Gói hỗ trợ lãi suất 2% ì ạch: Có nên chuyển nguồn lực để tránh lãng phí?
Gói hỗ trợ lãi suất 2% đang bị 'tắc' do nhiều nguyên nhân. Một số chuyên gia kiến nghị nên chuyển nguồn lực sang các gói hỗ trợ khác để tránh lãng phí.
Doanh nghiệp khó, ngân hàng cũng ngại
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10/2022, tức sau hơn nửa năm thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách (hơn 40.000 tỷ đồng năm 2022 và 2023), các ngân hàng thương mại mới giải ngân được dư nợ gần 21.000 tỷ đồng, số tiền thực hiện hỗ trợ lãi suất gần 45 tỷ đồng.
Con số này cách xa so với mục tiêu mà ngành ngân hàng đặt ra (dự kiến khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất với số tiền lãi hỗ trợ khoảng 16.035 tỷ đồng trong năm 2022).
Đánh giá về gói hỗ trợ lãi suất này, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, chính sách là rất tốt nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý.
Theo ông, do “chưa có tiền lệ” nên cơ quan quản lý nhà nước khi đưa ra chính sách sẽ “không tự tin”, khi thực hiện lại có tình trạng nhiều cách hiểu khác nhau. Thêm vào đó, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, nguy cơ rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn thanh tra, kiểm tra.
“Bản thân gói hỗ trợ lãi suất 2% không tạo nên động lực thực thi, bởi nguy cơ cao nhưng lợi ích rất nhỏ, các ngân hàng thương mại không mặn mà" – ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng doanh nghiệp muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất khó.
“Doanh nghiệp cảm thấy khó lắm, khó vô cùng, gần như những doanh nghiệp đang cần vốn trong bối cảnh hiện nay đều kỳ vọng nên chăng có sự điều chỉnh quy định để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi cung cấp gói hỗ trợ”, bà Thảo nói.
Cũng theo bà Thảo, khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt chứ không phải tìm cách lách luật, nhưng khi thực hiện thì khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót. Do vậy, bà bày tỏ mong muốn hoạt động thanh tra, kiểm tra nếu có thì nên tập trung hướng dẫn để doanh nghiệp làm tốt hơn thay vì “nhìn họ như là đối tượng vi phạm pháp luật”.
Nên chuyển nguồn lực sang gói hỗ trợ khác?
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng thừa nhận còn những hạn chế trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Ông Đôn cho hay qua khảo sát và nắm thông tin, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy chính doanh nghiệp cũng có tâm lý "e ngại" khi tiếp cận nguồn vốn này do lo ngại bị thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra, một rào cản khác là có những ngành nghề được vay, có ngành nghề lại không, dẫn tới những doanh nghiệp đa ngành nghề phải bóc tách cũng là cả vấn đề.
Dưới góc độ quản lý, ông Đôn cho rằng cơ quan nhà nước cũng có những rủi ro nhất định, nhất là việc hướng dẫn triển khai chính sách như thế nào cho đúng, bởi sau này chính cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ là đối tượng phải thanh tra, kiểm tra.
Do đó, để giảm thiểu rủi ro, ông nhận định cần có các đề xuất, hướng dẫn chi tiết hơn từ cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng khi gói hỗ trợ lãi suất bị “tắc” thì nên linh hoạt để tránh lãng phí nguồn lực. Có thể tính đến việc nên điều chuyển nguồn tiền sang gói hỗ trợ khác, vì ngay cả khi sửa Nghị định 31 thì cũng mất rất nhiều thời gian.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Trần Hoàng Ngân, Chính phủ nên trình Quốc hội chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, không chỉ gói hỗ trợ lãi suất 2%, mà nhiều gói giải ngân của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (350.000 tỷ đồng) cũng giải ngân chậm.
Do đó, để nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhanh chóng tiếp sức doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nên điều chuyển các gói hỗ trợ không còn phù hợp - bao gồm cả gói hỗ trợ lãi suất 2% - sang các gói hỗ trợ khác khả thi hơn.