Góc nhìn mới về 'Bất chiến tự nhiên thành' trong Binh pháp Tôn Tử

Trong số những cuốn sách nằm lòng của giới quân sự không thể không kể đến cuốn 'Binh pháp Tôn Tử' do Tôn Vũ (Tôn Tử) soạn thảo vào khoảng 2.500 năm trước, thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Cho tới nay, cuốn sách này đã chứng minh được giá trị của mình và trở nên vô cùng nổi tiếng, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và nhiều bản dịch khác nhau. Và bản dịch cuốn The Art of War Sun Tzu (tên tiếng Anh của Binh pháp Tôn Tử), ra mắt ngày 7/1 tới của nữ tác giả Michael Nylan cũng sẽ không phải là bản cuối cùng. Tuy nhiên, bản dịch này sẽ thể hiện được những giá trị riêng khi tập trung vào cả tính chất triết học và chiến thuật mà Tôn Tử muốn thể hiện. Cuốn sách đã toát lên một kết luận đầy nhân văn “nghệ thuật chiến tranh thực sự là không cần phải tham chiến”.

 Cuốn sách sẽ ra mắt ngày 7/1 tới. Ảnh: New York Times.

Cuốn sách sẽ ra mắt ngày 7/1 tới. Ảnh: New York Times.

Nylan là giáo sư về Trung Quốc tại Đại học California và là tác giả của một số tác phẩm học thuật được đánh giá cao. The Art of War Sun Tzu của bà là bản dịch đầu tiên như vậy đến từ một học giả nữ. Nylan cũng chia sẻ rằng bà không phải là người duy nhất ngưỡng mộ tư tưởng của Tôn Tử, mà ngay cả nhiều chính trị gia, tướng lĩnh hàng đầu của nước Mỹ cũng đều từng tham khảo kĩ lưỡng Binh pháp Tôn Tử, như cựu Cố vấn an ninh Mỹ Steve Bannon, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Chính ông Mattis từng nói: “Tất nhiên là các bạn đã biết đến Tôn Tử và Carl von Clausewitz. Lục quân thường dựa vào chiến lược của Clausewitz, nước Phổ; Hải quân dựa vào Alfred Thayer Mahan, người Mỹ và Không quân dựa vào Giulio Douhet, người Italy. Nhưng Thủy quân lục chiến luôn hướng về phương Đông nhiều hơn. Tôi thấy thoải mái hơn nhiều với tư tưởng của Tôn Tử và cách tiếp cận chiến tranh của ông ấy”.

Nylan còn cho biết ông Mattis đã vận dụng các bài học của Tôn Tử trong thời gian ông làm việc cho chính quyền Trump. Và ngay cả Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, sau khi từ chối chi tiền cho bức tường biên giới của ông Trump, đã được một nghị sĩ khác gọi là “Tôn Tử của thời đại chúng ta”.

 Nữ tác giả Nylan có góc nhìn tiếp cận mới về Binh pháp Tôn Tử. Ảnh: Michael Nylan.

Nữ tác giả Nylan có góc nhìn tiếp cận mới về Binh pháp Tôn Tử. Ảnh: Michael Nylan.

So với nhiều bản dịch hoa mỹ khác thì tác phẩm của Nylan tập trung vào những ý chính và hết sức súc tích, dễ hiểu. Để giúp những người ngưỡng mộ Tôn Tử dễ áp dụng các bài học của ông vào cuộc sống hàng ngày, Nylan đã diễn giải ấn tượng cách Tôn Tử đối phó với kẻ thù như thu hút đối phương bằng món lợi nhỏ, tìm cách nắm giữ điểm yếu và tránh đi thế mạnh của họ, tìm cách khiến họ trở nên kiêu ngạo và trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng đương đầu bằng một chiến lược phù hợp.

Để tác phẩm được ra đời với diện mạo hoàn hảo hết sức có thể, Nylan đã nhờ tới một nhóm học giả quốc tế, trong đó có một cựu sĩ quan quân đội và một nhà thơ, cho ý kiến về bản thảo của bà. Giống như những chỉ huy khôn ngoan nhất, bà mong muốn nhận được nhiều lời đánh giá và cả những lời chỉ trích. Sau một quá trình biên tập chỉn chu, bản dịch The Art of War Sun Tzu của bà đầy đủ cấu tứ và sắc sảo.

Còn rất nhiều điều thế hệ trẻ chưa hiểu hết về Binh pháp Tôn Tử và cuốn The Art of War Sun Tzu của Nylan, được tổng hòa đóng góp của nhiều chuyên gia khác, có lẽ là một bản dịch gần gũi, hiện đại và nhấn mạnh vào những giá trị nhân văn. Sau hàng loạt những chiến lược và mưu kế đối phó với đủ mọi kẻ thù, Tôn Tử đã viết: “Giành một trăm chiến thắng trong một trăm trận chiến không phải là kết quả tốt nhất. Điều thành công nhất là khuất phục quân của kẻ thù mà không cần giao chiến với chúng trên chiến trường”.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/goc-nhin-moi-ve-bat-chien-tu-nhien-thanh-trong-binh-phap-ton-tu-post1032573.html