Gói 120.000 tỉ đồng: Đừng để chính sách chưa ngấm đã 'bốc hơi'
Việc gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chậm chạp không ngoài dự đoán của giới chuyên gia.
Giải ngân gói 120.000 tỉ đồng rất chậm
Phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 499 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ, trong đó 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 40.0000 căn.
Tuy nhiên, còn nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại đề án. Một số địa phương đến nay vẫn chưa có dự án NƠXH được khởi công mới.
Đáng chú ý, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư NƠXH, nhà ở cho công nhân.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết thực hiện triển khai chương trình 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 của Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai cho vay.
Hiện nay, 28 địa phương đã công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Đến nay, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỉ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 dự án NƠXH tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỉ đồng.
Theo NHNN Việt Nam, tỷ lệ giải ngân của chương trình 120.000 tỉ đồng vẫn còn thấp là do phần lớn các dự án được công bố mới đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục, bắt đầu triển khai.
Đặc biệt, nguồn cung NƠXH còn hạn chế do UBND một số tỉnh, thành phố còn chưa công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn chương trình; một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác); một số dự án còn gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Theo ông Hà, chương trình 120.000 tỉ đồng được triển khai trong 10 năm (đến năm 2030) nhằm thực hiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH, từ đó tạo ra khối lượng hoàn thành công trình để có thể giải ngân cho vay.
Năm 2024, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phát triển NƠXH, nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ. Ngoài ra, cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này.
Chính sách chưa phù hợp thì cần điều chỉnh
Thực tế, việc gói tín dụng 120.000 tỉ đồng triển khai chậm chạp không ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Nguyên nhân chủ yếu tập trung ở mức lãi suất còn khá cao, thời gian ưu đãi ngắn…
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng gói 120.000 tỉ đồng cho thấy sự cố gắng của chính phủ trong việc hỗ trợ cho người có nhu cầu thực, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này còn khá ít so với mặt bằng lãi suất hiện đang khá cao. Do đó, cần cân nhắc để giảm thêm nhằm thu hút được người dân tham gia vào gói này.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng gói 120.000 tỉ đồng chỉ là biện pháp “chữa cháy”. Do đó, nên có một quỹ mới gắn với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Gói này phải từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác nữa chứ không riêng từ ngân hàng thương mại.
“Nếu giữ nguyên các điều kiện như gói này thì rất khó để có giải pháp cải thiện trong thời gian tới”, ông Phong nói và đề nghị cần tăng cường nguồn cung nhà ở xã hội, đồng thời nên có một gói vay tương tự như gói 30.000 tỉ đồng như giai đoạn trước đây, với lãi suất thấp trong thời gian lâu dài.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng gói 120.000 tỉ đồng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. “Nếu không có sự điều chỉnh, chính sách sẽ không “ngấm” vào thực tiễn, thay vào đó nó sẽ “bốc hơi””, ông Hiếu nêu.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lan Hưng cho rằng vấn đề vốn cho các dự án NƠXH rất nan giải và gói 120.000 tỉ thực tế không đi vào cuộc sống.
Trước thắc mắc của doanh nghiệp, tại hội nghị về NƠXH mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định để phát triển NƠXH thì vấn đề "tiền đâu" là hết sức quan trọng.
"Phải nhìn nhận thực tế các lĩnh vực khác giải ngân rất nhanh, riêng lĩnh vực này giải ngân vô cùng chậm. Điều này, Thủ tướng thực sự không hài lòng. Nguyên nhân như doanh nghiệp nói là "rất khó tiếp cận". Tôi cũng nghĩ các ngân hàng thương mại phải hết sức "cách mạng" thì mới làm công việc này, về mặt kinh doanh phải tính toán kinh tế. Cho một anh vay không phải ưu đãi gì, cho vay bình thường thì sẽ tốt hơn là cho những anh vay ưu đãi", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng cho rằng có thể chính sách đề ra chưa hợp với vấn đề kinh tế, phía ngân hàng cần rà soát, đánh giá lại, không thể duy ý chí. Tiền để đấy mà không giải ngân được đồng nào, trong khi nhu cầu rất lớn là điều phản ánh không đúng thực tế.
“Cần xem lại chính sách sai ở đâu đó, không nên đề ra những chính sách không đúng với thị trường”, Phó thủ tướng nói.