Gợi hướng đi mới trong đào tạo đại học

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết trong công tác đào tạo đại học hiện nay. Với những công trình nghiên cứu mới, hội thảo khoa học quốc gia 'Những tiến bộ trong xây dựng, kiến trúc, kinh tế và công nghệ năm 2024 - ACEAT 2024' được tổ chức tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung đã gợi ra những hướng đi mới trong đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành liên quan.

GS.TS Phan Quang Minh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Hà Nội trình bày đề tài “Nghiên cứu ứng dụng bê tông sử dụng cốt liệu tái chế từ phế thải xây dựng”. Ảnh: NHƯ THANH

GS.TS Phan Quang Minh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Hà Nội trình bày đề tài “Nghiên cứu ứng dụng bê tông sử dụng cốt liệu tái chế từ phế thải xây dựng”. Ảnh: NHƯ THANH

Nghiên cứu các công nghệ mới

Xây dựng, địa kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng là một trong những chủ đề thu hút sự tham gia, quan tâm của các nhà khoa học tại hội thảo khoa học quốc gia “Những tiến bộ trong xây dựng, kiến trúc, kinh tế và công nghệ năm 2024 - ACEAT 2024” (hội thảo).

Tại hội thảo, GS.TS Phan Quang Minh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Hà Nội trình bày đề tài “Nghiên cứu ứng dụng bê tông sử dụng cốt liệu tái chế từ phế thải xây dựng”. Nghiên cứu nêu lên các đặc tính của gạch bê tông rỗng thoát nước sử dụng hỗn hợp cốt liệu tái chế (cốt liệu gạch đỏ và cốt liệu bê tông); trong đó, đặc tính lỗ rỗng và hệ số thoát nước được tập trung phân tích.

Theo GS.TS Phan Quang Minh, sử dụng vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng là một trong những công nghệ mới, góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường. Với những đặc trưng như cường độ chịu nén, độ bền cao, chi phí hợp lý khi so sánh với các loại vật liệu xây dựng khác, bê tông đã trở thành một loại vật liệu được áp dụng rất nhiều trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và giao thông.

Trong khuôn khổ hội thảo, tại tiểu ban chuyên môn 2 với nội dung: Kiến trúc, quy hoạch và thích ứng với biến đổi khí hậu, TS Lê Đàm Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung mang đến nghiên cứu “Hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho các đô thị ven biển và đề xuất cho TP Tuy Hòa”.

Bài nghiên cứu giới thiệu cụ thể giải pháp sử dụng hạ tầng xanh cho các đô thị ven biển, đặc biệt là TP Tuy Hòa. Trong đó nhấn mạnh, để thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hạ tầng xanh cần được khuyến khích và trở thành một quy chuẩn trong thiết kế mảng xanh ở các khu đô thị nhằm tạo nên các khu đô thị sinh thái, bền vững với môi trường.

Theo ban tổ chức, hội thảo đã nhận được trên 120 báo cáo khoa học đến từ các nhà khoa học, nghiên cứu. Nội dung tập trung vào các chủ đề: kết cấu và công nghệ xây dựng, địa kỹ thuật xây dựng, quản lý xây dựng; xây dựng và quản lý khai thác công trình giao thông, hạ tầng đô thị; tài nguyên nước và biển đảo; môi trường đô thị, thích ứng biến đổi khí hậu; vật liệu xây dựng mới, giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học, nghiên cứu cũng phân tích sâu về kiến trúc, quy hoạch và tổ chức không gian cảnh quan đô thị; quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính - ngân hàng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử; công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật cơ điện tử.

Hình thành cộng đồng khoa học

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ, toàn diện đến mọi lĩnh vực kinh tế, giáo dục, chính trị và đời sống xã hội, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yêu cầu khách quan cho sự phát triển.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã đưa ra nhiều yêu cầu quan trọng liên quan đến đổi mới công tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, trong đó “khuyến khích các trường đại học gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất và kinh doanh, đảm bảo các kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng và mang lại hiệu quả KT-XH cao”.

TS Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung cho biết: Với hai chức năng cơ bản là giáo dục và nghiên cứu khoa học, trường đại học đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Theo TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thành viên ban tổ chức hội thảo, hội thảo là cơ hội để mở ra hướng đi mới trong việc phối hợp nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức và đào tạo giữa tổ chức nghề nghiệp và cơ sở đào tạo, giữa nghiên cứu và thực hành và xa hơn là đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành liên quan.

Các bài báo, nghiên cứu khoa học mang đến tại hội thảo là nguồn tư liệu quý giá, thúc đẩy hoạt động trao đổi kinh nghiệm, công bố nghiên cứu; góp phần nâng cao chất lượng công bố của giảng viên, sinh viên và làm nền tảng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học đối với các ngành, lĩnh vực khác.

Hội thảo khoa học quốc gia “Những tiến bộ trong xây dựng, kiến trúc, kinh tế và công nghệ năm 2024 - ACEAT 2024” đã quy tụ đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu đến từ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trong cả nước. Đây là tiền đề quan trọng giúp hình thành các cộng đồng khoa học, đổi mới sáng tạo, kết nối hợp tác, nghiên cứu trong tương lai.

TS Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/318564/goi-huong-di-moi-trong-dao-tao-dai-hoc.html