Góc nhìn thực tế từ các khóa tu mùa hè - Kỳ 2: Băn khoăn điều kiện sinh hoạt nơi tu tập

Nắm bắt nhu cầu của các bậc phụ huynh, khi tổ chức khóa tu mùa hè, các nhà chùa xây dựng chủ đề giáo dục kết hợp với giảng pháp về giáo lý nhà Phật, kỹ năng sống để 'chiêu sinh' các tu sinh. Những 'lớp học' với sự tham gia đông đảo của 600 - 1.000 người, liệu việc 'đánh thức' tâm hồn của con trẻ có hiệu quả.

Một hoạt động hướng nghiệp tại “Khóa tu mùa hè”. Ảnh: Chùa Phúc Lâm

Một hoạt động hướng nghiệp tại “Khóa tu mùa hè”. Ảnh: Chùa Phúc Lâm

Quảng cáo “chiêu sinh”?

Ngay từ đầu tháng 5, các nhà chùa tổ chức khóa tu mùa hè đã tất bật cho mùa “chiêu sinh” mới. Các tình nguyện viên làm phụng sự phật pháp và trợ duyên khóa tu ở chùa lên kế hoạch tổ chức, kêu gọi cộng đồng tham gia. Thường mỗi khóa tu diễn ra một ngày, ba ngày, bảy ngày hoặc một tháng. Mỗi đợt tổ chức cho khoảng 300 - 1.000 người tham gia.

Với các chủ đề giáo dục được lựa chọn là: “Để con trưởng thành”, “Thắp sáng trí tuệ”, “Ươm mầm trí tuệ”, “Sống cho hết đời thanh xuân”, “Hành trang tuổi trẻ”, “Búp sen hồng”,… Cùng những lời quảng cáo “có cánh” để giới thiệu các khóa tu như: “Chúng ta đã cùng nhau học tu “Để con trường thành” xây dựng những kỷ niệm để dù có bao xa thì “ký ức không phai” và rồi trước bất cứ sóng gió cuộc đời khó khăn, giông bão nào đi chăng nữa chúng ta cũng luôn vững vàng để “Sống cho hết đời thanh xuân”,...

Hiệu ứng từ các khóa học đạo đức tại ngôi chùa đã trở thành niềm mong đợi của các phụ huynh dành cho con em mình. Sau khi con được chính thức nghỉ hè, chị Nguyễn Hoàng Hà (Hà Nội) đăng ký cho con 10 tuổi tham dự một khóa tu tại chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh).

Từng được bạn bè giới thiệu, cùng với việc tìm hiểu thông tin khóa tu mùa hè tại chùa Ba Vàng với “thương hiệu” 15 năm qua nên dù cách nhà gần 150km, chị Hà bắt xe khách để con có thể tham gia được khóa tu mùa hè.

Chị Hà chia sẻ, rất nhiều phụ huynh rỉ tai nhau về “Khóa tu mùa hè” tại chùa Ba Vàng được tổ chức chuyên nghiệp, an toàn. Nhìn hình ảnh các khóa sinh được đăng tải trên các diễn đàn mạng, tham gia các hoạt động tu tập, rèn kỹ năng sống nên chị Hà rất tin tưởng.

Theo tìm hiểu, mỗi khóa tu có số lượng 600 khóa sinh tham gia, lực lượng tình nguyện viên tham gia cũng là con số khá lớn. Đa số các phụ huynh đều cập nhật hình ảnh thông qua các hoạt động được đăng tải, dù có livestream trực tiếp trên mạng xã hội nhưng thực tế chỉ là hoạt động bề nổi.

Từng có video quay lại hình ảnh vị sư trụ trì chùa Ba Vàng đến thăm hỏi chỗ nghỉ ngơi của các khóa sinh. Trong không gian rộng, không màn, các khóa sinh ngủ dưới nền trải chiếu, các quạt cây được đặt xung quanh. Từ hình ảnh thực tế, điều kiện sinh hoạt khá thiếu thốn khi phục vụ cho gần 600 khóa sinh tham gia một đợt. Trong đó, mỗi khóa sinh có điều kiện sinh sống khác nhau, nay tập trung trong không gian tu tập từng là địa điểm sinh hoạt Phật giáo khó tránh khỏi những phát sinh ngoài ý muốn.

