Góc nhìn về cổ phiếu chứng khoán Việt Nam nhìn từ trường hợp của cổ phiếu Robinhood
Cú lao dốc của cổ phiếu Robinhood đang đặt ra câu hỏi, liệu cổ phiếu của các công ty chứng khoán Việt Nam có đang được thị trường định giá cao?
Cú mất phanh của cổ phiếu Robinhood…
Hôm thứ Tư tuần trước, cổ phiếu HOOD của nền tảng giao dịch chứng khoán trực tuyến đình đám thế giới Robinhood đóng cửa phiên giao dịch ở mức giá 21,91 USD/cổ phiếu, giảm mạnh so với giá chào sàn 38 USD/cổ phiếu hồi tháng 7/2021 và 74% so với mức giá cao nhất 85 USD mà cổ phiếu này thiết lập được trên sàn chứng khoán Nasdaq hồi đầu năm nay. Tính chung, giá cổ phiếu HOOD đã hạ nhiệt hơn 4 tuần kể từ thời điểm chào sàn.
Cần phải nói thêm rằng, sự kiện IPO của Robinhood trên sàn công nghệ Nasdaq là một trong những sự kiện IPO được chào đón và kỳ vọng nhất trong năm qua trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Lý do là bởi nền tảng giao dịch chứng khoán trực tuyến này đóng vai trò trung tâm trong làn sóng gia nhập thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân Mỹ trong 2 năm qua, vì thế Robinhood đã nhanh chóng nâng được số lượng khách hàng của mình lên tới 22 triệu vào hồi năm ngoái.
Được thành lập cách đây chưa tới 10 năm, những năm gần đây Robinhood đang làm mưa làm gió trong ngành công nghiệp môi giới chứng khoán Mỹ khi thu hút rất nhiều nhà đầu tư trẻ tham gia nhờ chính sách miễn phí giao dịch.
Đây là phân khúc khách hàng mà những “lão làng” trong làng chứng khoán nước này như Fidelity Investments và Vanguard Group rất khao khát nhưng không làm được.
Ông Devin Ryan, chuyên gia phân tích về Robinhood và là Giám đốc nghiên cứu về các công ty công nghệ tài chính thuộc JMP Securities, đánh giá: “Mô hình kinh doanh của Robinhood không cho thấy sự ổn định, dẫn tới doanh thu bấp bênh”. Số liệu tài chính của Robinhood cũng cho thấy, doanh thu trong Quý III/2021 của công ty đã giảm 35% so với quý trước đó. Công ty dự báo doanh thu Quý IV sẽ còn giảm tiếp.
Hiện sức ép giảm giá của cổ phiếu HOOD vẫn đang còn đó khi hàng trăm triệu cổ phiếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư đã nắm cổ phiếu này lâu ngày và nhân viên công ty được phép bán ra thị trường sau quá trình bị hạn chế giao dịch.
…Và cổ phiếu chứng khoán Việt Nam
Kể từ khi đạt đỉnh cách đây hơn 1 tháng, cho tới nay hầu hết các cổ phiếu chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã chiết khấu tới 25-30%. Trong chuỗi ngày sóng gió thị trường vừa qua, đã có một số phiên cổ phiếu chứng khoán nằm sàn la liệt, bất luận đó là cổ phiếu của công ty chứng khoán lớn hay nhỏ.
Đà bán tháo hàng loạt cổ phiếu trên diện rộng đã làm cho nhóm cổ phiếu vốn nhạy cảm nhất với sự biến động của thị trường này bị ảnh hưởng đáng kể.
Thế nhưng nếu nhìn một cách bình tĩnh, thấu đáo và lý trí hơn, có thể thấy thị giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán đã tăng rất mạnh, nếu không muốn nói là nóng, trong hơn 1 năm qua.
Cụ thể, kể từ hồi quý III/2020 cho tới khi đạt đỉnh vào hồi cuối tháng 11 và trung tuần tháng 12/2021, thị giá của nhóm cổ phiếu này đã tăng với một tốc độ chóng mặt, lên tới 10-11 lần. Rõ ràng là nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng quá lớn vào nhóm cổ phiếu này trong thời gian vừa qua, dẫn tới việc đẩy giá cổ phiếu lên quá nhanh và cao quá mức so với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu của doanh nghiệp.
Có một phân tích rất đáng chú ý của chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực mà nhà đầu tư nên quan tâm. Theo ông Lực, TTCK đang tăng nóng so với toàn cầu. Năm 2020, GDP toàn cầu tăng trưởng âm 3,1% nhưng nhờ dòng vốn rẻ cùng một số nguyên nhân khác, chỉ số chứng khoán thế giới vẫn tăng khoảng 14%. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế phục hồi, chỉ số chứng khoán thế giới tăng khoảng 20%.
Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng khoảng 15% trong năm 2020 nhưng năm 2021 tăng tới 35%, dù GDP năm 2021 chỉ tăng 2,6%. So với Philipines, tăng trưởng kinh tế nước này ở mức khoảng 5% trong năm 2021 và kỳ vọng năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng tương đương Việt Nam, nhưng chỉ số chứng khoán chỉ tăng vỏn vẹn 2%.
“Chứng khoán có phần hơi nóng và hơi lệch pha với kinh tế thực. Bên cạnh đó, trên TTCK có hiện tượng tâm lý đám đông, một số doanh nghiệp làm ăn không tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng rất nhanh, phát hành cổ phiếu, trái phiếu rất thành công”, TS. Lực nói.
Lập luận của nhà đầu tư khi rót tiền vào nhóm cổ phiếu chứng khoán là sự thăng hoa của thị trường kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra trong bối cảnh lãi suất thấp đã thu hút một số lượng rất lớn nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Số liệu thống kê của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, chỉ tính riêng năm 2021 số tài khoản chứng khoán mở mới đã lên tới hơn 1,5 triệu tài khoản, gấp 1,5 lần so với tổng số tài khoản chứng khoán được mở mới trong 4 năm trước đó.
Dòng tiền mới ồ ạt đổ vào thị trường cùng với tâm lý sợ mất cơ hội (FOMO) của đám đông nhà đầu tư cá nhân đã đẩy thanh khoản thị trường, giá cổ phiếu và chỉ số VN-Index liên tục thiết lập những đỉnh cao mới.
Đây chính là động lực giúp doanh thu và lợi nhuận của các công ty chứng khoán tăng mạnh trong 2 năm qua, xét ở cả khía cạnh phí giao dịch, hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ và tự doanh.
Tuy nhiên, không cần cất công nghiên cứu báo cáo tài chính của công ty chứng khoán nào cũng có thể hình dung, dù doanh thu có tăng mạnh đến đâu thì cũng không thể bắt kịp được với tốc độ tăng giá theo kiểu “Thánh Gióng” nói trên của cổ phiếu.
Triết học có cặp phạm trù giá cả và giá trị, còn trong chứng khoán có cặp khái niệm thị giá và định giá cổ phiếu. Một khi thị giá thoát ly quá xa so với giá trị của cổ phiếu được định giá bằng các phương pháp khoa học và được thừa nhận rộng rãi, thì giá cổ phiếu phải “quay đầu” để thu hẹp khoảng cách này. Đây là điều mà nhà đầu tư cần luôn ghi nhớ, để tránh chuốc lấy rủi ro cho mình trong hành trình đầu tư trên thị trường chứng khoán.