Góc nhìn hôm nay: Đánh thức không gian ngầm cho đô thị hiện đại

Việt Nam có tốc độ phát triển đô thị nhanh và tập trung chủ yếu khai thác không gian mặt đất và trên không. Tại Thủ đô Hà Nội, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân từ 4%-5%/năm. tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện chỉ khoảng 0,35%/năm. Sự chênh lệch này khiến mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường vượt quá lưu lượng thiết kế, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm. Sự mất cân bằng khi tốc độ đầu tư hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng trưởng phương tiện dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra. Giao thông quá tải trầm trọng…Quỹ không gian mặt đất dành để phát triển hệ thống giao thông nội đô gần như đã không còn.

Hà Nội là một trong số ít các đô thị tại Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, thực trạng sử dụng không gian ngầm đô thị mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, chưa tương xứng cả về số lượng lẫn chất lượng với mức độ phát triển, đặc biệt tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch không gian ngầm chưa thực sự được chú ý trong các đồ án quy hoạch đô thị. Một số công trình ngầm mới nhen nhóm, chưa phát huy được tác dụng.

Một trong những công trình ngầm cơ bản ở đô thị là hệ thống cấp, thoát nước. Kể từ trận ngập lụt lịch sử năm 2008, Hà Nội đã chi 15.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm. Thế nhưng đến nay, cứ mưa lớn là nhiều khu vực ở nội đô lại quay cuồng với ngập lụt, phố phường như sông. Theo các chuyên gia xây bể ngầm có thể là giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng ngập úng ở Hà Nội, song đây chắc chắn là 1 câu chuyện dài.

Hà Nội là đô thị đầu tiên phê duyệt quy hoạch không gian ngầm, điều này cho thấy sự cố gắng rất lớn của các đơn vị tư vấn, sự đóng góp của các chuyên gia. Tuy nhiên, đây là loại hình công trình đòi hỏi vốn đầu tư lớn và kỹ thuật cao, sự liên thông kết nối với nhiều bộ ngành do vậy khâu quy phải thực hiện kỹ lưỡng, công phu nhằm giảm vốn đầu tư và tăng hiệu quả khi triển khai thực hiện.

Mỗi năm dân số Hà Nội tăng trung bình thêm khoảng 200.000 người. Hà Nội có khoảng 550.000 ô tô và khoảng 6 triệu xe máy, chưa kể hơn 1 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh lưu thông trên địa bàn. Trong khi tỷ lệ xây dựng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được tốc độ phát triển đô thị thì việc xây dựng hệ thống giao thông, bãi đỗ xe dưới lòng đất, đi kèm với những khu đô thị, dịch vụ thương mại dưới lòng đất sẽ góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, làm giảm áp lực về mật độ xây dựng của Thủ đô.

Để phát triển được không gian ngầm Hà Nội cần có nghiên cứu kỹ hơn các vấn đề liên quan vì nó liên quan tới nhiều ngành. Đầu tiên phải xác định được hiện trạng phát triển không gian ngầm ở các đô thị; tiếp đó phải xây dựng được nội dung quy hoạch không gian ngầm. Các chuyên gia lưu ý, muốn quản lý được không gian ngầm đô thị thì việc đầu tiên cần làm là xây dựng bản đồ địa chất từng khu vực đô thị để từ đó xác định chính xác số tầng ngầm được phép xây dựng trên từng khu đất. Bên cạnh đó, cần thống nhất các quy định của pháp luật về phát triển công trình ngầm, không gian ngầm đô thị và có hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện.

Không gian ngầm là tài nguyên quý báu cần được nghiên cứu và khai thác có hiệu quả. Không gian ngầm đã và sẽ là một phần của đời sống đô thị hiện đại. Việc quy hoạch, quản lý và khai thác không gian ngầm sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị, năng lực cơ sở hạ tầng, góp phần giữ gìn cảnh quan lịch sử văn hóa, tăng diện tích xanh, cải thiện sinh thái đô thị… góp phần phát triển đô thị hiện đại và bền vững. Do vậy, việc sớm có một kế hoạch khoa học, bài bản trong phát triển, quản lý không gian ngầm là cần thiết. Nhất là chuẩn bị một nguồn lực căn bản để phát triển hệ thống không gian ngầm đồng bộ, đánh thức mọi tiềm năng của không gian ngầm để xây dựng đô thị hiện đại, văn minh.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Khánh An

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-danh-thuc-khong-gian-ngam-cho-do-thi-hien-dai-231684.htm