Gói hỗ trợ phổ quát cho trẻ em cần được triển khai thế nào?
Gói hỗ trợ phổ quát cho trẻ em, như hỗ trợ tiền mặt không điều kiện hoặc hỗ trợ tiền mặt từ thu thuế đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống nghèo trẻ em.
Gói hỗ trợ phổ quát đóng vai trò hết sức quan trọng trong giảm nghèo đồng thời thúc đẩy gắn kết xã hội và hỗ trợ công đối với bảo trợ xã hội. (Nguồn: UNICEF)
Theo báo cáo "Gói hỗ trợ phổ quát cho trẻ em: Các vấn đề Chính sách và các phương án" mới được công bố hôm nay (ngày 18/6) của Viện Phát triển Nước ngoài (ODI) và UNICEF, việc hỗ trợ tiền mặt phổ quát cho trẻ em ở các quốc gia thu nhập trung bình chỉ chiếm 1% GDP nhưng có thể làm giảm tới 20% nghèo trên tổng dân số.
Ở 15 quốc gia có thu nhập cao, triển khai gói hỗ trợ phổ quát cho trẻ em trung bình có thể giúp giảm 5% nghèo ở trẻ em.
Gói hỗ trợ phổ quát cho trẻ em cũng chứng tỏ hiệu quả giảm thiệt thòi, cải thiện phúc lợi cho trẻ em nói chung, sức khỏe, giáo dục, an ninh lương thực, năng suất và khả năng đóng góp cho xã hội và kinh tế khi các em đến tuổi trưởng thành.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF nhận định, hơn bao giờ hết, khi suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đang đe dọa đẩy lùi những tiến bộ trong giảm nghèo, gói hỗ trợ phổ quát cho trẻ em có thể là giải pháp cứu cánh. Chính sách này có thể bảo vệ các gia đình dễ bị tổn thương không bị rơi vào cảnh nghèo hơn, thiệt thòi hơn, và có thể giúp bảo vệ các quốc gia khỏi các tác động về xã hội và kinh tế.
Triển khai gói hỗ trợ phổ quát giúp giảm các nguy cơ liên quan đến việc lựa chọn nhóm đối tượng mục tiêu dựa vào thu nhập, theo đó một số gia đình cần hỗ trợ lại không được hỗ trợ tài chính vì họ bị loại do sai sót trong quá trình thẩm tra.
Bên cạnh đó, các chương trình bảo trợ xã hội phổ quát như chuyển tiền mặt hoặc chuyển nhượng thuế cũng giúp gỡ bỏ kỳ thị liên quan đến các kế hoạch hỗ trợ nói chung.
"Gói hỗ trợ phổ quát đóng vai trò hết sức quan trọng trong giảm nghèo đồng thời thúc đẩy gắn kết xã hội và hỗ trợ công đối với bảo trợ xã hội. Ở các quốc gia đã thiết lập gói hỗ trợ phổ quát cho trẻ em, gói hỗ trợ này tạo nền móng cho hệ thống chính sách xã hội và rất hiệu quả trong việc tăng cường bảo trợ xã hội trong giai đoạn khủng hoảng", Giám đốc ODI Sara Pantuliano nhấn mạnh.
Theo Francesca Bastagli, tác giả chính của báo cáo đồng thời là Giám đốc Chương trình Bình đẳng và Chính sách Xã hội của ODI, trên thực tế, các quốc gia thực hiện đầy đủ hoặc phần lớn gói hỗ trợ phổ quát cho trẻ em đã đi theo những quỹ đạo khác nhau.
Phần lớn các nước triển khai từng bước, thông qua một tiến trình lặp lại bao gồm thông qua luật pháp và chính sách quy định về gói hỗ trợ phổ quát cho trẻ em, nâng cao năng lực về hành chính và tài chính và vận động sự ủng hộ về chính trị và của công chúng cho chính sách này.
Báo cáo cũng đưa ra nhận định quan trọng là các chương trình hỗ trợ tiền mặt không làm giảm việc lao động được trả lương trong nhóm dân số ở độ tuổi lao động. Thay vào đó, hỗ trợ tiền mặt giúp các cha mẹ cân đối nhu cầu của công việc với nhu cầu của gia đình.
Việc mở rộng mức độ bao phủ của các chương trình hỗ trợ đối với trẻ em và gia đình đòi hỏi quốc gia phải đặt ưu tiên và đoàn kết quốc tế trong việc huy động vốn, đặc biệt là các quốc gia thu nhập thấp, dân số đông và ngân sạch hạn hẹp do đại dịch Covid-19.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, gói hỗ trợ phổ quát cho trẻ em cần phải được hỗ trợ bởi hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện và các dịch vụ xã hội có chất lượng, trong đó có chăm sóc y tế và giáo dục. Phương hướng để đạt được mức độ bao phủ phổ quát, bao gồm các cách thức để các quốc gia thu nhập thấp có thể triển khai hỗ trợ cho trẻ em nhỏvà tiến dần đến hỗ trợ phổ quát cho tất cả các nhóm tuổi.
Theo đó, các bước đi như thông qua luật pháp và chính sách, nâng cao năng lực hành chính, tài chính và xây dựng sự ủng hộ về chính trị và của người dân đối với chính sách đóng vai trò quan trọng để đạt được gói hỗ trợ phổ quát cho trẻ em.