Góc nhìn hôm nay: Thu hồi dự án ngoài ngân sách chậm triển khai

UBND TP. Hà Nội đề xuất tới 15 giải pháp tại Kỳ họp thứ tư, HĐND TP. Hà Nội khóa 16 để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai.

Theo kết quả thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất trên địa bàn thành phố, cho thấy, đến nay có 135 dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất. 404 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và 170 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính (tính đến ngày 31/12/2021).

Huyện Mê Linh có 60 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 2.140 hec-ta đều đã hết hạn đầu tư và phải thực hiện công tác điều chỉnh. Nhưng đến nay, mới điều chỉnh được 7 dự án, còn tới 53 dự án chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư hay giấy chứng nhận đầu tư.

HÀNG NGHÌN HEC-TA ĐẤT VÀNG “NGỦ QUÊN”

Dự án Khu biệt thự nhà vườn, thương mại và dịch vụ tổng hợp Hưng Nga tại thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hưng Nga làm chủ đầu tư. Với diện tích hơn 93,678 m2 được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất tại Quyết định số 778 năm 2007, dự kiến 2018 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thế nhưng đã hơn 15 năm trôi qua, đây vẫn chỉ là bãi đất trống.

Bà BÙI THỊ TỈNH, Thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội: “Bây giờ không biết là chủ nào nữa. Lúc trước khi mua, cô Hưng Nga ấy (Doanh nghiệp – PV) có bảo sẽ tạo việc làm cho dân. Nếu sau một năm mà chúng cháu không triển khai làm thì sẽ trả lại đất cho dân. Đến nay chả thấy gì mà cũng không thấy mặt mũi cô ấy đâu”.

Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và được bàn giao mốc giới, từ tháng 3/2010, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hưng Nga đã triển khai thi công xây dựng dự án, tuy nhiên việc thi công bị một số người dân có đất bị thu hồi không đồng tình. Lý do là các hộ dân có đất bị thu hồi nằm trong ranh giới dự án yêu cầu được giao đất dịch vụ theo quy định.

Chị NGUYỄN THỊ HIỀN, Xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội: “Lúc bấy giờ họ nói rằng đó là dự án khu thương mại, nhà ở và cơ sở hạ tầng gì đó, và có hứa với chúng tôi rằng sẽ giải quyết đất dịch vụ cho dân, trong biên bản họp dân để bàn giao là như thế, tất cả đều là giấy tờ viết tay. Đến giờ đã gần 20 năm nay rồi, chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần và đến tận cấp thành phố luôn”.

Anh TRỊNH XUÂN THỦY, Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội: “Từ ngày dự án về đây từ 2005 đến nay rồi nhưng mà 20 năm rồi vẫn chỉ là bãi đất trống, mà đất thì thu rồi cho nên chúng em chỉ có đi làm thuê, làm mướn khắp nơi thôi, không ổn định”.

Đây chỉ là một trong 60 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh được rà soát trong thời gian qua. 47/60 dự án là các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở với quy mô lớn. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, có đến 33/47 dự án chậm tiến độ trên địa bàn huyện Mê Linh đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư, ra quyết định giao, cho thuê đất trước thời điểm hợp nhất huyện Mê Linh về Hà Nội trước 1/8/2008. Việc điều chỉnh theo quy hoạch mới bị mất nhiều thời gian cùng với năng lực tài chính của chủ đầu tư, là những nguyên nhân gây ra tình trạng chậm tiến độ của các dự án này.

Ông TRẦN THANH HOÀI, Phó Chủ tịch huyện Mê Linh, Hà Nội: “Nhu cầu sử dụng đất và hạ tầng của huyện cũng chưa phát triển, chưa đấu nối được đến các dự án, các chủ đầu tư chưa được phối hợp chặt chẽ. Hai nữa là do năng lực tài chính của chủ đầu tư không có đủ khả năng nên trong quá trình triển khai dự án thì kêu gọi, quyên góp hoặc chuyển nhượng dự án”.

Rất nhiều "bờ xôi, ruộng mật" của người dân huyện Mê Linh trong suốt nhiều năm qua đã và đang biến thành bãi hoang để cỏ mọc. Không chỉ lãng phí tài nguyên đất mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Dư luận cũng như người dân Mê Linh đang trông chờ vào những biện pháp mạnh, kịp thời của cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền để hàng nghìn héc ta đất khu vực này nhanh chóng được đưa vào sử dụng đúng mục đích.

Thực tế cho thấy, có vi phạm về đất đai của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án ngoài ngân sách. Việc lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định tại một số địa phương, như ví dụ ở huyện Mê Linh… vẫn phức tạp.

Từ đó, HĐND TP. Hà Nội cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội”, với mục tiêu nhằm thúc đẩy các chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng đất có hiệu quả.

MẠNH TAY VỚI BIỂU HIỆN GIỮ ĐẤT, KHÔNG TRIỂN KHAI

Thảo luận về các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, nhiều đại biểu HĐND đề nghị UBND thành phố tiếp tục rà soát cụ thể với tiến độ nhanh hơn trong thời gian tới. Một số dự án dở dang, chủ đầu tư không muốn triển khai, cần phải có các biện pháp thu hồi ngay để tiếp tục kêu gọi, thu hút những nhà đầu tư có đủ năng lực. Đối với các dự án chậm triển khai sau 24 tháng thì dứt khoát phải thu hồi. Bởi, nếu không có cơ chế thu hồi dự án rõ ràng và kịp thời từ nhà đầu tư cũ, để giao lại dự án cho nhà đầu tư mới, thì dự án đó lại trở thành dự án treo mới.

