Góc nhìn hôm nay: Quy hoạch và quản lý đô thị - nhìn từ vụ phá dỡ công trình 61 Trần Phú, Hà nội

Mới đây, việc phá dỡ tòa nhà 61 Trần Phú được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đoạn giao phố Trần Phú - Lê Trực - Hùng Vương - Nguyễn Thái Học đã nhận được sự quan tâm của dư luận và khiến nhiều người yêu di sản Hà Nội không khỏi nuối tiếc bởi những công trình kiến trúc Pháp cổ có niên đại hàng trăm năm đã góp phần tạo nên vóc dáng lịch sử cho thành phố Hà Nội.

DƯ LUẬN VỀ VỤ PHÁ DỠ NHÀ 61 TRẦN PHÚ

Công trình số 61 Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội vốn được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 đang bị phá bỏ để xây dựng cao ốc 11 tầng. Khi công trình bị phá dỡ, nhiều người tỏ ra tiếc nuối và lo ngại việc phá cũ xây mới có thể ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan kiến trúc của Khu trung tâm chính trị Ba Đình. Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, công trình số 61 Trần Phú không nằm trong danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Luật sư Nguyễn Vinh Hoàng thì bày tỏ quan điểm, tại sao công trình lại phải xây cao như vậy, trong khi khu vực Ba Đình là trọng yếu về an ninh, chính trị của đất nước. Nên chăng cần có kiến trúc hài hòa thấp tầng hơn để phù hợp với cảnh quan chung của cả khu vực.

Được biết Lô đất triển khai dự án số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) quy mô rộng hơn 9.000 m2 với 4 mặt tiền đường Hùng Vương, Trần Phú, Lê Trực và Nguyễn Thái Học. Đây vốn là công xưởng của Nhà máy Thiết bị bưu điện (thuộc Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam) nay là Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (Postef). Sau khi thực hiện chủ trương di dời nhà máy khỏi nội đô, Postef đã kêu gọi liên doanh góp vốn để xây dựng một dự án đa chức năng tại lô đất trên. Công trình đa chức năng dự kiến xây dựng có quy mô 11 tầng nổi, 6 tầng hầm, tổng diện tích sàn nổi khoảng 32.306,6 m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2 m2; chiều cao công trình là 42,9m

Đúng là mỗi khi có một sự việc xảy, mỗi người nhìn nhận sự việc đó sẽ khác nhau. Có thể, việc phá dỡ một công trình cũ, đã không thể sử dụng cả chục năm nay là chuyện bình thường. Người thì cho rằng khi phá dỡ công trình đã hiện diện cả trăm năm rất cần tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn và chuyên gia. Hay một ý kiến khác: nên dành không gian khu trung tâm chính trị Ba Đình cho những gì gắn liền với văn hóa, lịch sử, đặc biệt, những người quan tâm tới kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội, những người thiết tha với công cuộc bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử, văn hóa bày tỏ lo ngại về nguy cơ biến mất dần các công trình kiến trúc Pháp cổ trong xu hướng hiện đại hóa đô thị.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Truyền hình Quốc hội Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng để đánh giá vấn đề cần có cái nhìn khách quan đồng bộ, trên cơ sở định hướng phát triển chung và quy định pháp luật. Đánh giá giá trị công trình kiến trúc cần thống nhất theo các tiêu chí: nghệ thuật, lịch sử văn hóa, cảnh quan, công năng và tính nguyên bản. Công trình này trong quy hoạch trung tâm chính trị Ba Đình điều chỉnh năm 2013 đã có nêu khu vực nhà máy thiết bị bưu điện di chuyển đi để xây dựng tổ hợp thương mại, dịch vụ khách sạn. Khi Hội đồng Kiến trúc thành phố xem xét công trình này đã thấy các chỉ tiêu cơ bản như về mật độ, chiều cao có thể chấp nhận được, tuy nhiên về thiết kế kiến trúc cần phải chỉnh sửa nhiều chi tiết. Đáng lẽ sau khi chỉnh sửa nên có công khai, công bố cho nhân dân góp ý thêm bởi đây là công trình có ý nghĩa chung.

TP. HÀ NỘI RÀ SOÁT PHƯƠNG ÁN KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH TẠI 61 TRẦN PHÚ

Thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều công trình hiện đại, hoành tráng. Tuy nhiên bên cạnh những tòa nhà hiện đại thì Hà Nội vẫn còn những công trình kiến trúc Pháp cổ có niên đại hàng trăm năm.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – có cung cấp cho công chúng một góc nhìn về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của công trình 61 Trần Phú. Theo đó thì Công trình khởi công từ năm 1923, cách đây gần tròn 100 năm. Năm 1954, Pháp rút khỏi Đông Dương, công trình này được Chính phủ tiếp quản và giao cho Tổng cục Bưu điện quản lý. Và đến thời điểm trước khi bị phá dỡ thì đây là một trong những công trình kiến trúc Pháp cổ hiếm hoi còn giữ được dáng vẻ nguyên vẹn. Dù không mang dấu ấn lịch sử đặc biệt nhưng trải qua mưa nắng và sự biến thiên của thời gian, công trình với dáng vẻ hài hòa với cảnh quan xung quanh này đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của không gian đô thị Hà Nội. Và việc phá dỡ tòa nhà Pháp cổ này để xây mới một tòa cao ốc, liệu có phải là quyết định đáng tiếc và vội vàng?

