Gói hỗ trợ lãi suất và bài học khủng hoảng 2009
Trước những quan ngại về việc đưa ra gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có thể tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, nhiều chuyên gia cho rằng, 'không có bữa trưa nào miễn phí', đôi lúc nền kinh tế sẽ phải trả giá, song Chính phủ cần phải tính toán để có giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp vượt qua bối cảnh khó khăn này.
Bài học từ quá khứ: Chính phủ cần chấp nhận và có giải pháp ứng phó với rủi ro
Trước thực trạng hàng loạt doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế đang kiệt quệ sau 4 đợt dịch Covid-19, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước phải sớm nghiên cứu trình Quốc hội về gói hỗ trợ tín dụng lãi suất trong tháng 10 tới.
Theo các chuyên gia, gói hỗ trợ này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi gần như hầu hết doanh nghiệp đều đang thoi thóp, trên bờ vực phá sản. Các chính sách hỗ trợ trước đó thực chất chưa cho thấy hiệu quả đối với doanh nghiệp.
Đáng nói hơn, đây là chính sách hỗ trợ không mới. Thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2009, Việt Nam đã từng thực hiện gói hỗ trợ giảm lãi suất này.
Nhớ lại giai đoạn đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh cho biết, hồi đó, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tương đối mạnh tay vì nền kinh tế suy giảm rất mạnh sau khủng hoảng năm 2008. Mức hỗ trợ khi đó khoảng 4-5% lãi suất, gói tài trợ lãi suất lên tới khoảng 19.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa: "Thời điểm đó, gói ưu đãi được đưa ra một cách khá chủ quan, các chốt về vĩ mô không được đặt ra ngay từ đầu. Hệ quả là cuối cùng lợi không nhiều nhưng hại thì rất lớn, lạm phát tăng cao, hệ thống ngân hàng bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm".
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, trong thời kỳ năm 2009, Chính phủ đã phải đưa ra gói kích cầu kinh tế. Vào thời điểm đó, gói kích cầu đã đạt được một số mục tiêu tuy nhiên, chưa có được thành công một cách toàn diện.
Ngân hàng có còn dư địa hạ lãi suất cho vay?
Đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý trong giai đoạn hiện nay tính toán đến một giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xử lý tình huống, khôi phục lại sản xuất sau đại dịch Covid hiện nay.
Ông Tuấn Anh tiết lộ, Chủ tịch Quốc hội có đưa ra định hướng cho gói hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng, tức là tương đương dư nợ khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng. Theo dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức là tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng dư nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tại buổi đối thoại chuyên đề: “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Tuấn Anh cho rằng, từ kinh nghiệm trong thời gian trước, tới đây khi xây dựng cơ chế chính sách, Chính phủ phải tính toán tới 2 mục tiêu.
Mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nếu không đảm bảo được hai mục tiêu này thì các chính sách được đưa ra có thể sẽ không tích cực, thậm chí còn phản ứng ngược, gây tác hại lớn cho nền kinh tế.
"Kinh nghiệm năm 2009 như vậy, bây giờ chúng ta có làm hay không? Nếu làm thì quy mô như thế nào? Đặc biệt cần đưa ra các biện pháp như thế nào để đơn giản, tiện lợi, nhanh nhưng phải cẩn trọng", ông Nghĩa đặt câu hỏi và cho rằng, gợi ý của chủ tịch Quốc hội về gói hỗ trợ lãi suất là rất cần thiết trong lúc này. Tuy nhiên, cách làm so với năm 2009 phải thay đổi, cần thực hiện bằng 2 cách cùng lúc.
Cách thứ nhất là dùng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất chung cho tất cả, mặt bằng lãi suất chỉ cần giảm 1%, cùng với gói này giảm khoảng 2-3%, tạo ra xung lực tổng cộng giảm 4%. Cần có những biện pháp vĩ mô của Ngân hàng Trung ương và biện pháp hỗ trợ từ ngân sách để tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất rõ rệt với doanh nghiệp.
Vấn đề về nguồn lực, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), hiện nay nợ công Chính phủ là thấp, chưa tới 56%, lạm phát dự kiến 3,1%, đồng tiền đang mạnh lên. Như vậy nghĩa là nguồn lực tài chính còn, vậy tại sao không có động thái cứu doanh nghiệp?
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tung ra gói hỗ trợ lớn sẽ dẫn đến lạm phát như năm 2009, song theo ông Kỳ, hiện nay bối cảnh đã rất khác, cách làm cũng khác nhau. Quan trọng nhất là Chính phủ đã rút ra kinh nghiệm. Do đó, nếu không bung tiền ra thì làm sao mà phát triển mạnh mẽ được, làm sao doanh nghiệp sống lại được.
