Góc nhìn hôm nay: Dân chủ ở xã, phường giúp giảm khiếu kiện từ cơ sở

Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tại phiên họp Quốc hội sáng 27/5, gồm 7 chương, 74 điều, quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…đã mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành.

RA QUYẾT ĐỊNH TRÁI THẨM QUYỀN VÌ THIẾU CÔNG KHAI

Đến thời điểm này, mấy chục hộ dân ở xã Phú Đa vẫn khiếu nại mặc dù tỉnh Vĩnh Phúc đã lần thứ 2 giải quyết đơn thư theo luật. Lý do là UBND xã thu hồi đất không đúng thẩm quyền, khiến họ bị mất tư liệu sản xuất. 2/5 khoản tiền đền bù không được thực thi. Một sự cảnh báo không chỉ ở Vĩnh Phúc, mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác về tình trạng thiếu công khai, dân chủ cũng như cán bộ cơ sở yếu kém kiến thức luật pháp trong quản lý đất đai.

Năm 2005, chính quyền xã Phú Đa và huyện Vĩnh Tường thu hồi gần 5.000 mét vuông đất nông nghiệp 5% của người dân tại khu vực Ao Sen, Cửa Ngòi Gốc Gạo và Đồng Roi, để sử dụng vào các mục đích: Giao đất cho nhân dân làm nhà ở, làm hành lang giao thông, quy hoạch đường, thoát nước... Sau đó, Ủy ban xã Phú Đa tổ chức đấu giá 25 ô đất, nên những người trúng thầu mua đất đã được cấp sổ đỏ. Trong khi những người dân được giao đất sản xuất nông nghiệp trước đây, thì nay vẫn giữ sổ đỏ cũ, nên mới xảy ra chuyện chồng lấn sổ đỏ lên nhau và chỉ khi Ủy ban huyện đưa ra kế hoạch và quyết định thu hồi đất, thì người dân mới được biết.

Ông TRẦN CÔNG VI - Xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc: “Huyện giơ ra là, ông Tống Văn Minh đưa ra văn bản là: Đây, trước năm 2003 trước khi lấy đất, ra quyết định rồi thế mà dân không được biết. Nếu có chủ trương của huyện thì tại sao dân không được biết? Ông ấy mới đưa tận mặt từng người là: Đây, xem đi... nhưng lúc ấy thì tôi không còn muốn xem nữa. Văn bản có từ ban đầu sao dân không được biết?”

Để các hộ dân yên tâm giao đất, chính quyền xã Phú Đa ban hành văn bản có nội dung: “Đến năm 2013, nếu không có chủ trương rũ rối đất chia lại, Ủy ban xã có trách nhiệm cắm trả đất cho các hộ”, mà không có họp bàn, thảo luận công khai. Sau đó, 26 hộ dân ở Cửa Ngòi và Ao Sen, không thể nhận lại đất đã bị thu hồi, vì cam kết này của Ủy ban nhân dân xã Phú Đa không đúng quy định và vượt quá thẩm quyền.

Ông TRẦN DOÃN BỘ - Xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc: “Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều cơ quan, thậm chí kiến nghị cả Chi bộ nhưng Chi bộ cũng không ai giải quyết. Bí thư còn bảo: ra xã mà hỏi! Thì bắt buộc tôi phải ra hỏi nhưng cũng không được nên tôi phải làm đơn lên huyện. Từ huyện, mới bắt đầu lập đoàn thanh tra”.

Sau này, theo lãnh đạo huyện Vĩnh Tường, 12 hộ đã đồng ý nhận tiền đền bù, 13 hộ còn lại kiên quyết không nhận. Giải thích về việc không thực hiện lời hứa với người dân, lãnh đạo xã Phú Đa và huyện Vĩnh Tường từng thừa nhận, do năng lực lãnh đạo và kiến thức pháp luật của cán bộ hạn chế, nên mới cam kết với dân như vậy, mà không biết là sai Luật Đất đai 2003.

