Gói hỗ trợ phải đến đúng với người cần

Thực hiện gói an sinh xã hội của Chính phủ hỗ trợ người dân sau dịch Covid-19, đến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội.

Các địa phương, cơ quan chức năng đang tổng hợp, thống kê, lập danh sách, trình cấp có thẩm quyền thẩm định để UBND phê duyệt với các nhóm đối tượng: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm…

Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tại các địa phương đã nỗ lực, chủ động triển khai chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Không chỉ tham gia tích cực vào quá trình tuyên truyền về chính sách hỗ trợ, MTTQ và các đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ giám sát việc thực hiện. Ở mỗi khu dân cư, MTTQ và các đoàn thể trực tiếp tham gia giám sát từ việc rà soát, lập danh sách, đến chi trả. Nhiều nơi đã rà soát kỹ, bảo đảm không trùng, không sót đối tượng, lập danh sách niêm yết công khai.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách nêu trên của Chính phủ, các địa phương đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan cần được quan tâm và xử lý kịp thời. Trong đó, có địa phương phát hiện những hộ dân có nhà cửa đàng hoàng, điều kiện kinh tế khá nhưng vẫn được xếp vào diện hộ cận nghèo và hộ nghèo. Có xã phát hiện hơn 100 trường hợp trong danh sách hỗ trợ nhưng lại không có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách người có công, bảo trợ xã hội; có nơi phát hiện đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo dù hộ này không nghèo; có địa phương chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại cho người nghèo. Công tác rà soát các hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do quá trình cập nhật dữ liệu bị sót, cho nên một số xã, phường không đưa danh sách đề nghị UBND thị xã phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo; có nơi cập nhật thiếu hộ nghèo, hộ cận nghèo dẫn đến tâm lý bức xúc cho người dân. Qua kiểm tra, giám sát, các địa phương còn phát hiện và kịp thời xử lý một số tồn tại và hạn chế phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, như: thành lập Hội đồng xét duyệt chưa đúng quy định; đề nghị đối tượng còn trùng lắp và chưa đúng thời gian thụ hưởng; công tác rà soát, xét duyệt hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện hỗ trợ còn chậm, chưa đúng thời gian quy định…

Thực tế cho thấy, làm tốt công tác giám sát sẽ góp phần quan trọng đưa một chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Chính phủ nhanh chóng phát huy hiệu quả trong cuộc sống, sự hỗ trợ đến đúng người cần, không gây thất thoát, lãng phí.

Để giám sát, kiểm tra hiệu quả, cần quan tâm khâu hậu giám sát, cụ thể là những phát hiện, đề xuất, giải pháp được đưa ra trong và sau giám sát có được các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, xử lý hay không? Mỗi năm, Đảng, Nhà nước ta không chỉ ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo trong trường hợp đột xuất mà vào dịp các ngày lễ, Tết của dân tộc, Ngày vì người nghèo… đều dành kinh phí không nhỏ để tặng quà, hỗ trợ. Chính vì vậy, việc đưa vào danh sách hộ nghèo những hộ không nghèo vừa được phát hiện phải được các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét kỹ lưỡng, rõ ràng, làm rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, xử lý nghiêm minh.

KHÁNH AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/44825202-goi-ho-tro-phai-den-dung-voi-nguoi-can.html