để giám sát hoạt động của các cơ quan và cá nhân được giao quyền, là sự thể hiện cụ thể, trực tiếp quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội khi thực hiện quyền chất vấn của mình là nhân danh cá nhân với tư cách là người đại diện quyền lực của Nhân dân, thay mặt Nhân dân yêu cầu cá nhân bị chất vấn trả lời về trách nhiệm pháp lý của cá nhân đó về những việc làm có đúng với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn theo luật định hay không.

Theo quy định của pháp luật thì chất vấn là quyền của cá nhân đại biểu Quốc hội. Khi thực hiện chất vấn đại biểu Quốc hội độc lập là người đại diện cho Nhân dân, thay mặt Nhân dân, nhân danh quyền lực tối cao của Nhân dân chứ không phải nhân danh một cơ quan, tổ chức hay Đoàn đại biểu Quốc hội mà mình là thành viên.

Đại biểu Quốc hội khi thực hiện hoạt động chất vấn không phải nhằm mục đích thu thập thông tin hay số liệu mà nhằm làm rõ trách nhiệm của cá nhân có trách nhiệm đối với một số vấn đề nào đó. Đây chính là điểm cơ bản để phân biệt chất vấn với câu hỏi thường. Trên thực tế chất vấn cũng có thể được thể hiện dưới dạng câu hỏi nhưng mục đích của chất vấn và câu hỏi thường khác nhau. Việc hỏi và yêu cầu trả lời những vấn đề mà Đại biểu Quốc hội quan tâm (hay còn gọi là câu hỏi thường) nhằm thu thập thông tin, số liệu về các vấn đề nào cần biết, trước khi đặt câu hỏi người hỏi hầu như chưa có thông tin về vấn đề mà mình hỏi. Loại câu hỏi thường phụ thuộc vào nhu cầu nắm bắt thông tin của đại biểu Quốc hội chứ không được quy định trong bất kỳ văn bản pháp luật nào và cũng không bị hạn chế đối với bất kỳ đối tượng nào. Còn đối với chất vấn, trước khi nêu vấn đề đại biểu Quốc hội phải tìm hiểu rất kỹ và nắm thông tin về vấn đề mà mình cần chất vấn để làm rõ trách nhiệm của cá nhân có thẩm quyền đối với một vấn đề nào đó. Chất vấn được quy định rất rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác, đối tượng chất vấn cũng được chỉ ra cụ thể trong một phạm vi nhất định. Vấn đề chất vấn khi đã được nêu lên theo đúng thể thức của pháp luật, chuyển đến người bị chất vấn thì không còn là mối quan hệ cá nhân giữa người bị chất vấn và người chất vấn mà đã trở thành một hình thức giám sát của Quốc hội.

Các quy định pháp lý về hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội đã xuất hiện trong văn bản pháp luật đầu tiên của Việt Nam, đó là Hiến pháp năm 1946. Các quy định pháp luật này đã hình thành và từng bước phát triển qua từng thời kỳ cùng với sự đổi mới trong tư duy và cách nhìn nhận đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cao nhất là Hiến pháp năm 2013 (Điều 80), tiếp đó là Luật số 57/2014/QH13, ngày 20 tháng 12 năm 2014 về Tổ chức Quốc hội (Điều 32), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2015 (khoản 7 điều 2, khoản 1 điều 4, khoản 3 điều 11, điều 15, điều 26, điều 47 và điều 50); Nghị quyết số 08/2002/QH11 ban hành quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội và Nghị quyết số 07/2002/QH11 ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội cũng đều ghi nhận và quy định trong nhiều điều khoản về hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội. Qua đó cho thấy, chất vấn và hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội rất được coi trọng, cả trong hoạt động thường xuyên và trong kỳ họp toàn thể của đại biểu Quốc Hội.

Kế thừa những bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quyền giám sát tối cao của Quốc hội, theo đó Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Đại biểu Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện tốt chức năng này. Theo đó, Hiến pháp quy định rõ về quyền chất vấn của ĐBQH như sau: “Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản ”.

Các hình thức giám sát tối cao của Quốc hội.

Các hình thức giám sát tối cao của Quốc hội.

