Gói hỗ trợ lãi suất 2%: 'Phao vàng' không dành cho tất cả
Gói hỗ trợ lãi suất 2% được ví như 'phao vàng' giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng đủ điều kiện tiếp cận.
Điều kiện cho vay không đơn giản
Theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31), đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm: Các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.
Và nhóm thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ UBND tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản, trên cổng thông tin điện tử của bộ).
Các doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường của các ngân hàng thương mại; được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức, ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng, quy định với khoản vay này khá chặt. Cụ thể, doanh phải không có nợ xấu, phải có tài sản đảm bảo, có doanh thu mới được xét duyệt.
“Như vậy chỉ những doanh nghiệp khỏe mới đủ điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trải qua 2 năm đại dịch, đang gặp khó khăn, bị nợ xấu, không có tài sản đảm bảo,... nên không thể vay vốn” - ông Hùng nhận định.
Hơn nữa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn cho hay, các ngân hàng sẽ xét duyệt những khoản vay này rất thận trọng, điều này có thể khiến cho nguồn vốn của ngân hàng đến được doanh nghiệp sẽ không đúng thời điểm doanh nghiệp cần, nên có thể sẽ kém hiệu quả.
Lý giải thêm, ông Hùng cho biết, hiện các ngân hàng thương mại đã gần hết hạn mức tín dụng, cùng áp lực lạm phát lớn, có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ, vì vậy sẽ khó giải quyết được nguồn vốn, trong lúc các doanh nghiệp đang rất cần.
Là một trong những ngân hàng triển khai ngay từ khi Nghị định 31 được ban hành và cũng là ngân hàng có nhiều đối tượng thụ hưởng nhất, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết: chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ rất phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, khách hàng của Agribank chủ yếu là hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhỏ lẻ, hầu như không có đăng ký kinh doanh, vì vậy hồ sơ thường không đủ giấy tờ để chứng minh.
Bên cạnh đó, ông Ấn cũng thông tin, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/6/2022 tại Agribank là 9,35% trong khi huy động vốn là 4,51%, không tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, vì vậy thanh khoản của các ngân hàng cũng là vấn đề khi đáp ứng vốn cho khách hàng.
“Với Agribank hạn mức tín dụng được cấp năm 2022 là 7%, sau 6 tháng đầu năm đã sử dụng hết 6%, nếu không được tăng thêm sẽ phải rất hạn chế cho vay trong 6 tháng cuối năm. Nếu được tăng thêm chúng tôi sẽ đẩy mạnh cho vay, nhưng lại lo áp lực về lạm phát” - ông Ấn nói.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) nhận xét, với các điều kiện cho vay theo quy định, chúng tôi sàng lọc ra chỉ có khoảng 2.000 khách hàng đủ điều kiện để vay tính từ đầu năm 2022, với vốn vay chiếm chưa tới 10% dư nợ, con số này không nhiều.
“Với các khách hàng đã được cơ cấu lại nợ trong thời gian qua thì không thuộc đối tượng cho vay của gói hỗ trợ này. Trong khi các doanh nghiệp này rất cần vốn để phục hồi, cần xem xét để cho các doanh nghiệp này cũng được vay từ gói hỗ trợ” - ông Hưng cho hay.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc TPBank cũng lo ngại vấn đề khó khăn room tín dụng ở nhiều ngân hàng hiện nay. Nếu không tăng room thì các ngân hàng không có điều kiện cho vay.
Cần sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ
Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ví von: “Gói hỗ trợ lãi suất 2% giống như chiếc ‘phao vàng’ để giúp cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.”
Còn ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh cũng cho rằng, chính sách này là một trong những trụ cột hỗ trợ các lĩnh vực dịch vụ du lịch của Quảng Ninh, góp phần giúp tỉnh đạt được mục tiêu tăng trưởng 11% trong năm nay.
“Nhu cầu vay vốn, đặc biệt là của người lao động, mong Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm, tăng vốn cho Ngân hàng Chính sách tỉnh Quảng Ninh để hỗ trợ người lao động vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh” - ông Khắng kiến nghị.
Tuy nhiên, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, ông Phạm Huy Hùng đề nghị, cần cân nhắc “nới” các điều kiện cho vay để có thêm doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ này. Chẳng hạn như ngân hàng xét thấy doanh nghiệp có khả năng trả nợ được thì nên cho vay.
Cùng với đó, cần thống nhất giữa các ngân hàng để tránh trường hợp mỗi nơi hiểu một cách khác nhau, cùng một doanh nhưng ngân hàng này không cho vay, trong khi ngân hàng khác lại cho vay. “Điều quan trọng nữa là cần xét duyệt nhanh, để vốn đến doanh nghiệp đúng thời điểm, tránh như gói hỗ trợ thuê trọ, sau mấy tháng thực hiện mới chỉ giải ngân được 1%” - ông Hùng nói.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, các đối tượng vay vốn từ gói hỗ trợ này, đã được xem xét kỹ và được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Việc vay qua các ngân hàng thương mại, phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Chỉ những doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi mới được vay vốn. Các doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện, không phải đối tượng của gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ xem xét việc có “nới” điều kiện hay không và “nới” như thế nào. Điều này cần được tổng hợp để các bộ ngành chức năng xem xét.
Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm tới nay dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đã đạt 2,8 triệu tỷ đồng, trong đó có không ít các doanh nghiệp đủ điều kiện để vay từ gói hỗ trợ này. Vì vậy có nhiều khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất 2%.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để kịp thời giải đáp vướng mắc của các ngân hàng thương mại; thực hiện việc thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất nhanh chóng, tạo thuận lợi tối đa cho các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, chú trọng công tác thanh tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, đảm bảo chính sách được triển khai đến đúng đối tượng được hỗ trợ lãi suất” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Nêu rõ, hỗ trợ lãi suất 2% là chính sách phù hợp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan liên quan cần triển khai chính sách một cách đồng bộ, thống nhất.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để kịp thời đề xuất các giải pháp hiệu quả, bám sát thực tiễn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đối tượng hỗ trợ lãi suất. Bộ Tài chính bảo đảm đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ. Bộ Xây dựng sớm công bố công khai danh sách dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ được hỗ trợ lãi suất. Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định…
Triển khai gói hỗ trợ trợ lãi suất 2%, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỷ đồng). Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại để triển khai sớm chính sách.
Hoàng Lan