Góc nhìn về chiến tranh phía sau một dự luật

Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát mới đây đã thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng trị giá hơn 733 tỷ USD cho tài khóa 2020. Dự luật này đã tạo ra 'cơn sốt đặc biệt' trên chính trường Mỹ do có một điều khoản bổ sung với mục đích ngăn chặn Tổng thống Donald Trump triển khai biện pháp quân sự đối với Iran.

Bất chấp lời đe dọa phủ quyết của Tổng thống Donald Trump, Dự thảo Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) năm 2020 đã được thông qua tại Hạ viện Mỹ vào cuối tuần qua với 251 phiếu thuận và 170 phiếu chống. Dự thảo NDAA 2020 có một số điều khoản trái với mong muốn của ông Donald Trump, chẳng hạn như ngân sách cho chi tiêu quốc phòng ít hơn 17 tỷ USD so với mức mà người đứng đầu Nhà Trắng đề nghị và không cấp ngân sách cho kế hoạch xây dựng bức tường biên giới phía Nam với Mexico.

Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả, dự luật này bao gồm một nội dung sửa đổi, đó là cấm chính quyền Tổng thống Donald Trump sử dụng ngân sách liên bang để triển khai hành động quân sự nhằm vào Iran, trừ khi Quốc hội Mỹ “bật đèn xanh” bằng cách tuyên bố tình trạng chiến tranh. Dĩ nhiên, Tổng thống Donald Trump hoàn toàn có quyền ra lệnh đáp trả đối với một cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ. Theo tờ USA Today, 27 nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đã đứng về phe Dân chủ và tán thành đề xuất này.

Dễ nhận thấy việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nói trên xuất phát từ quan hệ không ngừng gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran thời gian gần đây. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), mà Iran đã ký với các cường quốc, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Nguy cơ đụng độ quân sự càng nổi lên rõ rệt sau khi Mỹ và các đồng minh cáo buộc Iran thực hiện các vụ tấn công tàu chở dầu và chở hàng gần Eo biển Hormuz vào giữa tháng 6 vừa qua, cùng với đó là việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắn rơi chiếc máy bay do thám không người lái của Mỹ với lý do máy bay này vi phạm không phận của Tehran.

Dù khẳng định sẵn sàng đối thoại với Iran, song ông Donald Trump cũng từng khiến dư luận thót tim khi tuyên bố hủy lệnh tấn công trả đũa Iran “vào phút chót”. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông không muốn chiến tranh nhưng sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và khẳng định “chiến tranh luôn có nguy cơ xảy ra”.

Song song với những tuyên bố đó, quân đội Mỹ cũng điều động số lượng lớn binh sĩ cùng tàu chiến, máy bay ném bom chiến lược đến khu vực Trung Đông. Những động thái này càng khiến giới phân tích lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đụng độ quân sự giữa Mỹ và Iran nếu đôi bên có những tính toán sai lầm, nhất là khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông có quyền phát lệnh tấn công Iran mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.

Trên thực tế, dự luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua vẫn cần được thống nhất với một dự luật tương tự khác do Thượng viện đề xuất trước khi trình lên Tổng thống Donald Trump ký thành luật. Tuy nhiên, có thể nhận thấy ngay trong nội bộ nước Mỹ đang tồn tại nhiều quan điểm trái chiều liên quan tới quyền hạn của Tổng thống Donald Trump trong việc triển khai các hành động quân sự. Theo hãng tin NBC, hiện có nhiều nghị sĩ Mỹ bác bỏ đề xuất dùng biện pháp quân sự với Iran, nhưng một số quan chức khác lại bày tỏ sẵn sàng áp dụng đạo luật cho phép sử dụng sức mạnh quân sự (AUMF), có hiệu lực từ năm 2001. Bởi theo đạo luật này, nếu như chỉ ra được mối liên hệ giữa Iran và tổ chức khủng bố al-Qaeda hoặc liệt Iran vào danh sách các mối đe dọa khủng bố, ông Donald Trump có thể ra lệnh đánh phủ đầu Tehran mà không cần tới sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.

Hãng tin AFP cũng dẫn lời Hạ nghị sĩ Ro Khanna đảng Dân chủ nói rằng việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nói trên chứng tỏ lưỡng viện Quốc hội và công chúng Mỹ đều không muốn cường quốc số 1 thế giới sa lầy vào một cuộc chiến ở Trung Đông. Bởi nước Mỹ đã quá mệt mỏi với các cuộc chiến tranh liên miên.

Tương tự, theo tờ USA Today, Nghị sĩ Matt Gaetz cho rằng điều khoản bổ sung mà Hạ viện Mỹ thông qua không có nghĩa rằng nước Mỹ chấp nhận buông vũ khí, mà mục tiêu chính là hạn chế quyền hạn của tổng thống nhằm tránh đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến hao tiền tốn của và có thể kéo dài hàng thập kỷ.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/goc-nhin-ve-chien-tranh-phia-sau-mot-du-luat-582493