Gói an sinh xã hội không thấm vào đâu so với khó khăn của cử tri TP. HCM
nh hưởng dịch Covid-19, buộc 'ai ở đâu thì ở đó' trong 4 tháng qua. Dù cho cả hệ thống chính trị - xã hội tăng cường các gói an sinh xã hội nhưng cũng không thấm vào đâu so với khó khăn của cử tri TP. HCM.
Ngày 6/10, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. HCM đơn vị số 4 đã có buổi tiếp xúc trực tuyến cử tri quận 12 trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Khó khăn buộc lao động nhập cư phải rời TP. HCM trở về quê. Ảnh Thái Sơn
Chỉ số GRDP của TP. HCM là -24,39%
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đề nghị ĐBQH TP. HCM đã ý kiến đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm có những chính sách, giải pháp hỗ trợ TP. HCM thực hiện mục tiêu kép là tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội để tiến tới đưa TP. trở lại trạng thái bình thường.
Điển hình, cử tri Nguyễn Ngọc Huệ (khu phố 3, phường Đông Hưng Thuận) đề nghị nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh khôi phục sản xuất, giảm thuế, giảm lãi suất vay, hỗ trợ vốn; đề nghị Chính phủ cần sớm có gói an sinh để giữ chân người lao động ở lại TP. HCM khi tái sản xuất.
Cử tri Phạm Văn Miện (khu phố 9, phường Tân Chánh Hiệp) cho biết, hiện tỷ lệ F0 vẫn phát sinh ở khu dân cư và cần cán bộ tổ dân phố, khu phố tham gia hỗ trợ chăm lo cho các trường hợp này. Cử tri này đề nghị ĐBQH TP. HCM có ý kiến với Quốc hội để có chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ ở tổ dân phố, khu phố.
Còn cử tri Nguyễn Ngọc Thụ (phường Thới An), đề nghị Chính phủ, TP. HCM sớm triển khai tiêm vaccine cho các trường hợp dưới 18 tuổi, khi mà tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Thay mặt Tổ ĐBQH TP. HCM, ĐB Trần Hoàng Ngân tiếp thu các ý kiến của cử tri để chuyển tải đến nghị trường của Quốc hội.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân cũng thông tin thêm về một số vấn đề quan trong đến với các cử tri.
Theo ĐB Ngân, ảnh hưởng dịch Covid-19, tại TP. HCM số doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động, giải thể rất lớn, các hộ kinh doanh cá thể phải đóng cửa trên 50%.
Trước đây, kinh tế TP. HCM chưa bao giờ có con số âm nhưng trong quý III năm 2021, chỉ số GRDP là -24,39%; chín tháng đầu năm 2021 là -4,98%.
ĐB Ngân cho biết đây là con số kỷ lục mà xưa giờ chưa từng có, cho thấy tình hình kinh tế TP. HCM đang rất suy giảm, rất khó khăn.
TP. HCM là địa phương đóng góp 22% GDP của cả nước, đóng góp 27% tổng thu ngân sách của cả nước; "do đó nếu TP. HCM khó khăn thì cả nước cũng sẽ khó khăn", ĐBQH Trần Hoàng Ngân khẳng định.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân.
Theo đó, về chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ĐB Ngân thông tin, hiện nay Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những văn bản chỉ đạo về hỗ trợ chính sách giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí, giảm nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất …
Tới đây, các ĐBQH tiếp tục có ý kiến với Quốc hội và Chính phủ để mở rộng gói hỗ trợ này nhằm tăng cường thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Bởi vì, vừa qua, số doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động rất lớn. Đặc biệt, hộ kinh doanh cá thể đóng cửa trên 50%.
Gói an sinh xã hội (ASXH) không thấm vào đâu
Về ý kiến an sinh xã hội, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng đề xuất tăng các gói ASXH của người dân là hoàn toàn xác đáng. “Bởi bốn tháng qua, người dân không đi làm, ai ở đâu thì ở đó, dù cho cả hệ thống chính trị, lãnh đạo TP, các sở, ngành tăng cường gói ASXH cũng không thấm vào đâu so với khó khăn của cử tri”, ĐB Ngân nói và cho biết tới đây TP. HCM sẽ nỗ lực có thêm nguồn lực hỗ trợ ASXH cho người dân.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, nếu TP. HCM không thu được ngân sách thì Trung ương mất đi 27%, cho nên việc quan trọng nhất là phải tạo công ăn việc làm cho người dân. Đây là bài toán mà TP. HCM quyết tâm giữ an toàn y tế, làm nền tảng từng bước mở rộng sản xuất, để người dân có công ăn việc làm.
ĐB Trần Hoàng Ngân thông tin thêm, hiện nay TP. HCM đang trong giai đoạn từng bước mở lại sản xuất nên quy mô sản xuất trong doanh nghiệp chỉ ở mức 50%, từng bước nới ra 70%, 80%, 90% để đảm bảo mật độ lao động trong doanh nghiệp.
Vì thế, theo ĐB Ngân, hiện nay khi mở cửa hoạt động trở lại, các doanh nghiệp chưa thiếu lao động, nhưng dự kiến trong tương lai sẽ thiếu.
Liên quan ý kiến của cử tri về vấn đề học tập của học sinh, ĐB Trần Hoàng Ngân thông tin, hiện nay TP. HCM đang rà soát và có chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh ở công lập, dân lập. Đồng thời, TP. HCM sẽ đầu tư cho hạ tầng số, hạ tầng công nghệ đảm bảo kết nối thông tin phục vụ việc học trực tuyến của học sinh.