Góc nhìn hôm nay: Thấy gì từ việc 17 bộ, địa phương xin trả lại hơn 6.800 tỷ vốn đầu tư công
Chậm giải ngân vốn đầu tư công không phải là câu chuyện mới mà là vấn đề vốn đã cũ, tồn tại nhiều năm và luôn luôn khó về đích mỗi dịp cuối năm. Dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế và nguy cơ khó hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công, ban hành 10 nghị quyết, trong đó có 2 nghị quyết chuyên đề, tổ chức nhiều Hội nghị chuyên đề, giao 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Gần đây nhất là Nghị quyết số 124/NĐ-CP ngày 15/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Nhờ đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế và nguy cơ khó hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư được giao năm 2022.
Năm 2022, tổng vốn đầu tư công khoảng 580.000 tỷ đồng , lớn hơn khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2021. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã giao vốn chi tiết cho các dự án đủ điều kiện 505.000 tỷ đồng . Ước giải ngân đến cuối tháng 9/2022 đạt trên 253.000 tỷ đồng , tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Có 12 bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 70% gồm Quảng Ngãi, Hưng Yên, Ngân hàng Chính sách xã hội, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang. Nhiều dự án quan trọng quốc gia đang được triển khai đúng tiến độ, tỉ lệ giải ngân tốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Giải ngân đầu tư công tuy tăng về số liệu tuyệt đối nhưng về tỉ lệ mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 0,7% cùng kỳ năm 2021. Còn 16 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công và 16 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt thấp dưới 20%. Đáng chú ý, có đến 6 bộ, 8 địa phương có tỉ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch vốn, gồm các bộ Công Thương, Xây dựng, Y tế, Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận được văn bản đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022 của 17 bộ, địa phương với tổng trị giá là 6.827 tỉ đồng.
Mời các bạn và quý vị cùng theo dõi chương trình!
Thực hiện : Thu Quỳnh