"Cái mất của ngân hàng là một số vấn đề chưa giải quyết được, nhưng cái được của nền kinh tế là rất lớn. Đời sống của người dân tăng lên, chi phí tiêu dùng tăng, tất cả mọi thứ đều tăng, tại sao chỉ chăm chăm vào một số thứ mà ngần ngại? Người quản lý nhà nước hãy chọn thứ gì tốt nhất cho người dân, đừng chọn thứ an toàn cho mình", ông Kỳ nhấn mạnh.
Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này: "Nhà nước cần phải đẩy thêm tiền ra hỗ trợ doanh nghiệp bởi thặng dư là có. Trong quá trình bơm tiền ra nền kinh tế sẽ có những hệ lụy, song cái gì đã mắc phải từ năm 2009 thì sẽ phải điều chỉnh lại.
Hơn nữa, đôi lúc nền kinh tế phải trả giá, như Chính phủ Mỹ cũng đi vay, họ chấp nhận vay nợ để đẩy nền kinh tế và giữ cho hoạt động không bị gãy, đổ, từ đó duy trì mạch kinh tế để phục hồi rất nhanh. Rõ ràng không có bữa trưa nào miễn phí cả, chúng ta cần phải tính toán để có giải pháp phù hợp, giúp doanh nghiệp vượt qua bối cảnh khó khăn này".
Cần cơ chế đặc biệt để tất cả doanh nghiệp đều được tiếp cận
Bàn về quy mô của gói hỗ trợ, theo ông Nghĩa, quy mô gói 3.000 tỷ đồng rơi vào khoảng 100.000 tỷ đồng tín dụng là quá nhỏ để tạo ra sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt.
Hiện nay thì dự trữ ngoại tệ của Chính phủ tại ngân hàng trung ương là rất lớn, gấp 4 lần năm 2009. Do đó, ông Nghĩa cho rằng, cần làm một gói hỗ trợ lớn, để thực sự tạo ra khác biệt, gói 3.000 tỷ đồng không giải quyết được những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.
Mặt khác, theo vị chuyên gia này, điều đáng lo ngại nhất chính là làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được. Bởi nếu theo luật của các tổ chức tín dụng thì các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay rất ít. Một là doanh nghiệp phải không có nợ xấu, hai là có doanh thu, ba là có lợi nhuận và bốn là có tài sản đảm bảo.
8 trọng tâm của Chính phủ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025
Vì vậy, nếu muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý để giúp các doanh nghiệp thực sự khó khăn thì phải có một quy chế đặc biệt dùng cho gói cứu trợ này, để không ảnh hưởng tới các tổ chức tín dụng. Gói hỗ trợ đặc biệt này cần một quy chế riêng, kéo dài trong một thời gian, hết hạn là kết thúc ngay.
Đồng quan điểm, TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, cũng cho rằng, về lý thuyết, khi lãi suất giảm thì số doanh nghiệp vay vốn sẽ nhiều hơn, họ chấp nhận rủi ro để mở rộng sản xuất. Khi mà số doanh nghiệp tham gia vay vốn nhiều thì quy mô của nền kinh tế sẽ được đẩy lên, thu nhập của người lao động cũng tăng, đồng nghĩa với GDP tăng.
Tuy nhiên, vấn đề là từ trước tới nay, các gói hỗ trợ đều bế tắc ở việc doanh nghiệp không thể tiếp cận được vì điều kiện quá ngặt nghèo, đặc biệt trong vấn đề bảo toàn vốn. Doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, hay chứng minh phương án kinh doanh có lợi nhuận để trả lãi ngân hàng, rốt cục thì không doanh nghiệp nào vay được. Do đó, nếu không thể tháo gỡ được điểm nghẽn này thì dù có gói hỗ trợ, doanh nghiệp vẫn bế tắc.
Đưa ra giải pháp cho thực trạng này, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, về cơ chế chính sách, Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính cần đưa ra cơ cơ chế cho phù hợp, ngay cả khi phải kiến nghị Quốc hội.
Theo đó, các ngân hàng có thể vận dụng theo Nghị định 55, tức thiên tai dịch bệnh thì được vay nợ. Covid-19 là dịch bệnh, các doanh nghiệp cần có cơ chế để được vay nợ.
Ông Hùng có ý tưởng về việc ngân hàng chấp nhận vay nợ cho doanh nghiệp trong phạm vi 1-2 năm nhưng phải trả lãi với lãi suất giảm. Nếu có thêm cơ chế của Quốc hội thì các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn nhiều hơn, các tổ chức tín dụng có thể cho vay mà không xem xét lại các vấn đề của doanh nghiệp.
"Bộ Tài chính và ngân hàng cần phải đồng thuận cao, cùng phải xắn tay vào, khó khăn thì cần tìm cách để tháo gỡ. Hiện nay Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt, nên ngành tài chính cần nhìn vào khó khăn của người dân, doanh nghiệp để chia sẻ hỗ trợ. Bộ Tài chính cần phải chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách mạnh dạn, không sợ trách nhiệm", ông Hùng nhấn mạnh.