Như vậy, Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng và cụ thể hóa trách nhiệm của người bị chất vấn. Đặc điểm của quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội theo Hiến pháp 2013 là các đại biểu không chất vấn cơ quan Nhà nước nói chung mà chất vấn cá nhân, người đứng đầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Đây là điều khác biệt so với quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội được quy định tại Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 là bản Hiến pháp nhấn mạnh chủ quyền nhân dân, hiến định rõ cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của nhà nước. Theo đó, đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn cũng đồng thời là thực hiện nghĩa vụ do Nhân dân ủy quyền, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân.

Một điểm mới cơ bản nữa của Hiến pháp năm 2013 là việc phân công rạch ròi ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Theo đó, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội chính là việc cụ thể hóa chức năng giám sát tối cao của Quốc hội đối với Chính phủ và các cơ quan khác. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 cũng quy định cụ thể về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Cùng với sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật về giám sát (trong đó có hoạt động chất vấn) thì thực tiễn hoạt động chất vấn của Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội thời gian qua đã cho thấy luôn thu hút được sự quan tâm, theo dõi của cử tri và Nhân dân cả nước, nhất là từ khi chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Từ khóa XII, hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều khởi sắc và đi vào dân chủ thực sự, được đánh giá là nổi trội bởi phương pháp và kỹ năng giám sát của Quốc hội đã được đổi mới. Lần đầu tiên, Quốc hội triển khai thực hiện việc chất vấn trên hội trường theo từng nhóm vấn đề cụ thể, có tranh luận và có sự tham gia giải trình cùng với người bị chất vấn của những người khác có liên quan. Tại diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn, đối thoại thẳng thắn, nghiêm túc và làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Hoạt động chất vấn đã góp phần tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra, có tác động thiết thực, thúc đẩy các cơ quan nhà nước khắc phục những thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Những kết quả đó góp phần vào việc tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát của Quốc hội. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã có nhiều tiến bộ. Cụ thể là:

- Chất lượng câu hỏi, chất lượng câu trả lời chất vấn dần được nâng cao theo hướng ngắn gọn mà rõ ràng, trúng trọng tâm vấn đề cần hỏi và trả lời; ý thức trách nhiệm của cả người chất vấn và người được chất vấn dần được đề cao. Người chất vấn và người được chất vấn đã dành nhiều thời gian chuẩn bị cho hoạt động này hơn. Đại biểu Quốc hội luôn cố gắng, chuẩn bị công phu, chu đáo nội dung các câu hỏi chất vấn sao cho vừa phải ngắn gọn, có tính bao quát, tính phổ biến, tính bức xúc, tính thiết thực và vừa phải có tính chiến đấu cao. Đối với người được chất vấn đã giảm đọc báo cáo, tăng đối thoại trực tiếp. Các vấn đề được đề cập tại phiên chất vấn sau đó đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn như nhiều ý kiến chất vấn của ĐBQH đã được các thành viên Chính phủ quan tâm và từng bước xem xét giải quyết có kết quả.

- Đại biểu Quốc hội thể hiện rõ trách nhiệm kiên quyết đấu tranh, giải quyết triệt để các vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm, phức tạp trong các nội dung cần giám sát được chất vấn, tranh luận đến cùng, từ đó đã nâng cao được vai trò, trách nhiệm, ý thức tuân thủ của các cá nhân, tổ chức chịu sự giám sát trong bộ máy công quyền.

- Việc tổng hợp kiến nghị của cử tri, theo dõi việc thực hiện lời hứa của chủ thể trả lời chất vấn được thực hiện một cách thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn.

Hoạt động chất vấn được thực hiện theo một quy trình, bắt đầu từ việc thu thập thông tin. Việc thu thập thông tin của đại biểu Quốc hội được thực hiện bằng nhiều cách, trong đó việc thu thập thông tin thông qua các hình thức hoạt động giám sát là chủ yếu. Chẳng hạn như thu thập thông tin thông qua hình thức giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri; thông qua thực hiện giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Từ hai hình thức giám sát này mà tác giả với tư cách đại biểu Quốc hội khóa XII đã thu nhận thông tin về việc Bộ Tài chính ban hành một thông tư không tuân thủ các quy định của pháp luật về thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho đối tượng áp dụng. Đó là thông tư quy định về thuế suất hàng hóa nhập khẩu được ban hành ngày 26 tháng 12 năm 2009, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 (sau 6 ngày ban hành). Trong thông tư này có quy định mới đối với mặt hàng nhập khẩu thép boron (thép siêu cứng) mà trước đó chưa có quy định phải chịu mức thuế cao hơn thép thường 25%. Thông tư quy định áp dụng đối với các lô hàng được nhập về và làm tờ khai hải quan từ ngày 01/01/2010 (lẽ ra phải được áp dụng từ ngày 11/01/2010) .