Lô đất triển khai dự án tại địa chỉ 61 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội vốn là công xưởng của Nhà máy Thiết bị bưu điện thuộc Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam, nay là Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện. Sau khi thực hiện chủ trương di dời nhà máy khỏi nội đô, Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện đã kêu gọi liên danh, góp vốn để đầu tư xây dựng một dự án đa chức năng. Theo Lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, việc di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm để xây dựng công trình đa năng là phù hợp định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Ông NGUYỄN TRỌNG KỲ ANH, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: " Đối với khu Trung tâm chính trị Ba Đình, Thủ tướng Chính phủ xác định việc quản lý tại đây có sự phối hợp giữa UBND TP. Hà Nội và Bộ Xây dựng. Do đó, UBND TP. Hà Nội có chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc trong quá trình xem xét phương án kiến trúc, quy hoạch, bố cục mặt bằng của chủ đầu tư thì cũng lấy ý kiến của Bộ Xây dựng đối với công trình tại đây. Bộ Xây dựng có ý kiến góp ý và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh phương án, đảm bảo yêu cầu."

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội tạm dừng thi công công trình, rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Liên quan tới bức phù điêu Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ, Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện cho rằng, bức phù điêu không thuộc hạng mục được bảo vệ theo các quyết định của HĐND và UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, do có giá trị ghi dấu lịch sử nên Công ty này sẽ có trách nhiệm bảo vệ nguyên trạng, có phương án di chuyển (nếu cần) trước khi công trình đưa vào sử dụng.

Kiến trúc sư TRẦN HUY ÁNH, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội: "Công trình di sản phát huy giá trị cao hơn rất nhiều, bên cạnh đó cũng có công trình bảo vệ di sản, cho dù bị động, nhưng nó là tầm nhìn. Đơn cử như nhà ga C9 bên bờ Hồ, nếu Quốc hội không lên tiếng thì giờ ở đó là công trường ngổn ngang, di sản bị phá tan tành. Nếu như vậy chúng ta sẽ còn lại gì ở Hà Nội".

Chiều ngày 6/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ, thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình tại số 61 Trần Phú, quận Ba Đình; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có). Trong thời gian này, yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thực hiện việc phá dỡ, thi công, xây dựng dự án cho đến khi có chỉ đạo mới.

Không phải bỗng nhiên mà lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu tạm dừng phá dỡ và báo cáo lại việc tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc của dự án 61 Trần Phú. Bởi việc phá dỡ một công trình đã cũ, đã lâu không sử dụng được để xây dựng công trình mới đẹp hơn là điều hết sức bình thường. Câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng đã có. Tuy nhiên, vụ việc này có thể xem xét ở nhiều góc độ từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Trao đổi với Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, qua theo dõi, chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo đúng đắn, trước dư luận và hiện trạng cần xem xét cẩn trọng để tránh gây ra hậu quả không thể khắc phục.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần phải xem lại quy trình, quyết định phê duyệt dự án có đúng đắn hay không. Khi thực hiện quy trình có thể có bỏ qua những bước hoặc có đánh giá không đầy đủ về các tác động kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, văn hóa, lịch sử…để dễ dàng chấp thuận cho xây dựng dự án mới. Do đó, cần phải rà soát lại toàn bộ quá trình xem đã đầy đủ, bảo đảm hay chưa.

Trước thực trạng trên địa bàn Hà Nội vẫn bắt gặp những khu đất vàng, đất bạc để trống, quây tôn, hay những công trình dang dở, bỏ lãng phí, rồi khi phá dỡ, cải tạo lại lại khiến dư luận xôn xao đặt ra vấn đề về quy hoạch, quản lý đô thị, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng công tác quy hoạch của Hà Nội còn nhiều hạn chế dẫn đến thực tế phát sinh nhiều vấn đề, nhiều khiếu kiện của người dân. Thực tế đã thấy có công trình xây xong lại phá, lại cắt ngọn, mỗi cơ quan một quan điểm cho thấy công tác quy hoạch, quản lý, thực hiện quy hoạch chưa có hiệu quả.

Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, bài học lớn nhất rút ra từ vụ việc khu đất 61 Trần Phú lần này là xây dựng, tuân thủ thực hiện quy hoạch; thiết lập kỷ luật quy hoạch; xem xét xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức, cơ quan vi phạm trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch; thanh tra, kiểm tra; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và của các cơ quan dân và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các công trình kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội mang một giá trị văn hóa, kiến trúc, là những chứng nhân lịch sử của một thời đã qua. Việc phá cũ, xây mới, hiện đại hóa đô thị là chuyện bình thường song vấn đề ở đây là phát triển nhưng phải hài hòa không gian và phải giữ được Hà Nội với hồn cốt của một đô thị có quá khứ, hiện tại và tương lai, đặc biệt là không gian vùng lõi Ba Đình - khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị phải được tôn trọng.

Vụ việc này cũng là một cơ hội để các cơ quan chức năng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành phố nói chung. Trong quá trình triển khai các dự án ở những khu vực đặc thù, quan trọng, cần đảm bảo đúng quy định, quy trình, nếu có thể thì thi tuyển kiến trúc, lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng, chuyên gia, công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp.

Thực hiện : Nguyễn Duyên

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-1204