Theo chị Hà, để giành một suất cho con tham dự khóa tu mùa hè chị Hà phải đăng ký theo đường link đăng tải trên trang website của chùa, cùng việc cam kết thực hiện các nội quy, nhắc nhở con cái không phạm quy. Mặc dù các khóa tu mùa hè đều miễn phí nhưng chị biết rất nhiều phụ huynh đều “cúng dường” với số tiền tùy tâm. Số tiền trên được gửi khi đến đăng ký cho con.

Trước đó, khóa tu mùa hè tại chùa Ba Vàng được tổ chức từ năm 2009 với 100 khóa sinh, đến nay trải qua 15 năm con số ấy đã lên đến hơn 22.000 khóa sinh. Dù điều kiện cơ sở vật chất đã khang trang hơn nhưng với mỗi khóa tu mùa hè thu hút số lượng 600 người tham gia, thì câu hỏi về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt liệu có đáp ứng vẫn bị “bỏ ngỏ”.

Tiếng “tuýt còi” của cơ quan quản lý

Sau khi thông tin chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị phụ huynh “tố” vì sự tắc trách, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn hồi tháng 6/2023, Ban Tôn giáo huyện Thanh Oai, Ban Tôn giáo TP Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra các ngôi chùa trên địa bàn tổ chức “Khóa tu mùa hè”. UBND huyện Thanh Oai đã ban hành Văn bản số 1261/UBND-NV về việc tăng cường, kiểm tra, rà soát tổ chức khóa tu mùa Hè tại các cơ sở tự viện Phật giáo trên địa bàn huyện năm 2023. Yêu cầu UBND các xã, thị trấn, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện tổng kiểm tra, rà soát, hướng dẫn tổ chức khóa tu hè năm 2023 đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, việc tổ chức khóa tu hè thực hiện theo quy định về Thông báo bổ sung hoạt động tôn giáo (Khoản 3 Điều 43, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo), gồm: Thời gian, địa điểm tổ chức khóa tu; Danh sách đăng ký tham gia khóa tu hè; Chương trình, nội dung hoạt động; Danh sách Ban Tổ chức, giảng sư, người phụ trách các nội dung giảng dạy, hoạt động; Các điều kiện bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt của học sinh, sinh viên; chức sắc, tăng ni; Phương án đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Nếu khóa tu mùa hè có nội dung chương trình diễn ra ngoài cơ sở thờ tự, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn Trụ trì cơ sở tự viện thực hiện theo quy định về Cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp (Điều 46 - Luật Tín ngưỡng, tôn giáo).

Thông tin từ Ban Tôn giáo TP Hà Nội, những năm gần đây, trong các dịp nghỉ hè của học sinh, sinh viên, nhiều cơ sở tự viện Phật giáo đã mở các khóa tu mùa hè. Rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến các khóa tu này với mong muốn có những sinh hoạt ý nghĩa cho con em trong dịp hè.

Ngay sau sự việc đáng tiếc xảy ra tại chùa Cự Đà được báo chí phản ánh, Ban Tôn giáo TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo gửi UBND các quận, huyện, thị xã và Ban Trị sự Phật giáo các quận, huyện, thị xã đề nghị tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các khóa tu mùa hè. Đặc biệt nêu rõ, không chấp thuận các cơ sở tự viện chưa đủ điều kiện, năng lực tổ chức các hoạt động khóa tu mùa hè.

Đồng thời, Ban Tôn giáo TP Hà Nội tổ chức kiểm tra đợt 1 từ ngày 21 - 26/6/2023 tại 3 cơ sở tự viện: Chùa Phúc Lâm (huyện Thường Tín), chùa Đình Quán (quận Bắc Từ Liêm), chùa Khai Nguyên (thị xã Sơn Tây).

Trên tinh thần nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo sát sao, thể hiện tính của chủ động của các cơ quan chức năng. Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ sở tự viện tổ chức các khóa tu hè đảm bảo quy định pháp luật, phù hợp giáo lý Phật giáo, văn hóa truyền thống.

Thống kê, năm 2022, trên địa bàn TP Hà Nội có 32 chùa thuộc 18 quận, huyện, thị xã tổ chức 53 khóa tu mùa hè cho khoảng 14.500 học sinh, sinh viên thanh, thiếu niên phật tử.

(còn nữa)

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/goc-nhin-thuc-te-tu-cac-khoa-tu-mua-he-ky-2-ban-khoan-dieu-kien-sinh-hoat-noi-tu-tap-345450.html