Góc nhìn hôm nay: Thu hồi tài sản tham nhũng tăng 290%

15.989.592 triệu đồng là số tiền được ngành Thi hành án Dân sự thu hồi từ những vụ án tham nhũng và kinh tế năm 2022, tăng hơn 11.895 tỷ đồng và tương đương tăng 290,51% so với năm 2021. Đây là kết quả đáng ghi nhận.

“Cú hích” chiến lược là Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cùng với đó là việc Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có một số điều về ủy thác thi hành án trong Luật Thi hành án dân sự, đã tạo bước ngoặt về tổ chức thực hiện. Cùng với đó, hệ thống các cơ quan tố tụng, cơ quan khởi tố, điều tra - kể cả đánh giá, đến định giá tài sản cho vay- cũng được tăng cường hơn. Bởi, thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án dân sự phụ thuộc nhiều vào điều kiện thi hành án của đương sự, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp truy tìm, chứng minh nguồn gốc tài sản. Như vậy, phải áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản. Nhưng quá trình xử lý vụ án hình sự, ngành tòa án chưa quan tâm đúng mức đến phần trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng.

Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử, sau đó tổ chức thi hành án nhưng do người phải chấp hành án lại không còn tài sản, hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp, thậm chí đã bị tẩu tán, che giấu nhằm hợp lý hóa. Chẳng hạn, vụ Huỳnh Thị Huyền Như-quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương TP.Hồ Chí Minh phải thi hành án hơn 15.000 tỷ đồng, nhưng tài sản kê biên xử lý được, chỉ còn không quá 500 tỷ đồng. Vụ nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn-Chi nhánh Nam Hà Nội- Phạm Thị Bích Lương, phải chịu bồi thường hơn 1.600 tỷ đồng, nhưng theo Tổng cục Thi hành án Dân sự, đến nay mới thu hồi được hơn 100 tỷ đồng.

Việc Quốc hội sửa đổi ngay 3 điều 55- 56- 57 của Luật Thi hành án Dân sự theo đề xuất của Bộ Tư pháp, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 04-ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Bộ Tư pháp kịp thời chỉ đạo các cơ quan Thi hành án Dân sự nhanh chóng áp dụng quy định mới của Luật về ủy thác xử lý tài sản thi hành án. Bộ và Tổng cục Thi hành án Dân sự đôn đốc sát sao đối với từng vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm sớm thu hồi tài sản của nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt. Đây có thể coi là tiền đề nhằm đẩy nhanh tiến độ những vụ án có điều kiện thi hành, nhưng phải chuyển sang kỳ sau.

Thực hiện : Ngọc Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-tang-290