Thành phố Hồ Chí Minh phát triển du lịch đặc trưng mỗi xã, phường mới

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã triển khai một số chương trình chuyên đề phát triển du lịch như gắn với ẩm thực có quy mô và tính trải nghiệm cao, góp phần tạo cảm xúc, chiều sâu cho sản phẩm du lịch.

Du khách tham quan Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Du khách tham quan Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Song song với phát huy những giá trị hiện có, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang thúc đẩy đa dạng chương trình, làm mới sản phẩm truyền thống bằng cách gắn với nguồn tài nguyên mới sau hợp nhất các địa phương và cơ chế vận hành chính quyền 2 cấp.

Sở Du lịch thành phố đã triển khai một số chương trình chuyên đề phát triển du lịch như gắn với ẩm thực có quy mô và tính trải nghiệm cao, góp phần tạo cảm xúc, chiều sâu cho sản phẩm du lịch.

Làm mới sản phẩm truyền thống với ẩm thực

Thành phố Hồ Chí Minh đã vận dụng nguồn lực của các bên liên quan trong hệ sinh thái du lịch, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, khách du lịch… cho đến đơn vị tư vấn chuyên môn để khai thác tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch thông qua chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng.”

Đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai chương trình với tên gọi là mô hình “mỗi xã, phường một hoạt động du lịch đặc trưng” để tập trung phát huy tối đa giá trị văn hóa, tài nguyên trên địa bàn, trong đó có ẩm thực.

Ghi nhận thực tế cho thấy ẩm thực Thành phố Hồ Chí Minh là một hành trình đầy màu sắc và là nơi những quán ăn gia truyền lưu giữ hương vị truyền thống qua bao thế hệ.

Điển hình, bánh mỳ Hòa Mã, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến không thể bỏ qua với ổ bánh mỳ pate đậm chất Sài Gòn; bánh khọt phường Vũng Tàu là món ăn dân dã, giòn rụm, đậm đà hương vị biển; bánh bèo bì Mỹ Liên, chợ Búng-Lái Thiêu, trứ danh hơn 100 năm tuổi…

Những quán ăn này không chỉ là nơi du khách trong và ngoài nước có thể thưởng thức ẩm thực, còn là hành trình khám phá văn hóa và lịch sử của vùng đất phương Nam.

Ngoài ra, du khách trong và ngoài nước đến Thành phố Hồ Chí Minh vào mùa hè 2025 còn có thể thưởng thức gỏi gà măng cụt là món đặc sản “có mùa” độc đáo và khó tìm ở những điểm đến khác; hay bò nhúng mắm ruốc ngã ba Cây Nhang, cháo môn lươn… trong một số chương trình, sản phẩm tour tuyến mới được ngành du lịch thành phố xây dựng phát triển gần đây.

Thành phố Hồ Chí Minh sau khi chính thức hợp nhất với các địa phương không chỉ gia tăng về diện tích và dân số, còn kiến tạo nên một không gian kinh tế-du lịch đặc biệt, hội tụ đủ những yếu tố hấp dẫn cho điểm đến du lịch như đô thị hiện đại, công nghiệp tiên tiến, biển đảo nghỉ dưỡng và văn hóa truyền thống.

Chị Thúy Hà, du khách từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh cùng gia đình du lịch hè 2025, chia sẻ rất háo hức khi được một số doanh nghiệp du lịch-lữ hành giới thiệu phong phú hành trình từ phố ra biển, mang đến trải nghiệm mới lạ qua kết nối những không gian đô thị trung tâm, vùng sinh thái ven sông và vùng nghỉ dưỡng biển trong một tour tuyến liên tục.

Ngoài ra, gia đình khá ấn tượng với những sản phẩm chuyên đề ẩm thực, vì hội tụ phong phú món ngon của cả vùng Đông Nam Bộ, nhất là du khách phương xa có thể thưởng thức đặc sản địa phương theo mùa vụ hay ẩm thực gia truyền - quán xưa tại điểm đến.

