Góc nhìn hôm nay: Ổn định hoạt động đăng kiểm
Kể từ sau vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và trung tâm đăng kiểm các tỉnh, thành phố. Hiện các trung tâm đăng kiểm trên cả bước đang dần hoạt động ổn định trở lại. Nhiều giải pháp đã được tăng cường nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc phương tiện kiểm định, đảm bảo duy trì ổn định hệ thống cũng như ngăn ngừa tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm.
Quyết định 17/2024 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/12/2024 quy định về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành Công ty Cổ phần đã bổ sung thêm 3 ngành, lĩnh vực gồm kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; Kiểm định xây dựng và Kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa. Theo đó, việc Cổ phần hóa được các cơ quan chuyên môn và chuyên gia nhận định giúp giảm chi phí đầu tư của Nhà nước, vừa tạo sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các đơn vị đăng kiểm. Điều này cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT trong việc xây dựng Đề án tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Sau khi ngành đăng kiểm thực hiện hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, người dân đưa xe đến đăng kiểm đã "dễ dàng" hơn nhiều. Ghi nhận tại nhiều trung tâm đăng kiểm trên cả nước dịp cuối năm không còn cảnh quá tải, thậm chí có nơi còn vắng vẻ. Nằm tại trung tâm thành phố Bắc Giang nhưng mỗi ngày trung tâm đăng kiểm 98-01S chỉ tiếp nhận khoảng 50 – 60 phương tiện cho 2 dây chuyền kiểm định. Với số lượng xe ‘‘nhỏ giọt’’, trong vài tháng gần đây, đơn vị này thu không đủ bù chi.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trung tâm đăng kiểm khác trên cả nước hiện nay. So với công suất thiết kế 2 dây chuyền là 170 - 180 chiếc/ngày thì lượng xe được trung tâm đăng kiểm 29.08D tiếp nhận hiện mới đạt một nửa, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của đơn vị.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng này là do sau khi các quy định mới được ban hành, nhiều xe đã được giãn, tự động gia hạn đăng kiểm. Còn các xe mới thì chỉ cần cấp hồ sơ chứ không phải đưa lên dây chuyền kiểm định.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 279/299 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, với tổng nhân lực khoảng 1.900/2.014 đăng kiểm viên. Lượng xe đến kiểm định lớn nhất cũng chưa bằng 70% năng lực toàn hệ thống. Do đó, công suất kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm vẫn đang dư thừa.
Sau khủng hoảng của ngành đăng kiểm, nhiều nơi nhân sự đăng kiểm viên chưa kịp hồi phục tâm lý đã phải đối diện tiếp với nguy cơ mất việc. Trong khi đó, nghịch lý ở các tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa, nhiều trung tâm đăng kiểm lại đang trong tình trạng thiếu hụt và khó tuyển dụng nhân sự.
Bên cạnh đó, trong điều kiện công việc tiếp xúc với khí thải, bụi mịn ảnh hưởng đến sức khỏe, đăng kiểm viên đề xuất được hưởng phụ cấp nghề độc hại, nguy hiểm; giúp cải thiện thu nhập để người lao động yên tâm gắn bó với nghề.
Theo Bộ Giao thông Vận tải để đào tạo bồi dưỡng chuyên môn một kỹ sư cơ khí trở thành đăng kiểm viên lại đòi hỏi mất nhiều thời gian nên đến hết năm 2026, hệ thống đăng kiểm xe cơ giới vẫn chưa thể bù đắp được số lượng đăng kiểm viên bị thiếu hụt trong thời gian vừa qua.
Từ 10/12/2024, đăng kiểm là một trong những ngành, lĩnh vực đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa. Theo các chuyên gia, việc cổ phần hóa giúp tạo môi trường bình đẳng giữa các trung tâm đăng kiểm, đồng thời, tạo ra xu hướng nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, thu nhập của người lao động cũng sẽ được cải thiện.
Từ năm 2018, trung tâm đăng kiểm 34-01D đã chuyển sang hoạt động theo mô hình Cổ phần hóa tối đa 49% vốn tư nhân, nhà nước vẫn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, bộ máy hoạt động tinh gọn hơn, giảm tối đa các thủ tục. Dù giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn nhưng việc cổ phần hóa đã giúp trung tâm được tự chủ trong đầu tư cũng như vận hành, hoạt động.
Hiện hầu hết các trung tâm đăng kiểm đã chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ: xây dựng phòng chờ tiện nghi, tư vấn thêm về giải pháp kỹ thuật,… Vừa tăng khả năng cạnh tranh mà người dân cũng được hưởng lợi.
Hiện trên cả nước hiện có 299 trung tâm đăng kiểm. Trong đó có 89 đơn vị sự nghiệp công lập (20 đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam và 69 trung tâm đăng kiểm trực thuộc các Sở Giao thông vận tải). Còn lại là 70% trung tâm đăng kiểm thuộc các doanh nghiệp xã hội hóa.
Theo Quyết định 17/2024 của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa (trừ lĩnh vực đăng kiểm tàu biển và công trình biển) sẽ chuyển đổi sang Công ty Cổ phần, Quy định này được ngành đăng kiểm nhận định giúp tạo môi trường bình đẳng giữa các đơn vị. Đồng thời, tạo ra xu hướng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, cổ phần hóa cũng mang đến không ít thách thức. Một trong những mối lo ngại lớn nhất là việc tự đảm bảo lương và thưởng cho người lao động. Trong bối cảnh lượng xe đăng kiểm hiện nay đang giảm sút do các quy định miễn và gia hạn chu kỳ đăng kiểm. Giá dịch vụ kiểm định lại không tăng trong 10 năm qua khiến các đơn vị rơi vào cảnh khó khăn.
Trong khi số lượng các trung tâm đăng kiểm ngày càng tăng, để cổ phần hóa hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần sớm ban hành giá dịch vụ kiểm định mới. Mức tăng phải đảm bảo nguồn thu của trung tâm để có thể chi trả được các khoản chi phí, trả lương phù hợp cho người lao động. Đồng thời tạo sức hấp dẫn cho nhà đầu tư cũng như phòng, chống tình trạng tiêu cực như trước đây.
Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng, hoàn thiện Đề án "Đổi mới công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm" theo hướng tách chức năng quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ công. Trong đó, sẽ thành lập các trung tâm sự nghiệp công lập để quản lý các đơn vị đăng kiểm. Khi đề án được thông qua, các trung tâm sự nghiệp công lập đi vào hoạt động, trong 3 năm sẽ rà soát, đánh giá có nên cổ phần hóa hay không cũng như kế hoạch, lộ trình việc cổ phần hóa.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!
Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-on-dinh-hoat-dong-dang-kiem-246055.htm