Gói hỗ trợ lãi suất và góc nhìn đại biểu
Thông tin về gói hỗ trợ lãi suất nhằm kích cầu kinh tế cho 2 năm tới nhận được phản ứng nhiều chiều từ các đại biểu Quốc hội, như gói kích cầu trị giá 1 tỷ USD năm 2009.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã công khai về gói hỗ trợ lãi suất tại nghị trường. Ông nói: “Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, hai năm khoảng 40.000 tỷ. Như vậy, nếu hỗ trợ 4% thì chúng ta có 1 triệu tỷ đưa vào nền kinh tế, sau đó thúc đẩy, tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau".
Bộ trưởng bổ sung thêm: “Chúng tôi rất ủng hộ các gói kích cầu để đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển và sau đó quay trở lại thu ngân sách, giảm tăng bội chi trong năm nay, giảm bội chi trong các năm sau, như vậy trong cả giai đoạn chúng ta vẫn đảm bảo được (nợ công)”.
Thông tin của người giữ tay hòm chìa khóa quốc gia đã khuấy đảo luồng ý kiến nhiều chiều của các vị ĐBQH ngay trong kỳ họp này.
Tiếng đồng vọng
ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nói: “Tôi hoan nghênh chủ trương hình thành quỹ hỗ trợ 2-3% lãi suất cũng như việc tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất theo đề xuất của Bộ Tài chính”. Ông Lộc đề nghị lấy nguồn vốn đầu tư công để bổ sung vào quỹ hỗ và cho rằng, dư địa của chính sách tiền tệ là không còn nhiều để hỗ trợ DN.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói, để kinh tế tăng trưởng 6-6,5% trong năm tới, cần huy động được vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó gần 2 triệu tỷ là vốn trong nhân dân.
“Muốn vậy, chúng ta phải có gói hỗ trợ lãi suất cho các DN và có thể hỗ trợ từ 2-3% cho khoản dư nợ từ 1-2 triệu tỷ đồng. Nếu hỗ trợ 2 năm thì chúng ta cần nguồn lực là 40.000-60.000 tỷ, tiền này có thể lấy từ đầu tư công chưa phân bổ”, ông Ngân gợi ý.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, “chỉ có gói hỗ trợ lãi suất là khả thi, vì DN đang đói vốn nay được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, giảm được 2 đến 3% so với mức vay thương mại hiện hành 6-10%, sẽ có động lực để khôi phục sản xuất và kinh doanh".
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cần có chính sách cấp bù lãi suất để các DN được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó bù đắp được các chi phí lãi suất vay cao như thị trường, trong khi các tổ chức tín dụng đang phải duy trì mức lãi suất để đảm bảo kinh doanh, đồng thời phải tăng cường trích lập các quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn gia tăng.
Tuy nhiên, ông lưu ý, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các DN có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều phải được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất hoặc không để tiền vốn giá rẻ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ, tài sản như bất động sản hoặc chứng khoán.
Lo ngại không đến tay doanh nghiệp
Quan điểm của ông Cường được ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) chia sẻ.
Bà nói, nếu gói hỗ trợ này được ban hành thì cần rút kinh nghiệm bài học của gói hỗ trợ lãi suất 4% có quy mô lên tới 1 tỷ USD sau khủng hoảng năm 2009. Gói này đã khiến cho hệ thống ngân hàng gặp không ít khó khăn vì nợ xấu. Nhiều năm sau, đến khi QH ban hành nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu thì những khó khăn này mới dần được giải quyết.
Theo ĐB Vân, để các tổ chức tín dụng phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng được nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh, Chính phủ cần có một bộ phận hoặc có tổ công tác giúp Thủ tướng theo dõi, tổng hợp, đánh giá, điều phối và giám sát gói hỗ trợ, đảm bảo các gói này được thực hiện hiệu quả và đúng mục đích.
Hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể với 9 triệu lao động, chiếm 16,5% số lao động, đóng góp gần 30% GDP. Với 80% hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì đây là khu vực kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. ĐB kiến nghị Chính phủ cần ban hành những chính sách về vốn cụ thể và kịp thời để hỗ trợ khu vực kinh tế hộ gia đình.
ĐB Phạm Đức Ấn (Hà Nội) bổ sung thêm, việc Nhà nước hỗ trợ cho những DN khó khăn thông qua hỗ trợ lãi suất tới đây cũng cần được tính toán phù hợp, không phải đối tượng nào cũng áp dụng được.
Bởi vì, ông phân tích, nếu ngân sách hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng tiền lãi thì ngân hàng thương mại phải giải ngân 100.000 tỷ đồng. Rủi ro mất vốn ở đây sẽ rất lớn nếu ngân hàng thương mại không lựa chọn được để cấp tín dụng phù hợp, vì vậy chính sách tài khóa trực tiếp hỗ trợ DN cần được ưu tiên áp dụng.
Hơn nữa, vẫn có nhóm DN ít bị ảnh hưởng, thậm chí không bị ảnh hưởng bất lợi của đại dịch và không cần Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ cần đổi mới thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, tín dụng đã ở mức 115% GDP, là mức tương đối lớn trên thế giới. Ông cho rằng, để nền kinh tế phát triển lành mạnh, an toàn thì tăng trưởng tín dụng phải được kiểm soát.
Trước những băn khoăn đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích, đối với gói hỗ trợ lãi suất giá trị 1 tỷ USD dẫn đến nợ xấu, năm 2009 Chính phủ hỗ trợ trên diện rộng và dàn trải, hỗ trợ cả các DN có nợ xấu. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng lúc đó là nợ xấu cao và giữ nguyên nhóm nợ theo quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước.
Ông thuyết phục các ĐB: Bây giờ chúng tôi rút kinh nghiệm là hạn chế và tập trung vào các đối tượng có khả năng đầu tư tăng thêm giá trị cho nền kinh tế, đặc biệt là các đối tượng vay không có nợ xấu, đảm bảo đủ điều kiện vay và thủ tục đơn giản, quyết toán dễ dàng và chính xác, chặt chẽ.
Tư Hoànglược thuật