Góc nhìn từ những nữ đại biểu dân cử

Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, từng bước hiện thực hóa, xóa bỏ bất bình đẳng giới, phát huy ngày cao hơn vai trò tham chính của phụ nữ. Thực hiện chủ trương đó, trong những năm qua, việc tạo điều kiện, nâng cao quyền năng chính trị của phụ nữ Lào Cai ngày càng được quan tâm, trong đó nhiều nữ đại biểu dân cử với nỗ lực vươn lên, cống hiến đã và đang phát huy vai trò của mình, tham gia hiệu quả và trách nhiệm vào đời sống chính trị.

Chị Thào Thị Mỷ (sinh năm 1981) sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con ở thôn Khe Đền 2, xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng). Ở thôn nghèo với 100% đồng bào Mông sinh sống, trước đây, việc học hành của đồng bào nói chung, của trẻ em gái nói riêng không mấy được quan tâm bởi cái đói, cái nghèo che khuất giấc mơ đi tìm con chữ. Chị Mỷ cũng không ngoại lệ. Là con cả trong gia đình, tuổi thơ của chị là những ngày ở nhà phụ giúp bố mẹ trông các em, theo chân cha mẹ lên nương. Cơ hội học tập duy nhất được trao cho người em nhỏ tuổi, thế nhưng vì quá nhỏ, em của Mỷ chưa thể tự lập được khi xa gia đình để theo học nội trú ở phố huyện, vậy là chị Mỷ sau nhiều lần xin bố mẹ cũng được đến trường. Năm 10 tuổi, lần đầu tiên Thào Thị Mỷ bước chân ra khỏi bản nghèo, trở thành bé gái đầu tiên ở thôn đi tìm con chữ.

Chặng đường 12 km từ nhà đến trường và ngược lại chẳng thể ngăn bước chân đến lớp của cô bé Thào Thị Mỷ khi ấy. Trong ký ức nhiều người dân ở thôn nghèo, thuở ấy cả thôn có chừng 4 - 5 đứa trẻ xa gia đình để đi học nội trú, trong đó có duy nhất Mỷ là bé gái. Học xong THCS, đám bạn trong thôn cùng học với Mỷ nghỉ học, chị là người duy nhất tiếp tục học lên THPT. Về sau, được địa phương quan tâm, giới thiệu, chị tham gia học lớp trung cấp lý luận chính trị và nghiệp vụ phụ vận, sau đó tiếp tục hoàn thành chương trình bổ túc. Chị cũng là nữ cán bộ đầu tiên ở thôn hoàn thành bậc học đại học. Mới đây, chị hoàn thành chương trình cao học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Sự học đã mang lại cho chị Mỷ nhiều cơ hội, mở ra những chân trời mới. Chị trải qua nhiều vị trí công tác như Phó Bí thư, Bí thư Huyện đoàn. Từ năm 2016 đến nay, chị là Phó Chủ tịch HĐND huyện. Năm 2020, chị Mỷ tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Thắng. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, chị Mỷ mang thêm trên vai trọng trách là đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI.

Nữ đại biểu Thào Thị Mỷ tâm sự, trở thành nữ đại biểu dân cử là vinh dự lớn nhưng cũng đặt ra những trọng trách đối với cá nhân chị. Để xứng đáng là người đại biểu “dân tin, Đảng cử”, chị luôn cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao, làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân; thực hiện tốt vai trò giám sát của người đại biểu; tham gia phát biểu, thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp.

Từ một cô bé ở vùng khó trở thành nữ cán bộ, nữ đại biểu người Mông, đó là một hành trình gian nan nhưng chị Thào Thị Mỷ luôn vững lòng tin, chỉ cần bản thân luôn nỗ lực, quyết tâm thì không khó khăn nào là không thể vượt qua. Từ niềm tin cử tri gửi gắm, chị luôn quyết tâm đóng góp tiếng nói vào những quyết sách của địa phương, vì mục tiêu phát triển chung của huyện và của tỉnh.

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Nguyễn Thị Lan Anh. Chị Lan Anh hiện là Trưởng khoa Nông Lâm - Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, chị lần đầu tiên gánh trọng trách của người đại biểu dân cử, trở thành 1 trong 6 đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai. Chị cũng là thành viên của nhóm Nghị sĩ trẻ của Quốc hội; nhóm Nữ nghị sĩ của Quốc hội; nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Australia.

Nhớ lại lần đầu tiên chuẩn bị nội dung phát biểu tại nghị trường, chị Lan Anh không tránh khỏi những hồi hộp, lo lắng xen lẫn với mong chờ được đóng góp ý kiến, đưa tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến nghị trường. Giờ đây, tâm thế ấy được thay bằng sự trưởng thành, tự tin. Chị luôn tham gia, phát huy vai trò của người đại biểu dân cử. Mới đây, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại các phiên thảo luận, nữ đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đã tham gia ý kiến về nhiều nội dung như điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030; tham gia nội dung Luật Phòng không nhân dân; Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong các phiên thảo luận tại đoàn, chị cũng tham gia, phát biểu ý kiến ở nhiều nội dung. Để việc tham gia ý kiến đúng, trúng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, trước mỗi vấn đề, chị luôn nghiên cứu kỹ, lồng gắn lý luận với thực tiễn.

Không chỉ là một giảng viên, đại biểu Quốc hội, khi trở về gia đình, chị luôn làm tròn vai của một người vợ, người mẹ. Khối lượng công việc lớn, trọng trách ngày càng cao và những bận rộn của một người mẹ đang chăm con nhỏ đòi hỏi chị phải sắp xếp thời gian hợp lý. Nữ đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, dù ở vai trò nào thì chị cũng không gặp những rào cản về giới.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều nữ đại biểu dân cử đang ngày càng khẳng định vị thế, quyền năng chính trị của phụ nữ Lào Cai. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 tăng so với nhiệm kỳ trước. Các nữ đại biểu với nỗ lực vươn lên, tận tâm, nhiệt huyết đang ngày càng phát huy vai trò của mình trong đời sống chính trị, xứng đáng với niềm tin của cử tri giao phó.

Quỳnh Trang

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/goc-nhin-tu-nhung-nu-dai-bieu-dan-cu-post389445.html