Ông ĐẶNG QUANG THỦY - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc (nhiệm kỳ 2015-2020): "Nếu bây giờ bảo chúng ta làm việc với nhau có gì khuất tất thì tôi không nói như vậy. Rõ ràng ở đây trong quá trình xử lý, có cái theo quá trình lịch sử, có thể có những phát sinh này khác đến bây giờ một khi đã có sự cố tình thì nó rất khó. Nhưng tôi chỉ khẳng định với các đồng chí, về phía ủy ban huyện chúng tôi với thái độ kiên quyết chỉ đạo là cái gì đúng là đúng, cái gì sai là sai. Sai thì phải sửa, mà nếu khắc phục hậu quả bằng kinh tế thì cũng phải khắc phục hậu quả. Chứ còn trả lại đất thì không thể được vì trái pháp luật. Về công tác cán bộ, sai thì phải xử lý".

Ông TRẦN DOÃN THIỆN - Chủ tịch UBND xã Phú Đa năm 2005: “Năm 2005 lúc ấy đúng là cách nghĩ cũng như là chúng tôi làm có những hạn chế về năng lực. Căn cứ vào luật thì vận dụng là chưa phù hợp. Chính vì đến hạn 2013 là địa phương không làm được vì không đúng pháp luật. Chính vì vậy mới xảy ra việc như ngày nay”.

Sự lúng túng, không nắm được văn bản chính sách, pháp luật của 1 số cán bộ xã và huyện liên quan tới dự án thu hồi đất nông nghiệp và giao đất làm nhà ở năm 2005, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Ngày 17.1.2017, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Tường đã xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Doãn Thiện, Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Đa năm 2005; khiển trách ông Mai Văn Biên, nguyên Phó Chủ tịch xã Phú Đa năm 2005; cảnh cáo ông Trần Doãn Công, Kế toán ngân sách xã. Đối với các cán bộ khác có liên quan, nếu như phát hiện có sai phạm, sẽ xử lý tiếp đúng theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, mấu chốt là người dân bị mất đất. Đây là hệ quả tất yếu từ việc thiếu dân chủ và công khai, cũng như yếu kém năng lực quản lý nhà nước khi thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá dịch vụ, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Pháp lệnh số 34 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện…được thực thi gần 15 năm qua, đã tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn trong xã hội, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, tạo chuyển biến một bước về ý thức, đạo đức, phong cách làm việc của người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân và tôn trọng dân.

Tuy vậy, Pháp lệnh số 34 chưa quy định cụ thể trách nhiệm và các biện pháp xử lý khi có vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, cũng như trách nhiệm và nội dung phối hợp của cơ quan nhà nước ở địa phương, với cơ quan nhà nước cấp trên. Chẳng hạn, quy định dân chủ trực tiếp theo Pháp lệnh 34, đó là người dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương, mức đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, cấp thôn và theo qui định của pháp luật. Nếu qui định chung như vậy, người dân sẽ rất khó thực hiện thực hiện quyền và nghĩa vụ chính đáng này.

QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN CỦA NGƯỜI DÂN XÃ, PHƯỜNG

Thực tế, quyền dân chủ của nhân dân ở cơ sở đã nâng lên rất nhiều, nhưng vẫn còn những bất cập cần phải được khắc phục và rút kinh nghiệm, như quyền tiếp cận thông tin, minh bạch về mặt thông tin, quyền dân được biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát ở địa phương này, địa phương kia chưa thực hiện nghiêm túc. Thậm chí còn mang tính hình thức, chưa thực sự gần dân, hiểu dân và trọng dân.

Ông NGUYỄN QUỐC DUYỆT - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Các dự án, các công trình mà có thu hồi đất của nhân dân thì chúng ta đều phải công khai quy hoạch và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trong cộng đồng dân cư. Khi được sự tán thành, đồng thuận của nhân dân thì chúng ta mới triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Nhưng trên thực tế thì ở cấp cơ sở thì cũng có những địa phương này, có những nơi này, nơi kia chúng ta làm bước này nó cũng chưa thực sự là thấu đáo, cặn kẽ và chúng tôi cho rằng, cũng có chỗ nó vẫn mang tính hình thức, cho nên nó mới xảy ra một thực tế là có những địa phương, cơ sở vẫn xảy ra tình trạng tranh chấp, nhân dân đơn thư rồi khiếu kiện và thậm chí có nơi xuất hiện thành điểm nóng về an ninh trật tự ở cơ sở”.