Theo đó có nhiều doanh nghiệp nhập thép boron, hàng đã về cửa khẩu trước ngày 01/01/2010, khi làm thủ tục hải quan để nhận hàng từ ngày 01/01/2010 đã bất ngờ với quy định mức thuế mới rất cao áp cho mặt hàng này (trước đó chưa có quy định về thép boron mà chỉ có quy định một loại thép nói chung) nên không có đủ tiền (hàng chục tỷ đồng vượt trội) để nộp thuế. Vì vậy, hàng trăm tấn thép bị giữ lại trong kho hải quan ở cửa khẩu biên giới không cho chủ hàng nhận trong một thời gian dài. Trước tình hình đó, chủ các doanh nghiệp nhập khẩu thép boron đã làm đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan hữu quan, kể cả gửi đến Thủ tướng Chính phủ nhưng đều không được giải quyết. Khi đó có chủ doanh nghiệp đã gửi đơn thư kiến nghị đến đại biểu Quốc hội. Sau khi nhận, xem xét đơn thư và các tài liệu có liên quan, đại biểu Quốc hội nhận thấy thông tư nói trên do Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Vì vậy, đại biểu đã gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ tài chính về nội dung quy định và ngày có hiệu lực áp dụng của thông tư nói trên. Đại biểu đã sớm nhận được văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong đó nói rằng: “Thông tư này đã được ban hành đúng pháp luật. Trước khi ban hành Bộ trưởng Bộ Tài chính đã hỏi và nhận được sự đồng thuận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ”. Đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời này của Bộ trưởng Bộ Tài chính, nên đã tiếp tục gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã triệu tập và chủ trì cuộc họp cấp Thứ trưởng của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ để xem xét tính hợp pháp của việc ban hành thông tư nói trên của Bộ trưởng Bộ Tài chính theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội. Được biết, tại cuộc họp khi trao đổi, thảo luận đã có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng thông tư ban hành ngày 26/12/2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 (sau khi ban hành 6 ngày) là trường hợp “văn bản có hiệu lực sớm hơn” nên có thể chấp nhận được, không coi là văn bản vi phạm pháp luật. Loại ý kiến thứ hai đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội đã chất vấn là “nếu văn bản có hiệu lực sớm hơn thì phải theo nguyên tắc hồi tố của pháp luật, tức là chỉ áp dụng khi văn bản mới đó có lợi cho người được áp dụng, trong khi đó những quy định mới của thông tư này lại bất lợi cho người được áp dụng …”. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thống nhất như loại ý kiến thứ hai và đã kết luận là “thông tư đó trái pháp luật cần phải hủy bỏ và trả lời cho đại biểu Quốc hội đã chất vấn biết”.

Theo kết luận như trên của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngay lập tức một Thứ trưởng Bộ Tài chính cùng một Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan đã trực tiếp đến gặp đại biểu Quốc hội đã chất vấn để chuyển lời xin lỗi của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đã trả lời chất vấn không đúng; thừa nhận đã ban hành văn bản trái quy định của pháp luật; hứa sẽ rút kinh nghiệm trong việc ban hành văn bản tiếp theo và khắc phục hậu quả cho các đối tượng bị thiệt hại do văn bản trái pháp luật nói trên gây ra. Kết quả hoạt động giám sát này được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hoan nghêng và là bài học sâu sắc cho các nhà lập pháp, lập quy.

Từ một vụ việc cụ thể liên quan đến thực hiện chức năng giám sát của đại biểu Quốc hội bằng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động chất vấn như nêu trên, có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội.

ĐOÀN GIÁM SÁT "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2017 đến ngày 01/7/2021" làm việc với các bộ ngành, địa phương.

ĐOÀN GIÁM SÁT "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2017 đến ngày 01/7/2021" làm việc với các bộ ngành, địa phương.

