Gói hỗ trợ về thuế - 'cú hích' để doanh nghiệp bứt phá
Trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh các gói hỗ trợ về thuế nhằm giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, ổn định sản xuất, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, những gói hỗ trợ này như một 'cú hích' để doanh nghiệp bứt phá và phát triển.
PV: Vừa qua Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Xin bà cho biết tác động của các gói hỗ trợ này đến cộng đồng doanh nghiệp như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Để các doanh nghiệp phục hồi một cách an toàn và phát triển mạnh mẽ, 2022 là năm có nhiều giải pháp toàn diện nhất, sâu rộng nhất, nhiều sắc thuế được hỗ trợ nhất.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2022/NĐ-CP tiếp tục gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hộ cá nhân kinh doanh và tiền thuê đất trong năm 2022. Đặc biệt hơn là giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu khi giá xăng dầu tăng cao. Để giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu. Nhờ đó giúp cho giá xăng, dầu đang từ mức cao (hơn 32 nghìn đồng/lít) đã giảm và ổn định trở lại.
Cùng với giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%. Như vậy, việc giảm thuế không chỉ dừng lại ở thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, tiền thuê đất, mà còn mở rộng ra cả thuế BVMT, thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu.
Những trường hợp bất động sản trước đây không được giảm thuế, thì bây giờ cũng được giảm thuế. Đây là một trong những biện pháp quyết liệt, rất rộng của Chính phủ. Những gói giải pháp này là tín hiệu tốt, giúp doanh nghiệp, người dân giảm được áp lực tăng giá, giảm áp lực lạm phát, bình ổn thị trường, qua đó giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh giá cả tăng cao, cũng như hậu quả của đại dịch Covid-19 mang lại, những gói hỗ trợ về thuế, phí thời gian qua không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mà còn như một cú hích, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Ý kiến của bà như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Về các gói hỗ trợ, chúng ta thử đặt ra bài toán, lẽ ra số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách nhà nước, thì nhờ có chính sách gia hạn nên doanh nghiệp có thể dùng số tiền thuế được gia hạn này để tái đầu tư sản xuất, kinh doanh mà không phải đi vay ngân hàng. Có thể nói, Nhà nước đã nhường thuận lợi này cho doanh nghiệp, nhận khó khăn về mình.
Về chính sách giảm thuế, Nghị quyết của Quốc hội đã giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu về mức tối thiểu 1.000 đồng/lít. Với lượng xăng dầu tiêu thụ mỗi ngày rất lớn, mỗi lít xăng giảm 1.000 đồng tiền thuế thì lợi ích mang lại là rất lớn. Việc giảm thuế BVMT cũng là giảm chi phí trong cơ cấu giá thành sản phẩm, chính người dân cũng được hưởng lợi. Đó là chưa kể giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống 10% thì doanh nghiệp được hưởng luôn số tiền thuế được giảm này. Đây chính là cái được của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối, cũng như doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các đại lý xăng dầu.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa dịch vụ như: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng... Rất nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, qua đó giá cũng sẽ giảm tương ứng, điều này góp phần kích cầu tiêu dùng nhờ được giảm giá.
Có thể nói, các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về gia hạn tiền thuê đất, giảm thuế GTGT, giảm thuế BVMT đối với xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu của Quốc hội, Chính phủ thời gian qua là những cú hích rất mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; giúp người dân ổn định cuộc sống.
PV:Rõ ràng là các gói hỗ trợ về thuế đã góp phần giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh như bà vừa đề cập. Bà đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của Bộ Tài chính trong việc tham mưu cho Chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ này?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Có thể nói, tại những thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết giảm thuế BVMT đối với xăng dầu, mỡ nhờn một cách kịp thời, điều này cho thấy Bộ Tài chính đã rất nhanh nhạy, nắm bắt được hơi thở cuộc sống, chia sẻ những khó khăn của người dân.
Ngay khi nghị định của Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế có công văn hướng dẫn để những chính sách hỗ trợ về thuế đến được với người dân và doanh nghiệp. Có thể nói, với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ với người dân, Bộ Tài chính đã thể hiện trách nhiệm của mình trước Chính phủ, trước nhân dân.
Chia sẻ với doanh nghiệp và người dân
Tại những thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn một cách kịp thời, điều này cho thấy Bộ Tài chính đã rất nhanh nhạy, nắm bắt được hơi thở cuộc sống, chia sẻ những khó khăn của người dân. Với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ với người dân, Bộ Tài chính đã thể hiện trách nhiệm của mình trước Chính phủ, trước nhân dân.
PV: Để phát huy tối đa hiệu quả của các chính sách hỗ trợ về thuế đối với cộng đồng doanh nghiệp, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho người nộp thuế, cần có các giải pháp gì thêm để các gói hỗ trợ này mang lại hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Riêng vấn đề về gia hạn nộp thuế thì những văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã rất rõ ràng. Doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục một lần duy nhất là được gia hạn tất cả các loại thuế. Doanh nghiệp cũng có thể gửi giấy đề nghị gia hạn bằng nhiều hình thức: qua thư điện tử, công văn, hoặc trực tiếp đến làm đề nghị gia hạn tại cơ quan thuế.
Chỉ có chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% thì doanh nghiệp, cũng như người nộp thuế còn lúng túng trong việc xác định lĩnh vực nào được giảm thuế, lĩnh vực nào không được giảm thuế, dẫn đến việc doanh nghiệp phải hỏi cơ quan thuế nhiều lần. Với những trường hợp này, cơ quan thuế cần tuyên truyền mạnh hơn nữa, đồng thời có hướng dẫn cụ thể để người nộp thuế biết và chủ động thực hiện, như thế quyền lợi của người nộp thuế mới được đảm bảo và chính sách thuế mới đi vào cuộc sống.
PV: Xin cảm ơn bà!