Ông NGÔ SÁCH THỰC - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Gỉai quyết liên quan đến thắc mắc của người dân, liên quan đến bồi thường giải phóng thì lần đầu tiên là giải phóng cấp huyện, lần thứ 2 là cấp tỉnh nhưng công khai giải quyết việc này thì rõ ràng các cấp trên nữa chứ ko phải chỉ qui định mỗi cấp xã. Như vậy, chủ thể thực hiện để làm sao thực hiện dân chủ ở cấp xã thì qui định của Luật là phải xác định rất rõ các cơ quan có thẩm quyền”.

Nhiều chương trình, dự án nếu người dân tham gia ngay từ đầu thường cho kết quả tốt. Bởi vậy, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở phải nâng được trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị đảm bảo quyền dân chủ của người dân và cùng với đó là phải có hình thức xử lý tương ứng. Tổ chức, cấp ủy, chính quyền nào không đảm bảo được quyền dân chủ của người dân, để xảy ra những ai sót, trái quy định cần phải xử lý nghiêm. Đó mới là đưa luật vào cuộc sống và ngăn chặn những tư duy, biểu hiện chưa coi trọng người dân.

Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ - Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: “Tất cả mà các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn dân cư đều phải thông tin cho dân cư một cách đầy đủ, kể cả các thông tin về quy mô, thông số kỹ thuật, thông tin về mục tiêu để dân có các cơ sở giám sát và đặc biệt là liên quan đến các chương trình, dự án thì vấn đề giải phóng mặt bằng, vấn đề đền bù giải tỏa thật sự là người dân không vào cuộc, không có sự ủng hộ của người dân, ủng hộ của lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thì chắc chắn là không thể thành công được”.

TS.ĐINH VĂN MINH - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: “Rất là may là có Luật dân chủ cơ sở cùng lúc với luật thanh tra sửa đổi cho nên nội dung Thanh tra nhân dân đã được chuyển sang dự án luật này. Tôi cho rằng đây là một điều rất phù hợp với tính chất của Thanh tra nhân dân, là giám sát của nhân dân ở cơ sở và một điểm nữa, ở đây chúng ta có những nội dung để đảm bảo thực hiện việc dân chủ cơ sở, các điều kiện về vật chất, tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở để làm sao Luật này đi vào thực chất, để người dân có thể phát huy khi được tinh thần dân chủ của mình, bảo vệ lợi ích hợp pháp của chính mình cũng như cộng đồng dân cư và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của xã hội”.

Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, là theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nhưng để làm được khâu “dân kiểm tra, dân giám sát”, ngoài việc thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì phải bảo đảm hoạt động hiệu quả Thanh tra Nhân dân.

Điều đặc biệt ở chỗ, lần này chúng ta đưa chế định Thanh tra Nhân dân vào Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là một điểm rất mới, vì từ trước đến nay, các chế định Thanh tra Nhân dân vẫn được để trong Luật Thanh tra và nó không phù hợp, bởi vì thanh tra là hoạt động của thanh tra nhà nước chuyên ngành, mang tính chất quyền lực. Còn Thanh tra Nhân dân ở Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, là sự giám sát của nhân dân. Việc đưa Dự thảo Luật dân chủ cơ sở ra Quốc hội góp ý, cùng thời điểm với thảo luận, cho ý kiến với Luật Thanh tra (sửa đổi) nên đã chuyển nội dung Thanh tra Nhân dân sang Dự án Luật Thực hiện dân chủ ớ cơ sở, là phù hợp.

CHUYỂN THANH TRA NHÂN DÂN SANG LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Chuyển Thanh tra Nhân dân từ Luật Thanh tra sang Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, là để bám sát thực tiễn và tăng tính khả thi cho Luật.