Một là, Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám sát

Một là, Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám sát

Hoạt động giám sát là thực hiện chức năng, thẩm quyền đặc biệt của đại biểu dân cử nên phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật. Vì vậy, muốn hoạt động giám sát có hiệu lực, hiệu quả cao trước hết phải có một hệ thống pháp luật về giám sát thật hoàn chỉnh, quy định một cách thống nhất, đầy đủ, chi tiết, khoa học, hợp lý, sát thực tiễn và khả thi. Chẳng hạn như cần quy định cụ thể về quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội và trách nhiệm trả lời chất vấn của những người thuộc đối tượng chất vấn. Cần quy định những tiêu chí cụ thể xác định thế nào là một chất vấn và thế nào là một câu trả lời chất vấn đạt yêu cầu. Việc quy định tiêu chí như vậy sẽ giúp cho đại biểu không nhầm lẫn giữa việc đưa ra một câu hỏi nhằm thu thập thông tin về một số vấn đề nào đó với câu chất vấn nhằm làm rõ trách nhiệm của một cơ quan, một cá nhân về vấn đề chất vấn. Ngoài ra quy định rõ quyền và trách nhiệm của mỗi người chất vấn và người trả lời chất vấn cũng là cơ sở để đánh giá chất lượng hoạt động cũng như xác định trách nhiệm của những đối tượng này trước cử tri, Nhân dân cả nước. Cần quy định cụ thể thế nào là các trường hợp cần thiết đòi hỏi Quốc hội ban hành nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn; về mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn thư ký kỳ họp, Ban Công tác đại biểu và Văn phòng Quốc hội trong việc tổng hợp văn bản trả lời chất vấn, đề xuất nội dung và danh sách những người trả lời chất vấn để Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội quyết định.

Hai là, Nâng cao vai trò trách nhiệm của đại biểu Quốc hội

Chủ thể thực hiện giám sát là đại biểu Quốc hội nên kết quả hoạt động giám sát như thế nào trước hết và chủ yếu phụ thuộc vào năng lực, vai trò trách nhiệm, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Về năng lực thực hiện chức năng giám sát, hiện nay nhiều đại biểu Quốc hội kể cả đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu hoạt động giám sát của Quốc hội. Trước hết, nhận thức về chức năng giám sát của đại biểu chưa thực sự sâu sắc, đầy đủ về vai trò, trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân cả nước, tiếp đến là việc nắm bắt thông tin cần thiết có liên quan không đầy đủ, kịp thời; kỹ năng giám sát còn hạn chế, không chuyên nghiệp; thiếu dũng khí và cương quyết theo đuổi đến cùng đối với những trường hợp qua giám sát phát hiện được vấn đề vi phạm nghiêm trọng của người bị chất vấn đang gây bức xúc trong Nhân dân hoặc qua giám sát phát hiện VBQPPL có dấu hiệu sai trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH nhưng đại biểu Quốc hội không biết kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL hoặc ban hành VBQPPL mới. Khắc phục được những tồn tại, hạn chế đó chắc chắn hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ có hiệu lực, hiệu quả cao hơn.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 tại Công ty Nhiệt điện Sơn Động.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 tại Công ty Nhiệt điện Sơn Động.

Ba là, Đổi mới về thủ tục, trình tự giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn

Đổi mới về thủ tục, trình tự giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn cũng là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát nói chung, chất vấn của đại biểu Quốc hội nói riêng. Đổi mới thủ tục, quy trình chất vấn góp phần đổi mới phương thức chất vấn. Cụ thể như, ngay sau khi nghe báo cáo công tác của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và các báo cáo khác, các đại biểu Quốc hội gửi câu hỏi chất vấn đến Chủ tịch Quốc hội. Đoàn thư ký kỳ họp có trách nhiệm tổng hợp các chất vấn để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến và trình Quốc hội quyết định những chất vấn được trả lời bằng văn bản, những chất vấn phải trả lời tại hội trường, những chất vấn cần được điều tra và trả lời tại kỳ họp sau... Sau khi nghe chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội cần có kết luận, giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ, các Bộ trưởng, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để kiểm tra đánh giá, giám sát việc thực hiện chất vấn tại các kỳ họp tiếp theo của Quốc hội. Ngoài ra, để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có hiệu quả, thời gian chất vấn cần phải được bố trí hợp lý. Không nên dành ít thời gian quá, cũng không nên bố trí chất vấn và trả lời chất vấn vào cuối kỳ họp Quốc hội, tránh tâm lý buông xuôi, cho qua. Nên bố trí thời gian từ khoảng giữa kỳ họp cho đến 2/3 kỳ họp, cần bố trí để đại biểu Quốc hội trao đổi thảo luận ngay sau khi Bộ trưởng trả lời chất vấn. Căn cứ vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Đoàn thư ký kỳ họp giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định những vấn đề giải trình thêm vào cuối kỳ họp hoặc những vấn đề mà các cơ quan Nhà nước phải có biện pháp khắc phục và báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tiếp theo. Tăng cường hoạt động chất vấn giữa hai kỳ họp Quốc hội sẽ giúp giảm tải cho thực hiện quy trình, thủ tục chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Bốn là, Tăng ường công tác bồi dưỡng kỹ năng giám sát, chất vấn cho đại biểu Quốc hội