Khai thác dư địa mở rộng thị phần khách

Anh Tuấn Vũ, hướng dẫn viên du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ra rằng với gần 93.000 phòng lưu trú, từ khách sạn cao cấp đến homestay, resort sinh thái, cùng hệ thống trung tâm mua sắm, bệnh viện quốc tế, sân golf, khu giải trí..., Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có khả năng đón tiếp song song khách nội địa quy mô lớn và khách quốc tế cao cấp.

 Khách quốc tế tham quan Chợ Bến Thành, biểu tượng du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Khách quốc tế tham quan Chợ Bến Thành, biểu tượng du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Mặt khác, thành phố với không gian đô thị nổi bật, gồm: hệ thống di sản kiến trúc, bảo tàng hiện đại, chợ truyền thống, ẩm thực đường phố, không gian sáng tạo và lễ hội… là nơi có thể phát triển mạnh tour MICE, city tour, du lịch văn hóa, sản phẩm du lịch đêm…

Riêng hệ thống cảng biển, logistics, giao thông thủy nội địa và hàng loạt tuyến sông lớn như sông Sài Gòn, Nhà Bè… đang mở ra dư địa phát triển du lịch đường sông cho Thành phố Hồ Chí Minh sau hợp nhất.

Thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy trong phạm vi địa lý mới thì thành phố hiện sở hữu 681 tài nguyên có khả năng trở thành điểm đến du lịch, với cấu trúc trải rộng và phân vùng rõ ràng theo tính chất. Đây là thời điểm thành phố đứng trước một cơ hội vàng để tái cấu trúc ngành du lịch, chuyển dịch từ phát triển theo vùng riêng lẻ sang mô hình tích hợp - đa trung tâm - bền vững.

Trong đó, có thể kể đến đa dạng loại hình du lịch chuyên biệt như du lịch y tế, du lịch MICE cao cấp hay du lịch di sản số đang được định hướng phát triển mạnh, đồng thời được xác định là những phân khúc phù hợp với thế mạnh hiện hữu của thành phố như hệ thống bệnh viện hiện đại, cơ sở hạ tầng lưu trú, hội nghị đạt chuẩn quốc tế và kho tàng di sản văn hóa, cách mạng phong phú.

Hơn thế nữa, việc chú trọng đầu tư vào những loại hình này không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm mà còn tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt, góp phần khẳng định vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến chuyên sâu, hấp dẫn ở phân khúc khách có giá trị cao.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch không thể phát triển đơn lẻ, mà cần được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch tổng thể, liên kết vùng và nhiều lĩnh vực như giao thông, y tế, văn hóa, thể thao, công nghệ…

Điều này càng rõ nét trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng sau sáp nhập, cũng như phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp giữa tài nguyên, con người, hạ tầng và chính sách.

Do đó, bên cạnh phát triển du lịch đặc trưng mỗi xã, phường mới, Thành phố Hồ Chí Minh còn đẩy mạnh liên kết thế mạnh của từng địa phương, tiết kiệm nguồn lực, tận dụng thị trường của nhau và tạo ra thương hiệu vùng thể hiện rõ nét qua liên kết hợp tác phát triển giữa thành phố với các vùng, cũng như tỉnh, thành trên cả nước.

"Triết lý 'sáng tạo truyền thống' sẽ được ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai trong mô hình lễ hội, sự kiện và sản phẩm du lịch để khai thác tối đa sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, nhà nghiên cứu văn hóa, tổ chức tư vấn xây dựng sản phẩm du lịch thành phố. Bởi trong thời gian qua, sáng tạo truyền thống trong việc tổ chức sự kiện lễ hội trên địa bàn thành phố như Lễ hội Áo dài; Lễ hội Sông nước… với sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống, công nghệ hiện đại và hình thức biểu diễn đương đại đã mang đến những góc nhìn mới, cảm nhận mới cho khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh," bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-phat-trien-du-lich-dac-trung-moi-xa-phuong-moi-post1049259.vnp