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ - Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Thanh tra Nhân dân là 1 thiết chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền kiểm tra giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đồng thời thiết chế này có những điểm khác biệt về cách thức thành lập, nguyên tắc tổ chức hoạt động và thẩm quyền so với cơ quan Thanh tra Nhà nước. Do vậy, Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra Nhân dân hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra sang quy định tại Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng kế thừa hầu hết các quy định còn phù hợp của Luật Thanh tra năm 2010”.

Theo một số đại biểu, cần có quy định đầy đủ, cụ thể để bảo đảm tính khả thi, bởi hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước hiện nay chưa thực sự phát huy được vai trò, hiệu quả trong kiểm tra, giám sát tại cơ sở.

Quy định tại khoản 1, điều 60 đối với thành viên của Ban thanh tra nhân dân cấp xã, đại biểu đề nghị bổ sung thành viên ban này phải là người thường trú tại xã và không đồng thời là công chức cấp xã. Nhưng đồng thời, chế độ hỗ trợ rất thấp, ảnh hưởng đến hoạt động đội ngũ này

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Ban thanh tra nhân dân ít nhất 5 người, mà có mấy triệu giống như ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Nội tiền trà, nước một năm không đủ.”

Theo Chủ tịch Quốc hội, Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nên quy định mỗi cơ quan đều phải ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó cần quy định rõ cái gì dân cần phải biết, cái gì cần phải công khai, hình thức công khai thế nào, cái gì dân phải bàn…

PHẢI TRIỆT TIÊU VI PHẠM DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Ông HOÀNG ANH CÔNG - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Mọi việc chúng ta làm, mọi việc của các cơ quan nhà nước thì nhân dân đều biết hết nên chúng ta nếu phát huy được vai trò nghìn tay, nghìn mắt của dân thì chúng ta tạo được bộ máy tốt. Chúng ta sẽ kiểm soát được từ xa những công việc của bộ máy Nhà nước, ngăn chặn được những hành vi tiêu cực, nếu mà làm tốt được chức năng Thanh tra Nhân dân. Còn ở đâu đó mà Thanh tra Nhân dân chỉ mang tính hình thức, chúng ta phải phân biệt 2 loại: Một là thành lập nó nhưng mà không làm gì dẫn đến chuyện hình thức. Nếu làm đúng chức năng của Thanh tra Nhân dân thì tôi nghĩ những hiện tượng vi phạm dân chủ ở cơ sở ngày càng bớt đi và đến một lúc nào đó nó sẽ bị triệt tiêu nếu làm tốt Thanh tra Nhân dân. Thiết chế này là một thiết chế rất quan trọng vì dân là trăm mắt, trăm tay, nghìn mắt nghìn tay, biết tất mọi thứ. Chúng ta đi đến đâu cũng chịu sự giám sát của nhân dân, tôi nghĩ đó là thiết chế cực kỳ quan trọng với dân chủ ở cơ sở”.

Phải ghi nhận tiến độ và chất lượng của Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã cơ bản hoàn thành chỉ sau vài tháng. Tuy nhiên, Dự án Luật cần quy định cụ thể về hình thức và nội dung kiểm tra, giám sát, cũng như việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát.

Làm rõ hơn vai trò giám sát của Mặt trận trong thực hiện các vấn đề do nhân dân quyết định, hoặc đã kiến nghị, cùng phương thức thực hiện giám sát xã hội của nhân dân với chính quyền địa phương cấp xã. Bổ sung quy định về cơ chế thực hiện các nội dung mà cộng đồng dân cư đã bàn bạc, thảo luận. Nếu không tổ chức họp, thì phải thu thập ý kiến của người dân bằng các hình thức linh hoạt khác nhau, thay vì chỉ gửi phiếu biểu quyết trong khi người dân không được nêu ý kiến. Do đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thêm Dự án Luật.

Thực hiện : Ngọc Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-dan-chu-o-xa-phuong-giup-giam-khieu-kien-tu-co-so