Tăng cường công tác bồi dưỡng kỹ năng chất vấn cho đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành thì đại biểu Quốc hội là chủ thể duy nhất có quyền chất vấn. Vì vậy, hoạt động chất vấn có hiệu quả hay không phụ thuộc trước hết vào chất lượng chất vấn của đại biểu Quốc hội. Với cơ cấu đa số đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay, thì việc bồi dưỡng kỹ năng hoạt động đại biểu nói chung và kỹ năng chất vấn nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nội dung bồi dưỡng cần tập trung vào một số kỹ năng như: xác định vấn đề chất vấn; cách đặt câu hỏi ngắn gọn, súc tích, có số liệu chứng minh thuyết phục, lý lẽ rõ ràng, lập luận lôgic; cách chọn thời điểm chất vấn thích hợp; khả năng tạo được sự thu hút và đồng thuận của nhiều đại biểu khi nêu câu hỏi chất vấn; kỹ năng phát triển vấn đề và kiểm soát tình huống khi chất vấn. Các đại biểu Quốc hội cần tăng cường thu thập thông tin, phân tích, sử dụng thông tin vào hoạt động chất vấn thông qua hình thức thuê chuyên gia hoặc đặt hàng cơ quan nghiên cứu…. Bên cạnh đó, khi các câu trả lời của người trả lời chất vấn chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu Quốc hội thì đại biểu cần tăng cường tranh luận, phản biện lại, bảo đảm cho hoạt động chất vấn phải đi đến cùng của sự việc, vấn đề chất vấn.

Năm là, Củng cố, kiện toàn bộ máy, công cụ trợ giúp đại biểu Quốc hội

Năm là, Củng cố, kiện toàn bộ máy, công cụ trợ giúp đại biểu Quốc hội

Để nâng cao năng lực hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội thì việc huy động các nguồn lực trợ giúp đại biểu Quốc hội là rất cần thiết. Theo đó, phải bảo đảm đầy đủ đồng bộ các yếu tố về tổ chức bộ máy giúp việc, điều kiện tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến nội dung, đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội. Tùy từng đối tượng giám sát để huy động sự tham gia tối đa của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát.

Trong điều kiện đa số ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay, bộ máy giúp việc và các chuyên gia không chỉ san sẻ gánh nặng chuyên môn mà còn tiết kiệm nhiều thời gian cho đại biểu. Bởi vậy cần đầu tư, tăng cường đội ngũ chuyên gia, bộ máy giúp việc. Đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ của đội ngũ chuyên viên giúp việc cho ĐBQH và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH.

Bên cạnh sự trợ giúp của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội còn cần phải có sự tham gia, trợ giúp của nhiều công cụ, phương tiện khác, đặc biệt là của các cơ quan truyền thông, báo chí. Từ những thông tin do các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải, Quốc hội có thể thấy được những vấn để nổi lên trong việc thực hiện các chính sách của nhà nước để đưa ra những quyết định giám sát kịp thời và đúng đắn. Theo chiều ngược lại, khi một vấn đề được Quốc hội đưa ra giám sát thì với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông, vấn đề đó được phổ biến rộng rãi, tạo thành áp lực đối với các cơ quan bị giám sát. Trong trường hợp này, các phương tiện truyền thông đại chúng trở thành những công cụ giúp Quốc hội phát hiện và thực hiện những yêu cầu giám sát trong hoạt động của mình./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82524