Gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 tập trung chăm lo lao động phi chính thức
Tại buổi làm việc mới đây với Ban Kinh tế TƯ, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ này đã tham mưu với Chính phủ gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 với phương án hỗ trợ toàn diện để ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất; trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo đến đối tượng lao động khu vực phi chính thức.
Nhiều đối tượng lao động mong ngóng được hưởng từ gói an sinh xã hội
Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các quy định mới sẽ điều chỉnh lại chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Trong đó, tin vui đến với hơn 145.000 cán bộ, giáo viên sẽ được thụ hưởng từ gói hỗ trợ an sinh này.
Cụ thể, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, còn rất nhiều những đối tượng lao động khác, gặp rất nhiều khó khăn do mất việc, đứt việc bởi dịch Covid-19. Chị Nguyễn Thị Mận, quê Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết, những ngày dịch bệnh xuất hiện tại Hà Nội, chị gần như mất hẳn nguồn thu nhập từ công việc giúp việc gia đình. Vốn gắn bó với nghề này gần 7 năm, chưa bao giờ chị thiếu việc với thời gian dài như đợt giãn cách xã hội vừa qua. Các gia đình giảm tối đa tiếp xúc với người lạ, nên hạn chế thuê lao động giúp việc vào nhà, khiến nguồn thu nhập mất hẳn. Trong khi tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, tiền gửi về cho gia đình ở quê vẫn không hề giảm đi.
Trong 8 tháng đầu năm, dịch Covid-19 cũng đã tác động khá lớn đến tiền lương, thu nhập của người lao động. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%).
Chị Mận chi sẻ: Qua đợt hỗ trợ "tiền Covid-19" vừa qua, nhiều người bán hàng rong, thu gom rác, bán vé số… đều được hỗ trợ. Trong khi đó, người lao động giúp việc gia đình, phần lớn là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đời sống bấp bênh vì xa nhà, nhưng lại bị lãng quên, không được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. "Nghe nói chuẩn bị có hỗ trợ đợt 2, có bổ sung thêm đối tượng lao động được hỗ trợ, nhưng vẫn bỏ sót đối tượng lao động làm nghề giúp việc gia đình", chị Mận bùi ngùi.
Cạnh đối tượng lao động là giúp việc gia đình, còn có những nhóm người chạy xe ba gác, xe lam, lao động tự do ở các khu "chợ người"… cũng bày tỏ băn khoăn và mong muốn được nhà nước hỗ trợ để vơi bớt phần nào những khó khăn bởi Covid-19.
Gần 1 triệu lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị thất nghiệp
Theo báo cáo mới nhất của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động làm công ăn lương trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong quý II/2020, lực lượng lao động này giảm tới 1,2 triệu người (gấp 1,7 lần so với quý I). Nguyên nhân giảm là do tác động của dịch covid-19 dẫn đến hàng loạt các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn trong nguyên liệu đầu vào, thị trường sản phẩm đầu ra, yêu cầu thực hiện tạm dừng kinh doanh để phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm, số lao động bị mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất gần 1 triệu lao động. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%. Lao động trong nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có tới 13,3% và 12,6% lao động tạm thời phải nghỉ việc không lương; 12,7% và 11,4% lao động bị giảm lương.
Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương với Bộ LĐ-TBXH mới đây về tình hình triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực lao động, việc làm, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Đến thời điểm này, nhiều tỉnh thành đang tiếp tục chống dịch Covid-19 trở lại, theo ông Đào Ngọc Dung, đợt dịch Covid-19 lần 2 sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động do thị trường hàng hóa đóng băng, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Bộ đã tham mưu với Chính phủ gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 với phương án hỗ trợ toàn diện để ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất. Tập trung hỗ trợ vào nhóm các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ. Trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo đến đối tượng lao động khu vực phi chính thức. Bởi theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nếu không chăm lo tốt công tác an sinh xã hội cho lao động khu vực phi chính thức sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Về việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo ông Đào Ngọc Dung, đến nay các địa phương đã phê duyệt danh sách các đối tượng được thụ hưởng lên tới 16,8 triệu người. Số giải ngân qua kho bạc gần 12.000 tỷ đồng, trích từ 36.000 tỷ đồng tiền mặt trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Ngoài ra, người lao động và doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ các chính sách khác của gói 62.000 tỷ đồng như: Tạm dừng đóng BHXH, chi trả trợ cấp thất nghiệp…