Ông LƯU QUANG HUY, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội: “Rất nhiều năm chúng ta đã đề cập, nhưng mà triển khai thực hiện cũng chưa được như mong muốn, rất nhiều dự án bị dừng, không triển khai. Tôi có kiến nghị là thời gian tới sau khi chúng ta ban hành là phải cương quyết rà soát và những dự án nào không đủ điều kiện, ta kiên quyết thu hồi, để giao cho các nhà đầu tư có năng lực thực hiện. Và trong nghị quyết ban đầu có nói là cho 2 tháng để bổ sung năng lực thì tôi nghĩ không nên. Đã không đủ đk thì thu hồi. Chứ gia hạn thêm thì chỉ có bàn lùi. Và đặc biệt là rà soát các dự án ở các trục giao thông chính, trọng điểm, đặc biệt là các trục đường đối ngoại chẳng hạn thì nên rà soát trước để triển khai không thì có những trục đường như Nội Bài có những đoạn rào tôn đến chục năm rồi không triển khai”.

Từ thực tiễn địa phương, một số ý kiến đại biểu cho rằng cần giải quyết đất dịch vụ cho người dân khi thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ông HOÀNG ANH TUẤN, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Hà Nội: “Không giải quyết được đất dịch vụ cho người dân thì người dân không đồng tình giải phóng mặt bằng. Vì vậy, trong Nghị quyết phải nêu rõ ván đề. Bởi vì Nghị quyết ban hành như thế nào thì UBND sẽ căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Đây cũng chính là giải pháp tức là giải quyết đất dịch vụ, nếu không giải quyết được thì rất khó triển khai các công việc tiếp theo. Và ghi rõ trong nghị quyết: dự án nào tiếp tục cho triển khai, dự án nào không được triển khai, phải dừng hoặc dự án nào thu hồi”.

Nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng ‘‘đất vàng’’ biến thành các dự án treo, tại Nghị quyết về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội vừa được thông qua, HĐND thành phố nhấn mạnh quan điểm kiên quyết thu hồi với nhà đầu tư không còn phù hợp quy định của pháp luật đầu tư, không có năng lực triển khai dự án. Trường hợp chủ đầu tư chậm, không phối hợp thực hiện thì tổ chức kiểm tra, xử phạt, ngừng, chấm dứt hoạt động của dự án theo pháp luật đầu tư, đề xuất thu hồi đất đã giao theo đúng quy định pháp luật.

Bà HỒ VÂN NGA,Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND Thành phố Hà Nội: “Đề nghị UBND thông qua các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý những dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. Đề nghị UBND có đề án kế hoạch phân công công việc cụ thể, mốc thời gian hoàn thành các công việc chủ yếu từ nay tới hết 2022. Đồng thời đề nghị định kỳ báo cáo kết quả thúc đẩy đầu tư, kết quả xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai với HĐND thành phố".

Xử lý các dự án chậm triển khai là nội dung đã được thành phố Hà Nội đề cập và bàn thảo, tổ chức giám sát và tái giám sát nhiều lần. Tuy nhiên, công tác này chưa có những chuyển biến tích cực. Trong thời điểm hiện nay, khi các quy hoạch trên địa bàn thành phố đã cơ bản được phê duyệt thì việc quản lý, sử dụng lại càng đặt ra yêu cầu cấp thiết và nếu làm tốt, đây sẽ là nguồn lực quan trọng để Hà Nội phát triển kinh tế-xã hội mà không phải chi từ nguồn ngân sách nữa.

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP.Hà Nội khóa 16, các ý kiến-tham luận đã nhận định: Nhiều dự án ngoài ngân sách được giao đất, nhưng đã chậm tiến độ, chậm triển khai, thậm chí vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai và chính sách thuế. Tuy đã kiểm tra và đề xuât các biện pháp, nhưng vẫn vi phạm kéo dài không được xử lý dứt điểm, nên không đưa được đất vào sử dụng hiệu quả. Một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, không thực hiện các thủ tục đế triển khai...,cũng chưa được xử lý mạnh tay.

Kỳ họp thứ 4 của Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội đề nghị phải kiên quyết dứt điểm các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng. Kiên quyết thu hồi các dự án đủ điều kiện theo quy định pháp luật, nhưng cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm. Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư có mục đích phục vụ nhu cầu dân sinh và các dự án kêu gọi đầu tư của thành phố. UBND thành phố Hà Nội đã trình HĐND thành phố 14 giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án dung vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, nhưng chậm triển khai.

THU HỒI DỰ ÁN QUÁ CHẬM TRỄ

Giải pháp mạnh là kiên quyết thu hồi đối với nhà đầu tư không còn phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư, không có năng lực triển khai dự án. Giám sát, hậu kiểm tiến độ đầu tư, định kỳ đánh giá từ khâu nghiên cứu lập dự án, quyết định chủ trương đầu tư đến khi thực hiện xong dự án. Kết nối liên thông, cập nhật lý và khai thác dữ liệu về các dự án đầu tư.
Đặt tiến độ xử lý: Quý II/2022 tập trung hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm. Quý III tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và lập hồ sồ xử lý dứt điểm đối với các vi phạm đã đủ căn cứ. Quý IV tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý và tiếp tục vi phạm.

Những kế hoạch này cần thực thi quyết liệt ngay sau khi Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội được ban hành. Có như vậy mới không lãng phí hàng nghìn hec-ta đất đai, cũng như loại bỏ được những nhà đầu tư không đủ năng lực, làm ăn kiểu “tay không bắt giặc”.

Thực hiện : Ngọc Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-thu-hoi-du-an-ngoai-ngan-sach-cham-trien-khai